Từ ngày 27-5 đến 4-6, Báo Người Lao Động mở diễn đàn "Xả rác nhiều quá!" phản ánh tình trạng xả rác tràn lan gây mất mỹ quan đô thị TP HCM và bức xúc trong nhân dân. Diễn đàn đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc.
Ngày 8-6, Văn phòng UBND TP HCM đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi sau loạt bài viết "Xả rác nhiều quá!". Trong văn bản nêu rõ Chủ tịch UBND TP HCM yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp UBND TP Thủ Đức và quận, huyện kiểm tra, xử lý; báo cáo kết quả cho UBND thành phố trước ngày 30-6.
Bao giờ thành phố mới sạch?
Biển cấm đổ rác trở nên vô hiệu (đường Trường Sa, quận Phú Nhuận)Thế nhưng, theo ghi nhận của phóng viên trong ngày 3 và 4-7, tình trạng xả rác bừa bãi tại những vị trí mà Báo Người Lao Động đã phản ánh vẫn chưa được khắc phục.
Tại một số tuyến đường thuộc TP Thủ Đức mà Báo Người Lao Động từng phản ánh như đường số 2 và 14 (phường Linh Trung), Quốc lộ 13, đường Đào Trinh Nhất..., đến nay rác vẫn nguyên vẹn, chỉ thêm chứ không bớt, ngay dưới bảng cấm đổ rác và quy định về mức phạt.
Ven Quốc lộ 1 đoạn ngã tư cầu vượt Linh Xuân, chiều đến, các xe hàng rong dàn hàng, người mua người bán tấp nập thản nhiên ném rác xuống đường, vỉa hè lân cận cũng thành nơi chất rác. "Tôi từng thấy người bán đem từng bịch rác lớn để trên vỉa hè. Một số người dân cũng "tiện tay" đem rác bỏ đó. Vỉa hè chứ có phải thùng rác đâu mà họ muốn vứt thì vứt. Nói thì họ nhìn mình như từ hành tinh khác đến, có người còn chửi mình rảnh lắm hay sao mà lo chuyện bao đồng" - anh Hoàng Văn Chính (sinh sống ở khu vực này) bức xúc.
Rác án ngữ dọc đại lộ Phạm Văn Đồng (gần cầu Bình Lợi)
Trên đại lộ Phạm Văn Đồng, rác được chất thành đống bên cạnh vỉa hè các quán nhậu. Bãi đất trống, kênh nước đoạn giao đường Tô Ngọc Vân (Thủ Đức) rác vứt thành hàng dài, bốc mùi hôi thối, đầy ruồi nhặng. Dưới chân cầu Bình Triệu, rác nổi lềnh bềnh trên sông, dạt đầy chân cầu.
Ngay ở những con đường lớn như Điện Biên Phủ, Xô Viết Nghệ Tĩnh, Đinh Bộ Lĩnh (quận Bình Thạnh), nhiều đoạn rác cũng ngổn ngang, chất thành đống. Đường Trường Sa, Hoàng Sa có kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè thoáng mát, bãi cỏ xanh, hàng cây đẹp, rác cũng chẳng tha.
Một số tuyến đường như Trường Sơn (quận 10), Quốc lộ 13 (đoạn Bến xe Miền Đông)..., miệng cống bị túi ni-lông, ly nhựa, hộp xốp... bịt kín, chỉ cần 1 cơn mưa nhỏ, nước cũng không thể thoát.
"Rác đầy đường là do ý thức của người dân còn quá kém. Tôi thấy thành phố liên tục kêu gọi, chỉ đạo về việc bảo vệ môi trường; báo chí phản ánh, tuyên truyền cũng rất nhiều nhưng sự thay đổi nhận thức của người dân vẫn còn rất chậm; thói quen xả rác bừa bãi vẫn không bỏ; suy nghĩ chỉ cần sạch nhà mình còn nơi khác mặc kệ vẫn còn trong rất nhiều người. Nếu không có cách làm đột phá, bao giờ TP HCM mới hết rác, sạch đẹp, văn minh?" - bà Lương Minh Diệu (ngụ TP Thủ Đức) băn khoăn.
Rác chất đống trên đường Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh)
Thay đổi cách thức tuyên truyền
ThS tâm lý Nguyễn Thị Ngọc Vui (giảng viên Trường ĐH KHXH&NV TP HCM) cho rằng tình trạng xả rác bừa bãi ra đường là biểu hiện của tâm lý "Cha chung không ai khóc". "Cần cho người dân thấy, cảm nhận được hậu quả của việc xả rác bừa bãi bằng những minh chứng, hình ảnh rõ ràng, ví dụ như khi họ xả rác thì nguồn nước mà gia đình họ sử dụng sẽ bị ô nhiễm, môi trường nơi họ sống bị đe dọa hoặc chính con cái họ sẽ học được những điều không hay" - bà Vui nói.
Cũng theo ThS Nguyễn Thị Ngọc Vui, theo lý thuyết tâm lý học hành vi của Burrhus Frederic Skinner, khi chúng ta được thưởng sẽ khuyến khích lặp lại hành vi đó nhiều hơn. Cụ thể, thay vì tập trung vào việc cấm đổ rác có thể thay bằng lời cảm ơn đã giữ sạch nơi này, cảm ơn vì đã là một người văn minh khi bỏ rác vào thùng... Còn nếu vì sợ bị phạt, người ta có xu hướng tiếp tục làm nếu vẫn chưa thấy hình phạt. Ngoài ra, hãy "lấy cái đẹp dẹp cái xấu", những thùng rác công cộng nên thường xuyên rửa sạch sẽ, vẽ trang trí các loại hoa, cảnh đẹp trông bắt mắt như hộp trang trí khiến người ta dễ chấp nhận hơn; hoặc trồng hoa ở các tuyến đường thường xuyên bị người dân xả rác bậy (như huyện Bình Chánh đã làm)...
Nhận định về chế tài xử phạt hành vi xả rác hiện nay, luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn Luật sư TP HCM) cho rằng mức phạt chưa đủ răn đe. "Cần xây dựng nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường phù hợp với pháp luật hiện hành. Trong đó, một số hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường ở nơi công cộng có thể bị "phạt nguội" qua hệ thống camera của người dân, tổ chức hay cơ quan chức năng ghi lại" - luật sư Trần Minh Hùng nói.
Bình luận (0)