Dẫu có thể thông cảm phần nào cho sự nóng tính của người thầy muốn rèn giũa học trò vào nề nếp nhưng quả thật, hành động lẫn ngôn ngữ của thầy này hoàn toàn thiếu tính giáo dục và đánh mất vẻ đẹp của người "gieo hạt".
Dư luận bức xúc là phải, bởi không phải tự nhiên mà ngành giáo dục ngày càng cứng rắn hơn với hành vi người thầy bạo lực thân thể, xúc phạm nhân phẩm người học. Kỷ luật tích cực không đòn roi đang mở ra viễn cảnh người học được tôn trọng, được yêu thương và được phát triển trong môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh. Ðó là hệ quả tất yếu khi xã hội tiến vào kỷ nguyên hiện đại và văn minh, ở đó quyền của người học được tôn trọng và phát huy tối đa. Ngoài ra, càng ngày phụ huynh càng nhận ra lỗ hổng khắc sâu trong tâm hồn con trẻ nếu chẳng may dùng hình thức giáo dục theo quan niệm xưa cũ "thương cho roi cho vọt" nên cật lực phản đối hành động bạo lực đối với trẻ. Vì lẽ đó mà thỉnh thoảng một vài giáo viên nóng tính và khe khắt dùng roi vọt lập tức bị dư luận phản ứng.
Vậy cái giá của đòn roi là gì? Những đứa trẻ lớn lên cùng roi vọt sẽ biết sợ, biết đau để tránh nói sai, làm sai ư? Thực tế đã chứng minh hoàn toàn ngược lại. Nhiều em cứ đeo đẳng vết thương lòng khó liền sẹo về sự yếu kém của bản thân, sự tự ti, mặc cảm không dám đối diện thực tế. Khá nhiều trẻ lớn lên trong môi trường giáo dục ở nhà trường với đòn roi và lời nói khó nghe từ người thầy đã nuôi dưỡng sự phản kháng, cứng đầu, lì lợm đến tận cùng.
Ðiều đặc biệt nguy hại là bạo lực sẽ sinh ra bạo lực, đòn roi nối dài đòn roi. Bọn trẻ đang tuổi định hình nhân cách sẽ lầm tưởng rằng cứ sai là đánh đòn và bạo lực là phương pháp duy nhất giải quyết mâu thuẫn. Chính lúc này, giáo dục đã hoàn toàn thất bại ở ngay "thánh đường" - bục giảng!
Hãy để con em chúng ta nhận ra đằng sau mỗi lời trách phạt là sự yêu thương, đằng sau mỗi ánh mắt cương nghị của người thầy là những kỳ vọng gửi gắm vào sự tiến bộ của trò.
Bình luận (0)