Có thể thấy tình trạng lộng hành của các băng nhóm côn đồ và tình trạng bạo lực diễn ra tự phát hiện đang đến mức báo động.
Quy định pháp luật còn bất cập
Có ý kiến cho rằng do cơ quan chức năng chưa giải quyết triệt để, hình phạt chưa đủ nghiêm và tương xứng với hậu quả hành vi gây ra… Thực tế, quy định pháp luật hiện đã có chế tài cụ thể đối với hành vi gây rối trật tự xã hội, dùng bạo lực hành hung gây thương tích cho người khác. Cụ thể, trong Bộ Luật Hình sự đã quy định chế tài đối với các tội danh liên quan như: "Giết người", "Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác", "Gây rối trật tự công cộng" (GRTTCC)...
Đối với lĩnh vực hành chính, Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; PCCC; phòng chống bạo lực gia đình đã quy định rõ các mức phạt cho hành vi GRTTCC; lôi kéo hoặc kích động người khác gây rối, làm mất trật tự công cộng; thuê hoặc lôi kéo người khác đánh nhau. Đặc biệt hành vi GRTTCC có đem theo các loại vũ khí thô sơ hoặc công cụ hỗ trợ sẽ bị phạt tiền từ 3- 5 triệu đồng.
Quy định đã có nhưng côn đồ vẫn lộng hành bởi vẫn còn một số bất cập.
Thứ nhất, theo quy định tại điều 155 Bộ Luật Tố tụng hình sự, đối với một số tội phạm chỉ được khởi tố vụ án hình sự khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết. Như vậy, trường hợp có người hành hung gây thương tích cho người khác nhưng người bị hành hung không yêu cầu khởi tố vụ án hình sự thì không đủ cơ sở hình sự hóa và các cơ quan thẩm quyền không thể giải quyết. Thực tế, đã có những trường hợp người dân vay tiền tín dụng đen và không có khả năng trả nợ, bị côn đồ đe dọa, hành hung nhưng họ không dám tố cáo đến cơ quan chức năng, do đó không có cơ sở để xử lý.
Các đối tượng cùng hung khí nguy hiểm, trong đó có cả súng để giải quyết mâu thuẫn bị Công an huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp bắt giữẢnh: Nha Mân
Thứ hai, đối với trường hợp có hành vi tụ tập, hành hung người khác nhưng chưa gây ra hậu quả về người thì không đủ cơ sở để xử lý hình sự, cơ quan chức năng chỉ có thể xử phạt VPHC. Tuy nhiên, những nhóm côn đồ này thường không có nơi cư trú ổn định, thường lẩn trốn sau khi gây chuyện nên cơ quan có thẩm quyền cũng gặp khó khăn trong việc thi hành các quyết định xử phạt VPHC. Hơn nữa, chế tài xử phạt VPHC cũng không đủ sức răn đe đối với những thành phần này.
Thứ ba, tinh thần đấu tranh phòng chống tội phạm của người dân còn hạn chế do sợ bị ảnh hưởng, liên lụy. Thay vì báo cơ quan chức năng, người chứng kiến thường tránh xa, xem đó không phải là việc của mình. Việc này dẫn đến lúc cơ quan chức năng đến hiện trường thì người vi phạm đã bỏ trốn, người bị hành hung đã bị thiệt hại về sức khỏe, tính mạng. Ở những khu vực vắng vẻ, không có camera thì không có đủ chứng cứ để xử lý hành vi vi phạm.
Thứ tư, các chế tài nêu trên đều là biện pháp răn đe, trấn áp khi hành vi vi phạm pháp luật đã diễn ra trên thực tế. Vẫn chưa có các biện pháp phòng chống hiệu quả đối với tình trạng lộng hành của các thành phần côn đồ trong xã hội.
Tận dụng sức mạnh lòng dân
Trước thực trạng côn đồ ngang nhiên như hiện nay, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền, huy động vai trò của từng người dân, cộng đồng dân cư trong việc cùng tham gia phát hiện, ghi hình, liên hệ, thông tin nhanh chóng đến cơ quan có thẩm quyền.
Việc này sẽ giúp cơ quan chức năng phát hiện, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự kịp thời đối với các đối tượng có hành vi sử dụng công cụ, hung khí nguy hiểm để giải quyết mâu thuẫn… tại địa phương.
Bên cạnh đó, nên lắp đặt thêm hệ thống camera quan sát, trước mắt là thí điểm ở những nơi tập trung đông dân cư, để bảo đảm quản lý về mặt an ninh, phát hiện và ngăn chặn sớm việc các băng nhóm tội phạm, côn đồ ngang nhiên lộng hành.
Ngoài ra, có chính sách, phương án bảo mật thông tin người tố giác, tố cáo, cung cấp tin báo về tội phạm, có phương án để bảo vệ an toàn về sức khỏe, tính mạng cho những chủ thể này.
Cần tăng cường việc phân cấp, phối hợp ở từng cấp, từng khu vực, từng địa phương liên quan đến công tác duy trì, bảo đảm an ninh trật tự. Cụ thể, trong hệ thống các cơ quan chuyên môn của UBND, HĐND - những cơ quan chịu trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ về quốc phòng, an ninh; áp dụng biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh, phòng chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác, phòng chống quan liêu, tham nhũng trong phạm vi được phân quyền; biện pháp bảo vệ tài sản của cơ quan, tổ chức, bảo hộ tính mạng, tự do… của công dân trên địa bàn theo quy định của pháp luật. Hoặc công an địa phương là đơn vị được nhà nước cho phép thực hiện nhiều biện pháp đấu tranh, trấn áp tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật với những chế tài khác nhau.
Bình luận (0)