GS-TS Trương Văn Vỹ, Trường ĐH KHXH & NV - ĐHQG TP HCM:
"Chữa bệnh" cần bài bản, khoa học
Bệnh vô cảm xuất phát từ thái độ thờ ơ, sợ liên quan, dính líu đến mình, tốn thời gian và đối đầu với nhiều thứ khác. Căn bệnh này đang dần trở thành xu hướng của xã hội. Điều này rất nguy hiểm vì chỉ cần đặt mình, người thân của mình vào vị trí của người gặp nạn sẽ thấy sự thờ ơ rất đáng lên án.
Đáng lo nữa là bệnh vô cảm hiện đã xuất hiện mọi ngóc ngách trong xã hội từ đời thực đến thế giới mạng. Rất nhiều trường hợp lừa đảo, giả dạng bệnh tật để đánh vào lòng thương, xin tiền người khác. Hoặc nhiều người bán hàng online bịa ra những câu chuyện không có thật để câu view nhằm thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng và bán hàng. Mới đây, một trang Facebook chế ảnh và đăng thông tin một cô gái tử vong do tai nạn giao thông để câu view khiến nạn nhân vô cùng phẫn nộ, suy sụp tinh thần.
Để chữa căn bệnh vô cảm, cần phải làm nhiều thứ một cách hệ thống, bài bản và khoa học. Điều quan trọng là đánh thức thiện lương trong mỗi con người và việc này phải làm thường xuyên, lâu dài, kiên trì.
Luật sư Lưu Tấn Anh Toàn (Đoàn Luật sư TP HCM):
Giáo dục, tập huấn kỹ năng sống
Xã hội ngày nay đang phát triển mạnh mẽ về công nghệ, máy móc; con người có thể kiếm được nhiều tiền hơn, giàu có hơn nhưng có một thứ dường như có biểu hiện vơi đi, đó là sự quan tâm giữa người với người. Chính cuộc sống công nghiệp với những tất bật và tốc độ vận động quá nhanh khiến người ta hẫng hụt đến mức ít quan tâm đến nhau hơn, quay lưng lại với cộng đồng. Thậm chí ngay cả chuyện thấy người gặp nạn nhưng không ra tay cứu giúp mà chỉ đứng ngoài, ngoảnh mặt làm ngơ, vô tư quay clip, livestream, chụp ảnh rồi tung lên mạng xã hội mà không hề băn khoăn, thương cảm.
Có nhiều lý do để người ta ngại, không dám hỗ trợ nạn nhân, như: sợ bị hiểu lầm, đổ oan, bị người nhà nạn nhân chửi bới, đánh đập; bị dàn dựng để lừa đảo… và thực tế đã từng xảy ra nhiều vụ việc buồn lòng như thế. Vậy nên, có thể không quá nhiều người bàng quan trước điều xấu nhưng họ buộc phải bảo vệ an toàn của bản thân trước khi nghĩ đến chuyện giúp người khác. Ngoài ra, còn một nguyên do nữa là đa phần mọi người không biết phải làm gì trong những trường hợp đó. Tai nạn hay những sự việc tương tự thường xảy ra bất ngờ, người ta thường bối rối, lúng túng, không biết phải làm thế nào vì thiếu kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng xử lý tình huống… nên phải lựa chọn bỏ qua, làm ngơ.
Để chữa bệnh vô cảm không đơn giản. Trước hết, phải tăng cường giáo dục, tập huấn về các kỹ năng sống trong gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Bên cạnh đó, cần ghi lại hoặc nhớ số điện thoại của công an khu vực, tổng đài, đường dây nóng khẩn cấp để kịp thời xử lý những tình huống khó lường. Đặc biệt, lực lượng chức năng phải bảo đảm sự an toàn cho công dân thì người dân mới dám đứng ra bảo vệ lẽ phải, chống lại những chuyện bất bình trong cuộc sống.
"Người với người sống để yêu nhau". Không có tình yêu của con người với nhau thì đâu thể gọi là xã hội loài người. Phải tạo ra môi trường sống đầy tình yêu, sự quan tâm, chia sẻ thì căn bệnh vô cảm sẽ tự nhiên biến mất.
Việc lan tỏa gương người tốt sẽ giúp người dân thấy rằng cuộc sống vẫn có những điều tươi đẹp và mình cũng cần phải sống đẹp. Trong ảnh: Chương trình “Chủ nhật yêu thương” của Bệnh viện Chợ Rẫy giúp đỡ bệnh nhân nghèoẢnh: THUẬN THIÊNBạn đọc Văn Thi Hoàng:
Thành lập lực lượng phản ứng nhanh
Nói về đề tài này, trước hết tôi kể lại câu chuyện mình từng chứng kiến. Có một người phụ nữ (không biết bị tâm thần hay ngáo đá) cởi hết quần áo nằm giữa đường gần khu nhà tôi ở. Hễ thấy người đi ngang hoặc đến gần là cô ấy dùng đá ném. Tôi gọi điện cho trực ban Công an TP thì nơi đây yêu cầu gọi cho công an phường, nơi xảy ra vụ việc. Gọi cho công an phường, họ ghi nhận nhưng chờ đến 120 phút cũng không thấy ai đến giải quyết. Cuối cùng, những thanh niên được gọi là "bợm" trong xóm lao vào trùm mền khống chế chở người phụ nữ đến khu vực khác để... bỏ lại. Giá như cơ quan chức năng đến xử lý vụ việc, xác định nạn nhân nếu là người tâm thần thì có hướng giải quyết nhân đạo; nếu là đối tượng ngáo đá thì xử lý theo quy định của pháp luật.
Việc các cơ quan chức năng phản ứng chậm trước trình báo của người dân khiến họ mất lòng tin, từ đó thờ ơ với những chuyện xảy ra để khỏi tốn công, mất thời gian của mình. Những số điện thoại 113, 114, 115 không phải lúc nào gọi điện đến đều được xử lý ngay mà thường yêu cầu người dân gọi đến cơ quan công an, y tế gần nhất hay khai báo địa chỉ rõ ràng…
Nên chăng các cơ quan chức năng cần tuyên truyền, hướng dẫn người dân quy trình giúp đỡ nạn nhân (nên làm gì, làm như thế nào, gọi cho ai, sẽ bị chế tài ra sao nếu bỏ mặc nạn nhân…). Ngoài ra, cần thành lập lực lượng phản ứng nhanh với đường dây nóng rõ ràng, dễ thuộc, dễ nhớ, hoạt động 24/24 giờ và được phổ biến cho tất cả người dân, để khi họ gọi thì sẽ được trợ giúp ngay và lực lượng này cũng lập tức đến hiện trường. Có như vậy người dân mới tích cực điện báo và hỗ trợ cơ quan chức năng khi có việc khẩn cấp xảy ra.
Vai trò của truyền thông, quản lý nhà nước
Theo bà Nguyễn Thị Hoài Thu, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, có thể nhận diện căn bệnh vô cảm ở mọi mặt trong đời sống xã hội, từ việc thấy người không cứu đến việc bịa đặt những tin đồn thất thiệt gây hoang mang nhằm trục lợi cá nhân hoặc rất nhiều vấn đề khác mà chúng ta đang chứng kiến, đối mặt.
"Hiện nay thông tin giật gân, giết người, bạo lực… tràn lan trên mạng nhưng những gương người tốt thì lại quá ít. Để chữa bệnh này thì báo chí, truyền thông và các cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường tuyên truyền, thông tin, biểu dương những hình ảnh người tốt việc tốt, những tấm gương thầm lặng giữa đời thường, giúp ích cho đời. Việc lan tỏa gương người tốt sẽ giúp người dân thấy rằng cuộc sống vẫn có những điều tươi đẹp và mình cũng cần phải sống đẹp" - bà Nguyễn Thị Hoài Thu nói.
Bình luận (0)