Đó là câu chuyện cảm động, như cổ tích có thực giữa đời thường của cặp vợ chồng tật nguyền Bùi Văn Tăng (SN 1970) và chị Nguyễn Thị Sim (SN 1982), ngụ làng Ấm, xã Lương Nội, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa. Chuyện họ quen nhau, yêu nhau, đến với nhau khiến không chỉ người dân làng Ấm mà cả xã Lương Nội phải thán phục, thương cảm.
Cặp vợ chồng tật nguyền Bùi Văn Tăng và Nguyễn Thị Sim - đã viết nên một cầu chuyện tình đẹp như cổ tích giữa đời thường - Ảnh: Ngô Nhung
Chuyện tình như cổ tích của 2 mảnh đời bất hạnh
Chúng tôi ghé nhà vợ chồng anh Bùi Văn Tăng vào những ngày cận Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019. Đập ngay vào mắt chúng tôi là cảnh tượng 1 người đàn ông đang nằm cuộn tròn trên chiếc giường đã cũ được ghép từ những tấm gỗ. Dưới nền đất, người phụ nữ nhỏ thó, bé tẹo (vợ anh Tăng) đang mặc lại chiếc áo cho đứa con trai nhỏ. Dù còn vài ngày nữa là tới Tết cổ truyền, nhưng căn nhà của vợ chồng anh Tăng vẫn trống trơn, chẳng khác ngày thường.
Anh Tăng cho biết cuộc đời anh như chết đi sống lại khi gặp được 1 người cùng cảnh ngộ giống mình, dám hy sinh tất cả để đến với con người tật nguyền như anh. Không chỉ lo toan cuộc sống cho gia đình, vợ anh còn lo cho anh từng miếng ăn, giấc ngủ, tắm rửa, vệ sinh cho anh. Người phụ nữ bất hạnh với thân hình như 1 đứa trẻ ấy đối với anh Tăng không chỉ là người vợ mà còn giống như 1 người mẹ hiền.
Sinh ra trong 1 gia đình có 7 anh chị em, tuổi thơ của Bùi Văn Tăng cũng lớn lên bình yên như bao đứa trẻ khác, một buổi đến trường, một buổi đi chăn trâu, kiếm củi, chiều chiều đá bóng với những chúng bạn cùng trang lứa. Tăng cho biết dù gia đình đông anh em, cuộc sống khó khăn nhưng những năm tháng tuổi thơ Tăng vẫn lớn lên khỏe mạnh bình thường, đã biết giúp bố mẹ trong những ngày mùa vất vả.
Họ đến với nhau từ những cuộc trò chuyện qua điện thoại và tạo nên một tổ ấm khiến nhiều người ngưỡng mộ - Ảnh: Ngô Nhung
Nhưng rồi, khi bước sang tuổi 16, tai họa bất ngờ ập xuống cuộc đời Tăng cướp đi tất cả, biến anh từ 1 người khỏe mạnh bình thường trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội. Khi đó, đôi chân của Tăng cứ đau nhức, xương khớp tê buốt. Tưởng là đau xương khớp bình thường, gia đình lấy thuốc lá về đắp, nhưng bệnh tình không thuyên giảm. 4 năm sau, đôi chân của Tăng co rút, khiến anh không thể đi lại được nữa và nằm liệt một chỗ cho đến bây giờ.
Từ ngày mắc bệnh lạ, cuộc sống của anh Tăng trở nên vô nghĩa, ai cho ăn gì biết nấy, chẳng làm được gì, chỉ biết làm bạn với bốn góc nhà. Cuộc sống tẻ nhạt của chàng trai người Mường cứ thế trôi đi, 1 năm, 5 năm, 10 năm rồi 20 năm, anh vẫn nằm một chỗ, làm bạn với chiếc giường và 4 bức tường vô hồn.
Nhưng rồi điều kỳ diệu, một câu chuyện cổ tích thực sự đã bước vào cuộc đời anh, làm thay đổi hoàn toàn cuộc sống của một con người tật nguyền.
Đó là vào đầu năm 2013, thời điểm ấy, có một người cháu họ đi làm ăn xa về thấy anh Tăng nằm một chỗ buồn tẻ, người cháu đã tặng anh 1 chiếc điện thoại cũ để anh vào mạng tìm kiếm thông tin giải trí cho đỡ buồn. Nhờ có chiếc điện thoại này, anh đã vào "Google" tìm kiếm thông tin và bất ngờ kết nối được với chị Sim, để rồi sau đó, qua những câu chuyện anh kể từng ngày qua điện thoại đã làm trái tim chị tan chảy, đồng ý về ở chung 1 nhà với anh.
Với anh Bùi Văn Tăng, cuộc sống đã trở nên có ý nghĩa khi anh gặp được người phụ nữ yêu thương, dành tình yêu cho một người tàn tật như mình - Ảnh: Ngô Nhung
Hạnh phúc kỳ diệu nhưng lắm lo âu
Chị Sim, vợ anh (quê xã Phấn Mễ, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên) cũng là 1 người bất hạnh, dù không phải nằm 1 chỗ nhưng cuộc đời chị cũng đầy nước mắt. Chị cho biết hồi mới có bầu, mẹ chị đã tiêm nhiều thuốc kháng sinh nên khi được sinh ra, chị đã bé như cái kẹo, sau này trưởng thành chị cũng chỉ cao được 1,1 m, nặng có 25 kg.
Trước khi đến với anh Tăng, chị cũng đã trải qua một lần lầm lỡ với 1 người cùng cảnh ngộ và sinh được 1 bé gái. Cháu bé bị người chồng ruồng bỏ, chị không đủ sức nuôi con nên đã gửi lại 1 trung tâm ở Hà Nội. Sau này chị được biết con gái mình đã được cặp vợ chồng người Pháp nhận nuôi, đến nay cháu cũng đã được 10 tuổi.
Ngày chị Sim, anh Tăng về chung một nhà diễn ra một cách chóng vánh, đám cưới không có chú rể đi đón dâu, không có môn đăng hộ đối, chỉ có 2 chú cháu là người thân của anh Tăng từ nhà ra tận Thái Nguyên xin dâu. Hai bên nội ngoại cũng chỉ làm vài mâm cơm bình dị để thông báo và ra mắt họ hàng, xóm giềng. Ngày anh chị làm đám cưới, cả vùng quê nơi anh Tăng ở xôn xao, ai cũng cảm phục tình yêu của 2 người, nhưng cũng nghi ngại về tương lai của đôi uyên ương tật nguyền.
Đứa con 4 tuổi là kết quả của một câu chuyện tình yêu đẹp - Ảnh: Ngô Nhung
Cưới nhau được 1 năm, niềm vui của cặp vợ chồng tàn tật càng nhân lên gấp bội khi đứa con trai chung của 2 người chào đời. Ngày vợ anh chuyển dạ sinh con, mẹ anh cũng lâm bệnh nặng, anh thì nằm một chỗ chẳng giúp được gì, vợ anh phải nhờ người họ hàng chở lên Bệnh viện huyện Bá Thước để sinh, nhưng do không thể đẻ thường được mà phải mổ, chị lại được chuyển xuống Bệnh viện Đa khoa khu vực Ngọc Lặc để mổ đẻ.
Dù chỉ nặng có 25 kg nhưng chị đã hạ sinh 1 cháu trai nặng 3,4 kg, sau này được vợ chồng anh đặt tên là Bùi Lương Bằng. "Tôi muốn đặt tên con như vậy để mong sao nó lớn lên khỏe mạnh, sống có lương tâm và công bằng với mọi người" - anh Tăng chia sẻ.
Tưởng như, cuộc sống của cặp vợ chồng tật nguyền như thế đã mãn nguyện, thế nhưng ẩn sâu trong ngôi nhà đó là những nỗi lo, có thể ập xuống bất cứ lúc nào. Do đều là người tàn tật, cuộc sống của cặp vợ chồng và đứa con chỉ trông chờ vào mấy đồng tiền bảo trợ xã hội của nhà nước. Vợ anh cũng gầy yếu, ở quê chẳng có việc nào phù hợp nên cũng không làm được gì, còn anh Tăng nằm một chỗ nhưng thi thoảng cũng kiếm được vài đồng lẻ của người dân tới sửa cái nồi cơm điện, cái đèn pin. Ngặt nỗi, đứa con trai của gia đình cũng mắc bệnh phế quản rất nặng, có lần cả 2 mẹ con phải dắt díu xuống viện nằm điều trị cả tuần trời.
Cuộc sống của vợ chồng anh Tăng cũng còn đó những nỗi lo vì phải sống nhờ vào những đồng tiền trợ cấp của nhà nước
"Cuộc sống của vợ chồng giờ có rau ăn rau, có cháo ăn cháo, chúng tôi cũng cố gắng yêu thương đùm bọc nhau, nhưng chỉ sợ khi một ai đó đổ bệnh thì không biết bấu víu vào đâu. Tôi sống đến bây giờ đã là điều kỳ diệu, giờ tôi chỉ có ước muốn được 1 lần tới bệnh viện để được các bác sĩ thăm khám, kiểm tra xem tôi mắc bệnh gì thế là tôi mãn nguyện lắm rồi" - anh Tăng chia sẻ.
Chia tay gia đình anh Tăng khi trời đã về chiều, không khí Tết của người dân làng Ấm đã ngập tràn, thế nhưng trong căn nhà của những mảnh đời bất hạnh, dường như Tết vẫn như ngày thường.
Bình luận (0)