Bạn đọc TƯƠNG QUAN:
Cần sự vào cuộc của cơ quan bảo vệ pháp luật
Chỉ tính từ đầu năm 2018 đến nay, hàng loạt vụ bạo lực học đường (BLHĐ) đã xảy ra với tính chất hết sức nghiêm trọng. Cứ mỗi khi xảy ra vụ việc chấn động, cơ quan chức năng liên tục họp hành, báo cáo, xử lý kỷ luật theo kiểu sai phạm đến đâu xử lý đến đó. Nhưng chỉ xử lý phần ngọn chứ không thể giải quyết tận gốc của vấn đề, không thể nào ngăn chặn được cái ác, cái xấu khi chúng vừa manh nha.
Có nhiều lý do đưa đến hàng loạt vụ BLHĐ, trong đó có cả sự dửng dưng đến vô cảm, bưng bít thông tin vì sợ ảnh hưởng đến thành tích của nhà trường, như vụ việc tại Hưng Yên.
Dù rằng sẽ rất khó hình sự hóa những vụ này vì đa số học sinh (HS) hành hung bạn dưới 16 tuổi. Tuy nhiên, việc xử lý về mặt hành chính - dân sự là khả dĩ và phải áp dụng mức phạt cao nhất mới đủ sức răn đe cho phụ huynh (PH) lẫn HS. Không thể một sớm một chiều mà những đứa trẻ vốn ngoan hiền bỗng bất ngờ trở nên hư hỏng. Hành vi côn đồ của những đứa trẻ ấy là tích lũy những suy thoái đạo đức, lối sống trong một thời gian dài nhưng thiếu sự quan tâm, giáo dục của gia đình. Chỉ có sự chế tài và trừng phạt nghiêm khắc, đúng mức mới có thể giúp PH có trách nhiệm với con em mình và giúp HS thức tỉnh, trở thành người có ích cho xã hội.
Ngoài ra, cần chú trọng hơn nữa đến công tác tham vấn và tâm lý học đường vì đây là phương pháp hữu hiệu để nhà trường phòng ngừa và phát hiện những vấn đề trong quan hệ giữa HS - HS, giáo viên (GV) - HS và các mối quan hệ khác. Đã đến lúc không thể cứ kêu gọi mà cần có sự ra tay đồng loạt của nhà trường, gia đình và toàn xã hội. Nhất là khi các biện pháp buộc thôi học vài ba ngày, hạ hạnh kiểm, cảnh cáo, kiểm điểm, rút kinh nghiệm… gần như không còn tác dụng thì cần có sự vào cuộc mạnh mẽ, triệt để hơn nữa từ các cơ quan bảo vệ pháp luật mới mong dẹp được tận gốc vấn nạn này.
Những buổi sinh hoạt dưới cờ cũng là cơ hội để gửi gắm thông điệp “Nói không với bạo lực học đường” đến học sinh. Ảnh: DUY THANH
Bạn đọc NGUYỄN TIẾN ĐẠT:
Thực hiện hiệu quả nguyên lý giáo dục
Chấn hưng giáo dục, trong đó ngăn chặn, đẩy lùi BLHĐ có nhiều giải pháp nhưng trước hết phải khẳng định người thầy phải giữ vững chuẩn mực trong suốt quá trình đứng lớp cũng như trong sinh hoạt hằng ngày; đồng thời phải triển khai, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả nguyên lý giáo dục, đó là "Học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, lý luận gắn liền với thực tiễn, giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội" (điều 3 Luật Giáo dục số 38/2005/QH11).
Thực tế hiện nay, chúng ta đang xa rời nguyên lý giáo dục hoặc triển khai thiếu quyết tâm. Nhà trường hối hả nhồi nhét kiến thức, chưa thực sự quan tâm đúng mức giáo dục đạo đức, thể chất; gia đình phó mặc con em cho thầy, cô giáo; xã hội cũng cuốn hút vào cao trào "tăng tỉ lệ trường chuẩn quốc gia", các tổ chức, hoạt động xã hội chưa phong phú để định hướng kỹ năng sống, thái độ ứng xử giữa người với người; thiếu kiểm tra, xử lý những lệch lạc trong dạy thêm, học thêm; PH, HS hoài nghi về kết quả đánh giá chất lượng toàn diện mỗi mùa tổng kết…; ngoài xã hội tràn ngập cạm bẫy, tệ nạn. Thử hỏi làm sao HS có đủ điều kiện hấp thụ cái hay, cái đẹp để tích lũy làm hành trang vào đời?
Từ thực tiễn đó, muốn ngăn chặn, đẩy lùi BLHĐ, trước hết cần phải xây dựng một đội ngũ GV chuẩn mực, thực sự là tấm gương sáng cho HS noi theo. Mặt khác, các cấp, các ngành, chủ lực là Bộ Giáo dục và Đào tạo cần chỉ đạo triển khai quyết liệt, nghiêm túc nguyên lý giáo dục để nhà trường thực sự là cái nôi đào tạo, bồi dưỡng những chủ nhân tương lai của đất nước.
Giáo dục công dân phải là môn học chính
Tôi nghĩ vấn đề nằm ở chỗ chúng ta chưa có phương pháp giáo dục phù hợp với thực tế đời sống, với sự tiến triển của xã hội. Chúng ta quá đặt nặng chuyện "học văn" mà xem nhẹ phần "học lễ"! Trao cho HS quá nhiều "quyền hạn" khiến thầy cô ít nhiều khó xử, thậm chí thụ động trong việc giáo huấn HS.
Đã đến lúc cần đặt nặng vấn đề giáo dục đạo đức, nhân cách. Cụ thể đưa môn giáo dục công dân thành môn chính, bổ sung các bài học về đạo đức, lối sống, nhân cách bên cạnh những kiến thức về pháp luật, vai trò, nghĩa vụ công dân... Môn giáo dục công dân phải xuyên suốt từ lớp 1 tới lớp 12 và là một trong những môn chính trong chương trình thi tốt nghiệp phổ thông. Những bài học đạo lý tốt đẹp, nhân văn sẽ là hạt giống tích cực xây dựng nhân cách con người.
Thanh Vân
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 2-4
Bình luận (0)