Thống kê từ 2015 đến nay, toàn TP HCM có 695 trẻ bị xâm hại tình dục. Theo từng năm, số lượng và tính chất có chiều hướng gia tăng. Hậu quả để lại, 661 trẻ bị tác động về tâm sinh lý, 6 trẻ tử vong, 6 trẻ bị thương tật, 14 bé bị rối loạn tâm thần, 86 trường hợp có thai, 9 trẻ phải bỏ học.
Sự việc xảy ra mới hay có 17 "cửa" để gõ
Hơn nửa năm nay, anh Phạm Quan Liêm (ngụ huyện Nhà Bè, TP HCM) cùng luật sư gõ cửa khắp nơi để khiếu nại về việc vì sao Công an huyện Nhà Bè chưa khởi tố việc con gái 3 tuổi bị người đàn ông 70 tuổi dâm ô. Vào hồi tháng 4-2019, ít nhất 2 lần, vợ chồng anh Liêm phát hiện con gái sốt và kêu đau vùng kín. Khi hỏi thăm, cháu bé kể lại sự việc bị một cụ ông gần nhà gây ra. Khi phát hiện, cả gia đình trình báo công an địa phương nhưng đến nay mọi thứ vẫn "im lặng". Anh Liêm bức xúc: "Bây giờ con gái tôi cứ thấy người đàn ông lớn tuổi là chạy đi nơi khác. Ðêm ngủ hay giật mình". Trả lời câu hỏi vì sao không cầu cứu các đơn vị khác? Anh cho biết ban đầu chỉ biết kêu lên công an, sau có luật sư tham vấn, gia đình mới nhờ sự can thiệp từ Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP HCM.
Bé C. (6 tuổi) cùng ông ngoại kể lại việc bị cha dượng bạo hành trong thời gian dài Ảnh: LÊ PHONG
Trở lại xóm trọ tại phường Tân Hưng Thuận, quận 12, TP HCM để tìm gặp lại những nhân chứng giải cứu bé C. (6 tuổi) bị cha dượng Hà Quốc Việt (36 tuổi) bạo hành mới hay nhiều người không biết gọi ai để hỗ trợ. Chị V.K.H (32 tuổi) kể lại nhiều lần thấy cháu C. khóc vì bị đánh. Mãi đến cuối tháng 10-2019, một lần chứng kiến ngay ngực bé C. bị chích thuốc lá và nhiều vết thương nên chị H. và nhiều người trong xóm gọi điện thoại báo cho cơ quan công an địa phương. "Nhưng vì nóng ruột, tôi và nhiều người trong xóm liên hệ nhau bàn cách tự giải cứu cháu bé. Mọi người tranh thủ lúc ba hờ cháu đi vắng đã đưa cháu đi nơi khác" - chị H. nói. Sau đó, một người trong xóm lần theo địa chỉ quê ngoại đưa cháu bé về Trà Vinh.
Ông Ðặng Công Hùng (46 tuổi, ông ngoại bé C.) cho biết một người lạ mặt đã đưa cháu về, trên cơ thể đầy thương tích. Họ giấu tên và yêu cầu xóa số điện thoại liên lạc vì sợ cha dượng của cháu trả thù. "Thấy cháu bị hành hạ chi chít vết bầm, tôi đau lòng chịu không thấu và theo lời khuyên của nhiều người, tôi đưa cháu lên thẳng Công an quận 12 để tố cáo. Giám định thương tật lên đến 51%. Xót xa lắm" - ông Hùng nói trong nước mắt. Ông cũng cho hay khi xảy ra vụ việc, có tìm hiểu và nhận thấy rất nhiều cơ quan bảo vệ trẻ em nhưng bản thân ông và có lẽ những người hàng xóm tốt bụng không biết.
Theo luật sư Nguyễn Anh Minh, Ðoàn Luật sư TP HCM, Luật Bảo vệ trẻ em (có hiệu lực từ năm 2016) phân cấp và giao nhiệm vụ cho 17 cơ quan, tổ chức, nhóm tổ chức có nhiệm vụ chăm sóc, hỗ trợ và bảo vệ trẻ em, gồm: VKS, TAND, công an, y tế, quỹ bảo trợ trẻ em, Bộ Y tế, Bộ Tư pháp, UBND cấp xã - phường, MTTQ, Ủy ban Quốc gia về bảo vệ trẻ em...
Đa phần bị báo chí phanh phui!
Luật sư Minh cho rằng ai cũng nhận thấy đa phần các vụ việc xâm hại, bạo hành trẻ bị phanh phui lại phần lớn do báo chí phản ánh, dư luận xã hội lên tiếng… "Lấy trường hợp nhiều trẻ em tại Trung tâm Hỗ trợ xã hội bị nhân viên dâm ô mà báo chí phanh phui sẽ rõ. Bằng chứng là khi các em tố cáo đến cơ quan chủ quản là Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) TP HCM thì mọi thứ lại "im lặng" nhiều ngày. Từ đó cho thấy một vài kênh tiếp nhận và xử lý chậm chạp. Chưa kể rò rỉ thông tin khiến các em gặp nguy hiểm. Dần dần dẫn đến tâm lý sợ tố cáo. Ðiều này là vô cùng nguy hại" - luật sư Minh phân tích.
Theo bà Thi Thị Tuyết Nhung, nguyên Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HÐND TP HCM, với tư cách là người đề xuất giám sát về vấn đề xâm hại, bạo hành trẻ em, bà thật sự buồn về việc xảy ra ở Trung tâm Hỗ trợ xã hội. Chính những nơi làm chính sách cho trẻ em, bảo vệ trẻ em lại xảy ra vấn đề lạm dụng trẻ thật sự quá phản cảm. Từ đây, bà Thi Thị Tuyết Nhung đề nghị phải có sự phân công quản lý phù hợp hơn.
Nói rộng hơn, bà Thi Thị Tuyết Nhung cho rằng thời gian qua, hoạt động giám sát của Đoàn Ðại biểu HÐND TP HCM về công tác trẻ em chưa thật sự bao quát. Phần lớn chú trọng công tác giám sát ở các quận - huyện. Vì vậy, sắp tới nên tăng cường giám sát bao quát, đầy đủ, không loại trừ đơn vị nào để phát hiện rủi ro. "Hiện có rất nhiều cơ quan bảo vệ trẻ nhưng chưa thật sự phù hợp, không có cơ quan nào kiểm soát được cơ quan nào. Chưa có sự kết nối đồng bộ, thống nhất" - nguyên Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HÐND TP, đánh giá.
Phê chuẩn tạm giam nhân viên dâm ô 3 bé gái
Chiều 19-11, ông Phạm Xuân Hiến, Viện trưởng VKSND quận Bình Thạnh (TP HCM), xác nhận đã phê chuẩn lệnh bắt bị can Nguyễn Tiến Dũng (nhân viên Trung tâm Hỗ trợ xã hội thuộc Sở LÐ-TB-XH TP HCM) về tội "Dâm ô với người dưới 16 tuổi). Bị can Dũng sẽ bị tạm giam 2 tháng 24 ngày để điều tra những hành vi liên quan.
Ðến thời điểm hiện tại, trưởng Công an quận Bình Thạnh xác nhận đã đủ cơ sở xác định ông Dũng dâm ô với 3 bé gái tại trung tâm. Theo cơ quan điều tra, bằng việc hứa hẹn cho hồi gia, cho các bé gái thuốc hút, cho nước ngọt uống, ông Dũng đã yêu cầu các bé gái sờ bộ phận sinh dục của mình đồng thời ông này đã thực hiện hàng loạt hành vi dâm ô đối với nạn nhân.
Trước đó, trả lời phóng viên, đại diện Sở LÐ-TB-XH TP HCM khẳng định không bao che, che giấu cho tội phạm dâm ô. Tuy nhiên, khi các phóng viên nêu chứng cứ rằng vụ bê bối bị phát hiện và sở nhận được báo cáo hàng loạt bé gái bị dâm ô vào ngày 8-11 nhưng chỉ đến khi báo chí phanh phui vào ngày 17-11 thì sở mới lên tiếng tạm đình chỉ công tác ông Dũng; đại diện Sở LÐ-TB-XH TP nói rằng trong thời gian này phải xác minh, trao đổi từ nhiều nguồn để đề xuất hướng xử lý cũng như phối hợp với công an để làm rõ (!).
P.Dũng
Bình luận (0)