Ngày 28-10, phóng viên Báo Người Lao Động đã tới gia đình anh Bùi Văn Tăng (SN 1970) và chị Nguyễn Thị Sim (SN 1982), ngụ làng Ấm, xã Lương Nội, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa, để trao số tiền 5 triệu đồng được độc giả, các nhà hảo tâm gửi tới báo nhằm chia sẻ một phần khó khăn cho cuộc sống của cặp vợ chồng anh Tăng.
Phóng viên Báo Người Lao Động đã tới tận nhà anh Bùi Văn Tăng, trao số tiền 5 triệu đồng bạn đọc ủng hộ - Ảnh: Tuấn Minh
Anh Bùi Văn Tăng và chị Nguyễn Thị Sim là một cặp vợ chồng đến với nhau như một câu chuyện cổ tích giữa đời thường, khiến không chỉ người dân xã Lương Nội mà cả tỉnh Thanh Hóa phải cảm phục, thương cảm cho nghị lực vươn lên của 2 con người tật nguyền.
Trở lại căn nhà nhỏ nơi vợ chồng anh Tăng và đứa con trai nhỏ 5 tuổi sinh sống, mọi thứ vẫn vậy, không có gì thay đổi, chỉ có một thứ thay đổi là sức khỏe của anh Tăng ngày một yếu do căn bệnh quái ác anh mang trong người. Do đều là người tàn tật, cuộc sống của cặp vợ chồng và đứa con chỉ trông chờ vào mấy đồng tiền bảo trợ xã hội của nhà nước nên vô cùng khó khăn.
Đón nhận số tiền bạn đọc ủng hộ, vợ chồng anh Tăng chị Sim tỏ ra rất cảm kích, bày tỏ lòng cảm ơn tới những người đã quan tâm tới hoàn cảnh đáng thương của vợ chồng anh chị.
Tổ ấm của gia đình anh Bùi Văn Tăng - chị Nguyễn Thị Sen - ảnh Ngô Nhung
"Vợ chồng tôi đến với nhau đã quá khó khăn rồi, gần đây cuộc sống càng khó khăn hơn khi đứa con trai thường xuyên bị ốm. Bản thân tôi trước đây còn lấy chè khô từ quê ngoại về bán, nhưng thời gian này cũng chẳng bán được nên cũng chẳng thêm pha được đồng nào trang trải cuộc sống, giờ cả nhà chỉ trông chờ vào khoản tiền 1 triệu đồng trợ cấp của nhà nước"- chị Sim rơm rớm nước mắt.
Cũng theo vợ chồng anh Tăng, số phận của 2 người đã vậy rồi, đến với nhau đã là điều quá hạnh phúc, nên anh chị mong muốn không bị bệnh tật hành hạ để vợ chồng có thể tiếp tục sống, chứng kiến đứa con trai của 2 người khôn lớn, trưởng thành.
Trước đó, như Báo Người Lao Động đã thông tin, mặc dù mắc bệnh lạ, nằm co quắp một chỗ, nhưng nhờ chiếc điện thoại di động, chàng trai tàn tật người Mường Bùi Văn Tăng (xã Lương Nội, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa) đã tìm thấy một nửa của riêng mình và viết nên một câu chuyện kỳ diệu về tình yêu, nghị lực vươn lên trong cuộc sống.
Cả 2 vợ chồng đều là những người tật nguyện nhưng đã quyết tâm đến với nhau, viết nên câu chuyện cổ tích giữa đời thường - ảnh Ngô Nhung
Câu chuyện cổ tích giữa đời thường của anh Tăng và chị Sim bắt đầu vào đầu năm 2013, thời điểm ấy, có một người cháu họ đi làm ăn xa về thấy anh Tăng nằm một chỗ buồn tẻ, người cháu đã tặng anh 1 chiếc điện thoại cũ để anh vào mạng tìm kiếm thông tin giải trí cho đỡ buồn. Nhờ có chiếc điện thoại này, anh đã vào "Google" tìm kiếm thông tin và bất ngờ kết nối được với chị Sim, để rồi sau đó, qua những câu chuyện anh kể từng ngày qua điện thoại đã làm trái tim chị tan chảy, đồng ý về ở chung 1 nhà với anh.
Là 1 người bình thường, nhưng khi bước sang tuổi 16, tai họa bất ngờ ập xuống cuộc đời anh Tăng cướp đi tất cả, biến anh từ 1 người khỏe mạnh bình thường trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội. Khi đó, đôi chân anh Tăng cứ đau nhức, xương khớp tê buốt. Tưởng là đau xương khớp bình thường, gia đình lấy thuốc lá về đắp, nhưng bệnh tình không thuyên giảm. 4 năm sau, đôi chân của Tăng co rút, khiến anh không thể đi lại được nữa và nằm liệt một chỗ cho đến bây giờ.
Còn chị Sim, vợ anh (quê xã Phấn Mễ, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên) cũng là 1 người bất hạnh, dù không phải nằm 1 chỗ nhưng cuộc đời chị cũng đầy nước mắt. Chị cho biết hồi mới có bầu, mẹ chị đã tiêm nhiều thuốc kháng sinh nên khi được sinh ra, chị đã bé như cái kẹo, sau này trưởng thành chị cũng chỉ cao được 1,1 m, nặng có 25 kg.
Cháu Bùi Lương Bằng - đưa con được sinh ra từ chuyện tình như cổ tích của vợ chồng anh Tăng - ảnh Ngô Nhung
Trước khi đến với anh Tăng, chị cũng đã trải qua một lần lầm lỡ với 1 người cùng cảnh ngộ và sinh được 1 bé gái. Cháu bé bị người chồng ruồng bỏ, chị không đủ sức nuôi con nên đã gửi lại 1 trung tâm ở Hà Nội. Sau này chị được biết con gái mình đã được cặp vợ chồng người Pháp nhận nuôi, đến nay cháu cũng đã được 10 tuổi.
Ngày chị Sim, anh Tăng về chung một nhà diễn ra một cách chóng vánh, đám cưới không có chú rể đi đón dâu, không có môn đăng hộ đối, chỉ có 2 chú cháu là người thân của anh Tăng từ nhà ra tận Thái Nguyên xin dâu. Hai bên nội ngoại cũng chỉ làm vài mâm cơm bình dị để thông báo và ra mắt họ hàng, xóm giềng. Ngày anh chị làm đám cưới, cả vùng quê nơi anh Tăng ở xôn xao, ai cũng cảm phục tình yêu của 2 người, nhưng cũng nghi ngại về tương lai của đôi uyên ương tật nguyền.
Dù cuộc sống chỉ trông chờ vào những đồng trợ cấp của nhà nước, thế nhưng cặp vợ chồng này vẫn lạc quan, hương về phía trước - ảnh Ngô Nhung
Cưới nhau được 1 năm, niềm vui của cặp vợ chồng tàn tật càng nhân lên gấp bội khi đứa con trai chung của 2 người chào đời. Dù chỉ nặng có 25 kg nhưng chị đã hạ sinh 1 cháu trai nặng 3,4 kg, sau này được vợ chồng anh đặt tên là Bùi Lương Bằng. "Tôi muốn đặt tên con như vậy để mong sao nó lớn lên khỏe mạnh, sống có lương tâm và công bằng với mọi người" - anh Tăng chia sẻ.
Bình luận (0)