Theo quy định pháp luật hiện hành, một trẻ em được bảo vệ bởi 17 cơ quan, tổ chức, đoàn thể từ địa phương đến trung ương. Thế nhưng, số vụ việc và số lượng trẻ bị xâm hại ngày càng tăng và có tính chất phức tạp nhưng ít được phát hiện bởi các tổ chức này.
Đáng buồn hơn, khi trẻ bị xâm hại, người thân không biết phải cầu cứu cơ quan nào. Có trường hợp nhờ trợ giúp thì bị chỉ lòng vòng, làm cho việc thu thập chứng cứ, dấu vết tội phạm gặp nhiều khó khăn.
Không còn chỗ nào an toàn cho trẻ
Trước nay, nhà trường và gia đình được xem là những nơi an toàn nhất cho trẻ. Thật đau lòng là thời gian qua, rất nhiều vụ việc xâm hại tình dục trẻ em mà thủ phạm lại chính là những người thân thích, thầy dạy học. Câu chuyện mới nhất xảy ra tại Trung tâm Hỗ trợ xã hội (TTHTXH) thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) TP HCM khiến dư luận bàng hoàng, phẫn nộ bởi thêm một nơi được cho là an toàn cho những trẻ bất hạnh, cơ nhỡ thì trẻ vẫn bị tấn công tình dục suốt một thời gian dài.
Điều này hoàn toàn trái với chính sách pháp luật của nhà nước đối với trẻ em. Hiện nay, trẻ em được bảo vệ bởi nhiều văn bản pháp luật, nhiều tổ chức, cơ quan. Theo quy định của Luật Trẻ em được Quốc hội thông qua vào ngày 5-4-2016, Nghị định 56/2017/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Trẻ em, hiện có đến 17 cơ quan, tổ chức, đoàn thể từ trung ương đến địa phương được giao nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ và can thiệp khi trẻ em bị bạo hành, xâm hại. Thế nhưng, hầu hết những vụ việc trẻ em bị xâm hại tình dục được phát hiện bởi truyền thông. Điều này đặt ra câu hỏi về hiệu quả hoạt động của các tổ chức bảo vệ trẻ em.
Một nạn nhân (15 tuổi) bị cha dượng xâm hại trong thời gian dàiẢnh: Di Lâm
Quay trở lại vụ việc ở TTHTXH diễn ra trong thời gian dài lẽ nào lãnh đạo trung tâm không hay biết? Nếu quả thật có sự chậm trễ trong việc phát hiện hành vi xâm hại tình dục đối với các cháu vì lý do chủ quan thì người đứng đầu của cơ quan này cần phải xem lại trách nhiệm của mình. Hiện nay, việc điều chỉnh quản lý, hoạt động của TTHTXH nói riêng và cơ sở trợ giúp xã hội (CSTGXH) công lập và ngoài công lập được thực hiện theo Nghị định 103/2017/NĐ-CP quy định về việc thành lập, tổ chức, hoạt động, giải thể và quản lý các CSTGXH. Người đứng đầu các CSTGXH phải chịu trách nhiệm trong việc tuyển dụng nhân sự, phải bảo đảm người được tuyển dụng có phẩm chất đạo đức tốt, không mắc tệ nạn xã hội và không thuộc đối tượng bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đã bị kết án mà chưa được xóa án tích. Ngoài trách nhiệm trực tiếp của người đứng đầu CSTGXH thì vai trò, trách nhiệm của ngành LĐ-TB-XH cũng cần được đặt ra. Bởi lẽ, theo Nghị định 103/2017/NĐ-CP, việc thành lập các CSTGXH thuộc thẩm quyền của cấp sở và cấp phòng của ngành LĐ-TB-XH. Định kỳ 6 tháng, các cơ sở này phải báo cáo cơ quan ra quyết định thành lập về tổ chức, hoạt động của đơn vị.
Vừa qua, trả lời báo chí, một đại diện Sở LĐ-TB-XH TP cho rằng có thể do thiếu nhân lực nên các trung tâm mới phải hợp đồng với người ngoài và rà soát hồ sơ, lý lịch không kỹ, để lọt những người thiếu đạo đức như trường hợp đáng tiếc vừa rồi. Nếu thật sự như vậy thì rất đáng lo ngại, bởi không thể vì lý do khó tuyển dụng mà có thể bỏ qua những tiêu chuẩn cơ bản của một người làm công tác bảo trợ xã hội theo quy định của pháp luật. Nên nhớ rằng đây là cơ sở công lập, thuộc Sở LĐ-TB-XH nên điều kiện, tiêu chuẩn tuyển dụng khắt khe hơn cơ sở ngoài công lập mà việc tuyển dụng người sơ hở như thế thì hơn 18 CSTGXH trên địa bàn TP HCM, liệu ngành LĐ-TB-XH có quản lý được không? Liệu có trường hợp tương tự xảy ra mà chưa bị phát hiện không?
Một tổ chức chuyên nghiệp, hiệu quả
Theo quy định pháp luật hiện hành, hiện nay, ngoài cơ quan bảo vệ trẻ em thuộc ngành LĐ-TB-XH, từ trung ương đến tận xã phường, còn rất nhiều các cơ quan khác cũng được giao nhiệm vụ bảo vệ trẻ em. Cụ thể, Quốc hội, Chính phủ (các bộ ngành y tế, giáo dục - đào tạo, tư pháp, văn hóa - thể thao và du lịch…), Bộ Công an, VKSND các cấp, TAND các cấp, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, MTTQ, UBND các cấp, HĐND các cấp… cũng được quy định về trách nhiệm bảo vệ trẻ em.
Qua thực tiễn thực thi pháp luật cho thấy dù có nhiều đầu mối tiếp nhận thông tin nhưng chỉ có một vài cơ quan có thực quyền để xử lý khi trẻ em bị xâm hại, đó là cơ quan bảo vệ trẻ em thuộc ngành LĐ-TB-XH và ngành công an. Khi vụ việc đến mức xử lý hình sự thì có thêm sự tham gia của VKSND và TAND. Các cơ quan còn lại, khi tiếp nhận thông tin về trẻ bị xâm hại cũng không thể xử lý được mà đều phải chuyển thông tin về cho cơ quan có thực quyền xử lý. Việc tiếp nhận thông tin rồi chuyển đi, chuyển lại rõ ràng là không hiệu quả.
Vì vậy, các cơ quan có thẩm quyền cần sớm nghiên cứu, kiên quyết giảm bớt đầu mối mang tính "phong trào" mà xây dựng một đầu mối thật sự chuyên nghiệp, hiệu quả trong việc phát hiện, ngăn chặn và bảo vệ trẻ em có nguy cơ bị bạo hành, bị xâm hại. Đối với những trường hợp bị xử lý hình sự, cần phải có đường lối xử lý thật nghiêm, không áp dụng án treo đối với những đối tượng bạo hành, xâm hại trẻ em, kể cả khi có nhiều tình tiết giảm nhẹ.
8 năm, 1.473 trẻ bị bạo lực, xâm hại
Tính từ năm 2011 đến tháng 6-2019, trên địa bàn TP HCM có 1.473 trẻ em bị bạo lực, xâm hại, xâm hại tình dục. Tuy nhiên, con số này chưa hoàn toàn phản ánh thực tế do nhiều gia đình đã chọn cách im lặng và khả năng nhận thức của trẻ về vấn đề xâm hại còn hạn chế.
Trong tổng số vụ xâm hại trẻ em nêu trên, đau lòng là có 6 trẻ tử vong; 6 trẻ bị thương tật; 14 trẻ em bị rối loạn tâm thần; 86 trẻ có thai, 9 trẻ phải bỏ học và 661 trẻ bị tác động khác về thể chất, tinh thần. Số lượng trẻ em bị xâm hại được trợ giúp pháp lý và các hình thức trợ giúp pháp lý từ năm 2011 đến tháng 6-2019 là gần 1.000 trẻ.
P.Anh
Bình luận (0)