Không thể không lo lắng khi trong vòng 1 tháng qua rộ lên nhiều vụ thương tật nặng nề, thương tâm hơn là cái chết chỉ vì nguyên nhân: bị chó cắn.
Ngày 29-8, một bé trai 7 tuổi (tại tỉnh Phú Thọ) đã phải nhập viện với nhiều vết thương sâu ở hai bắp chân, lộ gân cơ sau khi bị chó lai nặng khoảng 30 kg của nhà hàng xóm tấn công. Thông tin cho biết đây là loài chó lai rất dữ tợn, nặng gần 30 kg, gia đình hàng xóm nuôi để trông nhà. Tại thời điểm xảy ra sự việc, con chó lai đang được thả rông (không xích, không rọ mõm). Con số thống kê tại Trung tâm sản nhi, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ cũng đáng báo động: từ đầu mùa hè tới nay, Trung tâm đã tiếp nhận hơn 10 bệnh nhi bị chó thả rông cắn.
Bé trai 7 tuổi (tại tỉnh Phú Thọ) phải nhập viện với nhiều vết thương sâu ở hai bắp chân sau khi bị chó lai nặng khoảng 30 kg của nhà hàng xóm tấn công
Trước đó ngày 16-8, một bé gái 2 tuổi (ở Hà Nội) cũng bị chó nhà cắn nát mặt và vùng đầu. Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn (TP Hà Nội)- nơi bé gái này được đưa vào cấp cứu cho biết thời gian gần đây bệnh viện đã tiếp nhận nhiều trường hợp chó nuôi tấn công người, trong đó nhiều nạn nhân là trẻ em.
Đau lòng hơn là ngày 11-7, khi đang chơi cùng chị trước nhà mình, bé gái 22 tháng tuổi ở Nghệ An bất ngờ bị một con chó nhà hàng xóm lao vào cắn dẫn tới tử vong. Sáu ngày sau, ngày 17-7 lại có thêm một trường hợp tử vong nữa vì bị chó cắn. Theo đó, một bé trai 10 tuổi (ở huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk) bị chó của nhà hàng xóm cắn vào chân nhưng do vết thương nhỏ nên gia đình không đưa đi tiêm phòng bệnh dại dẫn đến tử vong. Từ đầu năm 2019 đến nay, Đắk Lắk đã có 2 trường hợp tử vong vì bệnh dại.
Tại tỉnh Kon Tum cũng vừa xảy ra một trường hợp tử vong do bị chó cắn, anh N.Đ.H (ở thôn 5, xã Đắk Mar, huyện Đắk Hà) bị bị chó của gia đình cắn, do nghĩ chẳng sao nên không đi tiêm phòng, 3 tháng sau thì tử vong do phát bệnh dại.
Cũng trong tháng 8, vào chiều ngày 17-8, một tai nạn hy hữu đã xảy ra tại Cà Mau. Khi nhiều người dân đang đi chợ ở phường 7, TP Cà Mau thì bất ngờ bị một con chó dữ lao vào tấn công, làm nhiều người bị thương phải đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau.
Chó là một con vật quen thuộc, được xem như "người bạn" trung thành của con người, thế nhưng dù chó có dễ thương cỡ nào cũng là thú, do vậy yếu tố an toàn khi nuôi cần phải được đặc biệt quan tâm. Chẳng hạn như nuôi chó phải "quản" được chó trong nhà (xích lại) chứ không để chó đi rông ngoài đường, khi dẫn chó ra đường phải rọ mõm.
Chó thả rông và không rọ mõm ở nơi công cộng. Ảnh: Phương Trinh
Hiện nay luật pháp đã có những quy định bắt buộc phải rọ mõm chó ở nơi công cộng. Cụ thể như: Nghị định 90/20197/NĐ-CP, chủ nuôi không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng sẽ bị phạt tiền từ 600.000 đồng – 800.000 đồng; hay Quyết định 193/QĐ-TTg, người nuôi chó phải đăng ký việc nuôi chó với cấp trưởng thôn, hoặc UBND cấp xã, đồng thời cam kết nuôi nhốt (hoặc xích), giữ chó trong khuôn viên gia đình.
Quy định thì đã có, tuy nhiên thực tế cho thấy việc quản lý các chú chó hiện nay vẫn còn rất lỏng lẻo. Chuyện dắt chó ra đường không rọ mõm, nuôi chó thả rông ra đường, không chú ý việc tiêm ngừa cho chó, cả việc cho chó tự do phóng uế bừa bãi nơi công cộng… vẫn còn vô tư xảy ra mà chưa thấy được cơ quan chức năng xử lý tới nơi, tới chốn.
Chuyện về "quản" mấy chú chó nghe thì thấy "chuyện nhỏ" mà, song nếu cứ tiếp tục thả nổi chuyện quản lý, xử phạt như vừa qua thì nhiều vụ việc đáng tiếc sẽ còn tiếp tục xảy ra, khi đó chết vì bị chó cắn sẽ không thể gọi là chuyện nhỏ nữa.
Rất mong các cơ quan chức năng ngay từ bây giờ có biện pháp quản lý hiệu quả để không còn những lo sợ "từ chết đến bị thương"…vì thú cưng.
Bình luận (0)