Mấy ngày qua, người dân làng An Cư Đông 2, thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ngăn cản đơn vị thi công xây dựng đường công vụ phục vụ làm cầu dẫn vào hầm Hải Vân đoạn phía Bắc (thuộc dự án mở rộng hầm đường bộ Hải Vân). Bởi lẽ, con đường này gây nên tình trạng sạt lở, bồi lắng, uy hiếp làng mạc và việc nuôi trồng thủy sản.
Đảo lộn nước ròng, nước rặt
Dự án mở rộng hầm Hải Vân do Công ty CP Đèo Cả làm chủ đầu tư. Để xây dựng cầu dẫn vào hầm Hải Vân, đơn vị thi công là Công ty CP Quản lý - Khai thác hầm đường bộ Hải Vân (Hamadeco) đã làm một con đường công vụ bằng đá và rọ đá nằm chắn một phần đầm Lăng Cô nhằm tập kết, vận chuyển vật liệu. Con đường này nằm dưới cầu dẫn vào hầm Hải Vân đã xây dựng từ lâu, được đắp bằng đá dài chừng 200 m bắt đầu từ thôn Hải Vân (dưới chân đèo Hải Vân), rộng 7-10 m.
Người dân làng An Cư Đông 2 khẳng định con đường này đã làm thay đổi dòng chảy, lực nước đẩy mạnh về phía làng, gây nên tình trạng sạt lở. Ngoài ra, việc nước xoáy vào làng An Cư Đông 2 khiến cho tàu thuyền neo đậu tại đây bị va đập, lồng nuôi cá bị ảnh hưởng dù người dân đã chằng néo kỹ càng.
"Trước đây, khi xây dựng cầu dẫn vào hầm Hải Vân, đơn vị thi công cũng đắp đường công vụ, sau khi làm xong chỉ tiến hành ban trả mặt bằng sơ sài, gây tắc nghẽn dòng nước. Đoạn cửa biển này lúc trước sâu khoảng 2 m, giờ chỉ còn chừng 0,5 m. Không biết sau khi thi công lần này thì cửa biển sẽ như thế nào..." - bà Trương Thị Hòa, người dân làng An Cư Đông 2, lo ngại.
Ông Nguyễn Văn Hoàng, trưởng làng An Cư Đông 2, cho biết cửa biển này là nơi sinh kế của rất nhiều hộ dân sống bằng nghề nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản. "Từ khi xây đường công vụ chắn đầm, nước ròng, nước rặt thay đổi liên tục, làm ảnh hưởng nuôi trồng thủy sản, gây bồi lắng và sạt lở nhiều nơi. Việc thay đổi dòng chảy ra vào đầm cũng làm ảnh hưởng đến môi sinh và nguồn cá nuôi sống làng này" - ông Hoàng bức xúc.
Đường công vụ mới được đắp dưới chân cầu dẫn vào hầm Hải Vân
Lo lắng vào mùa mưa bão
Ông Dương Đăng Trung, Chủ tịch UBND thị trấn Lăng Cô, cho biết trước phản ứng của người dân, chính quyền thị trấn đã có ý kiến với Ban Quản lý dự án mở rộng hầm đường bộ Hải Vân. Phía ban quản lý dự án đã đưa ra cam kết lắp đặt 5 cống với đường kính 1 m, cách cao độ mặt đường 1 m nhằm giảm áp lực, thông dòng chảy, giảm ảnh hưởng đến cuộc sống người dân làng An Cư Đông 2. Bên cạnh đó, sau khi làm xong công trình, đơn vị thi công sẽ trả lại mặt bằng như nguyên trạng ban đầu.
Theo ông Nguyễn Văn Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc, việc làm đường công vụ gây lo lắng cho người dân vào mùa mưa bão. "Chúng tôi sẽ làm việc với chủ đầu tư và người dân để có phương án tối ưu, thuận tiện cho việc thi công nhưng bảo đảm an toàn cho bà con" - ông Mạnh nhấn mạnh.
Luồng lạch bị bồi lấp
Cầu Tư Hiền bắc qua cửa biển Tư Hiền nối 2 xã Lộc Bình - Vinh Hiền, huyện Phú Lộc dài 915,5 m do Công ty Cầu 1 Thăng Long thi công, đưa vào sử dụng vào cuối năm 2007. Theo UBND xã Vinh Hiền, để làm cây cầu này, đơn vị thi công đã đắp một con đường công vụ dài khoảng 500 m chắn ngang dòng nước, đoạn thuộc xã Vinh Hiền. Sau khi hoàn thành thi công, do tháo dỡ sơ sài nên gây tình trạng luồng lạch bị cạn, tàu thuyền không thể qua lại ở đoạn thuộc xã Vinh Hiền.
Ông Nguyễn Văn Lợi, Chủ tịch UBND xã Vinh Hiền, cho biết dòng nước lưu thông bị tác động đã làm cạn kiệt thủy hải sản, ảnh hưởng đến tàu bè lưu thông. "Chúng tôi đã nhiều lần phản ánh với cơ quan chức năng nhưng đến nay chưa được xử lý triệt để" - ông nhấn mạnh.
Bình luận (0)