Sau một thời gian nhận được nhiều phản ánh từ bạn đọc về sự bất an khi đi trên những chuyến xe khách giường nằm, phóng viên Báo Người Lao Động đã có những cuộc hành trình để ghi nhận thực tế.
Khó tìm búa thoát hiểm
Ngày 9-6, chúng tôi đến Bến xe Miền Đông, mua vé xe khách giường nằm của một hãng xe để đi Đà Nẵng. Trên xe lúc này chỉ 2/3 giường có khách. Sau khi nhân viên nhà xe kiểm tra vé, đến giờ, xe lăn bánh. Lúc này, hành khách cũng an vị trên giường của mình.
Quan sát xung quanh, chúng tôi thấy một số ít hành khách đang loay hoay cài dây an toàn. Tuy nhiên, nhân viên nhà xe không hướng dẫn cách cài và mở dây cũng như việc đập cửa thoát hiểm nếu xảy ra sự cố.
Thấy người thanh niên nằm giường đối diện cứ nhấp nhổm không yên sau khi đã cài dây an toàn, chúng tôi hỏi thăm, anh Nguyễn Văn Nam (tên người thanh niên) cười cười: “Không đeo dây, lỡ xe lắc mạnh thì văng ra ngoài như chơi. Còn đeo dây, nếu đang ngủ, bị cột chặt với giường mà xe va chạm, cháy, lúc đó luống cuống, không quen mở dây thì cũng toi. Mà sao chỗ tôi không thấy cái búa thoát hiểm ở đâu hết?”.
Quả thật, chúng tôi đi từ đầu đến cuối xe nhưng chỉ có một vài chỗ có gắn búa thoát hiểm. Đặc biệt, khu vực giường nằm phía trên và đuôi xe hoàn toàn không có chiếc búa nào, bình chữa cháy cũng mất dạng. “Vì công chuyện nên mới phải đi như vầy, chứ bữa giờ có mấy vụ cháy xe khách, thấy ớn quá. Nếu xảy ra sự cố, không biết làm cách nào để thoát ra ngoài, chắc chết trong này quá” - anh Nam nói.
Nghe chúng tôi nói chuyện về đề tài này, chị Trần Thị Oanh (quê Quảng Nam) chia sẻ: “Tôi đi xe giường nằm hoài mà có thấy búa thoát hiểm hay bình cứu hỏa gì đâu. Nếu có chắc nhiều người cũng không biết cách dùng. Hồi đầu, tôi cũng lo vì thấy lối đi hẹp, xe va chạm mạnh, đồ đạc rơi bít hết lối đi rất nguy hiểm. Rồi lo không biết thoát ra cách nào nên không dám ngủ. Giờ cũng quen rồi, sống chết có số cả”.
Chúng tôi lân la hỏi về búa thoát hiểm, tài xế cho biết chỉ gắn một ít ở khu vực phía trước xe, những nơi khác không có vì không cần thiết. “Thật ra, trước đây cũng có nhưng cứ gắn lên là bị mất nên không gắn nữa” - tài xế nói. Chúng tôi hỏi vì sao không hướng dẫn hành khách cách sử dụng búa thoát hiểm và bình chữa cháy phòng khi sự cố thì tài xế cười, giải thích: “Trước giờ đâu có hướng dẫn gì, khách nhìn vô cái búa thì sẽ hiểu ra thôi (!)”.
Bình chữa cháy để... dưới gầm
Từ Đà Nẵng, chúng tôi bắt một xe giường nằm khác vào TP HCM. Quan sát trên xe, thấy dây an toàn nhiều cái đã bị sờn hoặc phần khóa gỉ sét, đóng mở rất khó; búa thoát hiểm, bình chữa cháy không có. Hỏi thì tài xế cho biết có một số búa nhưng do gắn lên bị mất nên gom lại bỏ vào thùng; còn bình chữa cháy để dưới gầm xe, “có việc” mới đưa lên. Khi chúng tôi đặt vấn đề xe đi đường xa dễ xảy ra sự cố cháy nổ thì tài xế trả lời gọn lỏn: “Khi đó tính sau”.
Với những chuyến xe về miền Tây, những vật dụng dùng để phòng khi xảy ra sự cố cũng là thứ xa xỉ. Rất nhiều xe khách không có búa thoát hiểm hoặc có nhưng số lượng không đủ theo quy định và cũng không được đặt ở vị trí dễ thấy, dễ lấy. Theo một số tài xế, việc lắp đặt dụng cụ này trên xe chủ yếu là để đối phó với cơ quan chức năng khi bị kiểm tra. Cũng có tài xế thừa nhận không để ý đến các quy định phải có bình chữa cháy, búa thoát hiểm và các dụng cụ khác vì chỉ lái xe thuê. Hỏi chủ xe thì được giải thích là hành khách không quan tâm đến những dụng cụ này nên việc có trang bị chủ yếu là để đối phó khi đăng kiểm.
Đáng nói là trên những chặng đường chúng tôi đi từ TP HCM ra Đà Nẵng, TP HCM xuống Cần Thơ và ngược lại, không có lực lượng chức năng nào dừng xe kiểm tra xem bên trong có trang bị đủ các dụng cụ hay không.
Có quy định nhưng không thực hiện
Thông tư 57/2015 của Bộ Công an quy định các loại xe khách 17-90 chỗ ngồi trở lên phải được trang bị từ 4-9 búa thoát hiểm và đặt ở vị trí dễ nhìn, dễ lấy. Các xe này cũng phải được trang bị bình chữa cháy, kìm cộng lực, xà beng, đèn pin... để giúp tài xế và hành khách có thể ứng phó kịp thời khi xảy ra sự cố.
Theo tiêu chuẩn 22-TCN-99 của Bộ Giao thông Vận tải, ô tô liên tỉnh phải được trang bị bình cứu hỏa, dụng cụ phá cửa, túi thuốc cấp cứu. Theo đó, cửa hành khách lên xuống có chiều rộng lòng không được nhỏ hơn 800 mm, chiều cao lòng không nhỏ hơn 1.200 mm (đối với các ô tô khách có số chỗ ngồi từ 17 trở lên không nhỏ hơn 1.650 mm). Các ô cửa sổ phải lắp bằng kính an toàn. Ô tô khách liên tỉnh có số chỗ ngồi từ 17-35 phải có 2 cửa sự cố, trên 35 chỗ là 3 cửa. Phía trong và ngoài cửa sự cố không được có vật chướng ngại, các cửa sự cố phải có biển chỉ dẫn hoặc bằng đèn tín hiệu màu xanh, búa phá cửa, kìm cộng lực, xà beng...
Còn theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, tất cả phương tiện khi đăng kiểm đều bắt buộc phải có bình chữa cháy, búa thoát hiểm và các dụng cụ khác theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, ghi nhận của chúng tôi cho thấy sau khi đăng kiểm xong, phần lớn các xe khách đều không thực hiện đúng quy định này.
Về nguy cơ cháy xe khách, một cán bộ Trung tâm Đăng kiểm 50-06V cho biết trên thực tế, nhiều loại xe giường nằm sử dụng lâu năm nên hệ thống điện bị hở. Ngoài ra, có tình trạng chủ xe lắp đặt thêm một số thiết bị để thuận tiện trong quá trình sử dụng, khi va chạm mạnh dễ phát tia lửa điện dẫn đến cháy nổ. “Giường và ghế trên xe giường nằm được thiết kế có nệm lót, thêm các vật dụng gối mền của khách, miếng mốp, xốp cặp bên thành khung xe... là những vật dụng dễ bắt lửa khi xe cháy. Trong xe còn có thùng dầu, hệ thống dây điện, bình ắc quy..., khi va chạm, dầu tràn ra ngoài càng dễ cháy nổ hơn” - vị cán bộ trung tâm đăng kiểm lưu ý.
Không kiểm tra hàng vận chuyển
Theo ghi nhận của chúng tôi, tại nhiều nhà xe và bến bãi trên địa bàn TP HCM, việc vận chuyển hàng hóa được kiểm soát khá lỏng lẻo. Chỉ cần người gửi ghi tên, địa chỉ, số điện thoại người nhận lên gói hàng đã đóng sẵn rồi sau đó tùy trọng lượng và quãng đường vận chuyển mà nhà xe tự định mức giá. Các nhà xe không hề kiểm tra bên trong kiện hàng chứa gì, cho dù có thể là chất cấm, chất dễ cháy nổ.
G.Minh
Những vụ cháy xe khách gần đây
- Khoảng 15 giờ 30 phút ngày 14-4, xe giường nằm chạy tuyến Quảng Bình - TP HCM đang lưu thông trên đường Hồ Chí Minh (đoạn thuộc đèo Lò Xo, huyện Đắk Glei, tỉnh Kon Tum) bất ngờ cháy trơ khung, 30 hành khách kịp di chuyển ra khu vực an toàn.
- Khoảng 14 giờ ngày 23-4, xe giường nằm 40 chỗ đậu trước cửa một khách sạn ở TP Vũng Tàu tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu bất ngờ bốc cháy. Tại thời điểm này, trên xe không có người. Nguyên nhân ban đầu được xác định do chạm mạch điện bên trong xe.
- Lúc 4 giờ ngày 22-5, một vụ tai nạn giao thông thảm khốc do 2 xe giường nằm va chạm nhau và bốc cháy dữ dội tại xã Hàm Minh, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận khiến 13 người chết, 39 người bị thương.
- Khoảng 3 giờ ngày 6-6, trên Quốc lộ 51 (đoạn qua xã Phước Thái, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai), xe khách giường nằm lưu thông hướng Bà Rịa - Vũng Tàu đi TP HCM bất ngờ phát nổ rồi bốc cháy. Tài xế, phụ xe cùng hơn 30 hành khách tháo chạy.
- Khoảng 18 giờ 30 phút ngày 8-6, một xe giường nằm đang lưu thông qua xã Quế Phú, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam thì bốc cháy không rõ nguyên nhân, 35 hành khách kịp thoát hiểm.
H.Hiếu
Bình luận (0)