Nhiều ý kiến cho rằng "lỗi không chỉ của ngành giáo dục, việc chăm sóc, nuôi dưỡng bảo ban của gia đình, bậc cha mẹ là không vô can".
"Học trò đánh nhau thì nền tảng gia đình như thế nào mới sản sinh ra 1 người hung hăng như vậy?"- bạn đọc Trân Châu ý kiến.
Bạn đọc Nam viết: Cha mẹ thời nay rất cưng chiều con, ai động tới là con tôi ở nhà ngoan lắm. Việc giáo dục đạo đức, kỹ năng sống là nhiệm vụ của nhà trường nhưng chủ yếu vẫn là giáo dục gia đình. Thầy cô dạy 1 năm rồi học thầy cô khác, còn gia đình sinh ra, nuôi đến lớn, cha mẹ là những nhà giáo đầu tiên và suốt đời với con em của mình. Khi con hư xin đừng chỉ biết đổ lỗi cho nhà trường và ngành giáo dục.
"Cần có hình thức kỷ luật thật nghiêm khắc với những học sinh đã đánh nhau, nhưng cũng phải có biện pháp giáo dục răn đe cứng rắn với sự thờ ơ vô cảm của cả lớp. Thấy bạn đánh nhau mà không ai can ngăn, thậm chí còn tiếp tay và cổ vũ, cười đùa"- bạn đọc bức xúc.
Cảnh học sinh Trường THPT Phan Đăng Lưu (quận Bình Thạnh, TP HCM) đánh nhau dã man trong lớp học đang gây xôn xao dư luận.
Bạn đọc Anh Tuấn đặt câu hỏi: "Xem clip này tôi đau lòng lắm, các cháu còn rất trẻ mà đã ra tay với bạn rất nặng nề, cần phải xem xét trách nhiệm người đứng đầu- hiệu trưởng, bộ phận giám thị và ban cán sự lớp họ đã ở đâu trong lúc học sinh đánh nhau. Hiệu trưởng có phân công bộ phận giám thị đi tuần tra giám sát các lớp không. Bộ phận giám thị đã làm gì mà để học sinh đánh nhau gần 7 phút mà không hề hay biết. Ban cán sự lớp lớp trưởng, lớp phó ... ở đâu tại sao không em nào đi xuống báo với giáo viên, giám thị mà còn "hùa" theo?".
"Hiệu trưởng là người đứng đầu trong trường, để xảy ra học sinh đánh nhau trong lớp hiệu trưởng là người chịu trách nhiệm chính"- bạn đọc Đoàn Hòa nêu ý kiến. Bạn đọc Ngockhanh772000 bổ sung thêm: Học sinh trong lớp quá vô cảm, cần xem lại cách giáo dục của giáo viên và cách quản lý của hiệu trưởng".
Thật là đáng lo khi tình trạng bạo lực tuổi học trò, học sinh đánh nhau trong và ngoài lớp học liên tiếp xảy ra trong thời gian gần đây. Không khó để liệt kê về vấn nạn này, chẳng hạn: vụ nữ sinh lớp 9 bị 5 bạn học đánh dã man, lột quần áo rồi quay clip (ở Hưng Yên, tháng 4- 2019); clip 3 nữ sinh lớp 8 túm tóc, đấm đá liên tục vào một nữ sinh lớp 9 (thị xã Bến Cát, Bình Dương, tháng 10 - 2019); nữ sinh lớp 11 ở Hà Tĩnh đã bị một nhóm 4 nữ sinh đánh hội đồng trước sự chứng kiến của nhiều học sinh khác (tháng 5- 2020); trường THPT Ngô Gia Tự (huyện Ea Kar,tỉnh Đắk Lắk) nhóm học sinh cấp 3 đã đánh bạn học ngay trong trường (tháng 3-2021)…
Bạn đọc Thu phân tích: Trường THPT Phan Đăng Lưu sẽ xử lý ra sao về chuyện đánh nhau này. Nếu hạ bậc hạnh kiểm thì sẽ bị kêu là quá nhẹ, nếu đuổi học thì xã hội kêu ầm lên là không nhân văn, phản giáo dục, "đẩy" các em ra xã hội là thất bại. Tôi nghĩ cần có hình phạt mạnh tay và phù hợp cho những em vị thành niên như thế này. Bắt đi lao động công ích 1 thời gian cho "thấm" và "chừa" thói hung hăng!
Bạn đọc Nguyễn Thị Xuân Mai cũng đồng tình "Áp dụng hình thức xử phạt bằng cách cho vào trại giáo dưỡng 1, 2 tuần để nếm mùi lao động, kỷ luật. Cha mẹ làm việc vất vả lo cho bọn trẻ quá đầy đủ nên chúng nó mới "hư" như thế".
"Đánh nhau lâu như vậy mà thầy cô giáo ở đâu? Cần xử lý nghiêm học sinh và cả giáo viên. Song song đó cần phải xem lại vai trò trách nhiệm của người lớn "bậc cha mẹ, người nuôi dưỡng- thầy cô giáo", những người lớn này cần phải quan tâm sâu sát hơn nữa với con em, với học sinh của mình có như vậy mới có thể ngăn chặn được vấn nạn học trò "choảng" nhau"- nhiều bạn đọc đề nghị.
Bình luận (0)