Thượng tọa Thích Nhật Từ, Ủy viên Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Viện trưởng Thường trực Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP HCM:
"ATM thực phẩm miễn phí" - Sự chu đáo và tình yêu thương
Trong đạo Phật, cho là sự hiến tặng hợp pháp quyền sở hữu của chúng ta về tiền bạc, tài sản và vật mà mình sở hữu. Đây là ứng dụng của tâm từ bi, thông cảm nỗi khổ của người bất hạnh bằng hành động cụ thể để giúp họ vượt qua cơn ngặt nghèo. Trong giai đoạn phòng chống dịch Covid-19, Việt Nam được thế giới đánh giá cao khi số ca nhiễm ít, chưa có trường hợp tử vong. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của Covid-19, nhiều người dân thất nghiệp, ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống của gia đình họ.
Việc các tổ chức, cá nhân giúp đỡ ngay lập tức, không trì hoãn trong lúc ngặt nghèo nhất rất đáng được trân trọng, ca ngợi. Cho đi thì không mong nhận lại, cho một cách trọn vẹn. Không quan trọng mình là người ban cho, không làm cho người tiếp nhận mặc cảm, tự ti về thân phận kém may mắn của mình; không quan trọng tặng phẩm mình đã cho đi và không mong cầu được đền đáp. Điều đó làm cho con người trở nên cao quý.
Khai trương cây ATM thực phẩm miễn phí tại Báo Người Lao Động ngày 17-4 (ảnh: HOÀNG TRIỀU)
Dĩ nhiên, sẽ không tránh khỏi việc có những người lợi dụng lòng thương, nhận nhiều phần quà. Nhưng thực tế, phần lớn người đi nhận quà, họ thật sự cần lắm. Làm phúc cho người khác là giúp cho chính mình, hiểu được như vậy, chúng ta sẽ thoải mái, nhẹ nhàng và năng động hơn.
Tôi rất cảm kích cách tổ chức hoạt động từ thiện của Báo Người Lao Động qua việc cho vận hành "ATM thực phẩm miễn phí". Điều này thể hiện suy nghĩ chu đáo và tình yêu thương trọn vẹn dành cho những hoàn cảnh khó khăn cần giúp đỡ. Đáng quý hơn nữa là bằng uy tín và cách làm sáng tạo của mình, Báo Người Lao Động đã huy động được nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân khác cùng tham gia, tình thương yêu qua đó mà lan tỏa.
Bà Nguyễn Thị Hằng Nga, nguyên Tổng Biên tập Báo Người Lao Động:
Tự hào khi từng là người của Báo Người Lao Động
Qua theo dõi chương trình "ATM thực phẩm miễn phí" của Báo Người Lao Động, tôi thật sự ấn tượng. Hôm ấy đang đi chạy thận, sức khỏe cũng rất yếu nhưng vì quá xúc động với cách làm của báo, tôi đã tranh thủ đến ủng hộ chương trình, như góp một chút sức cùng đồng nghiệp.
Theo tôi, việc cho ra đời và vận hành cây "ATM thực phẩm miễn phí" trong bối cảnh giãn cách xã hội vì dịch Covid-19 thể hiện sự nhạy bén, năng động trong cách nghĩ, cách làm của lãnh đạo và CB-CNV của Báo Người Lao Động. Đây là cách làm rất thiết thực, kịp thời hỗ trợ người lao động vượt qua khó khăn mà vẫn bảo đảm cự ly giãn cách cần thiết. Nói nôm na đây là tình cảm mà Báo Người Lao Động dành cho độc giả của mình - những người lao động, nhất là những người lao động khó khăn, mất việc.
Thực tế thời gian qua cho thấy Báo Người Lao Động ngày càng trưởng thành, có nhiều chương trình sau mặt báo rất phong phú, sáng tạo, đúng với tôn chỉ, mục đích của báo. Không chỉ chương trình "ATM thực phẩm miễn phí" mà còn nhiều chương trình khác, gần nhất là chương trình "Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển" để lại nhiều tiếng vang, được người dân và lãnh đạo nhà nước quan tâm, đánh giá rất cao. Chính những điều này làm tôi thấy rất tự hào khi từng là người của Báo Người Lao Động.
Bình luận (0)