Là một doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội, ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Bất động sản Lê Thành, chia sẻ nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện các dự án. Trong đó có câu chuyện điều chỉnh quy hoạch để được hưởng ưu đãi về tăng chỉ tiêu quy hoạch.
"Đứng hình" chờ điều chỉnh
Theo ông Lê Hữu Nghĩa, doanh nghiệp mất rất nhiều thời gian ở khâu này, có dự án phải mất vài năm chỉ để xin điều chỉnh về số tầng. Ngoài ra, thủ tục chấp thuận đầu tư rất lâu khi trải qua khâu xin ý kiến các sở, ngành liên quan.
Cụ thể như dự án nhà ở xã hội Lê Thành Tân Kiên (giai đoạn 1) tại huyện Bình Chánh có quy mô hơn 1.500 căn hộ trên khu đất gần 2,5 ha. Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) TP HCM mất nhiều thời gian để có ý kiến của các sở, ngành liên quan về chấp thuận chủ trương đầu tư và khi có một thay đổi nhỏ thì các sở, ngành khác lại xoay vòng hỏi ý kiến các đơn vị liên quan.
Ngoài việc điều chỉnh quy hoạch cục bộ 1/2.000 kéo dài, việc dự án chưa được UBND thành phố chấp thuận cho doanh nghiệp nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp để thực hiện dự án nhà ở xã hội cũng là khó khăn.
Sốt ruột với thực trạng dự án, Công ty Bất động sản Lê Thành kiến nghị Sở Quy hoạch Kiến trúc (QH-KT) và UBND huyện Bình Chánh có ý kiến bằng văn bản gửi Sở KH-ĐT, đề xuất Sở KH-ĐT trình UBND TP HCM chấp thuận chủ trương đầu tư cho dự án để có cơ sở thực hiện các bước tiếp theo.
Tương tự là dự án nhà ở xã hội Lê Thành Tân Tạo 2 (quận Bình Tân), với quy mô khoảng 500 căn hộ, cũng gặp vướng mắc về điều chỉnh quy hoạch cục bộ 1/2.000.
Do vướng mắc nên thời gian dài sau lễ động thổ, dự án nhà ở xã hội ở khu dân cư Nguyên Sơn (huyện Bình Chánh, TP HCM) chỉ có hơn chục cọc bê-tông
Cần chính xác trong lựa chọn
Mới đây, sau kiến nghị của doanh nghiệp, lãnh đạo UBND TP HCM đã họp cùng các sở, ngành liên quan và chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc để dự án nhà ở xã hội Lê Thành Tân Kiên sớm triển khai. Nói về dự án nhà ở xã hội này, ông Huỳnh Trịnh Phong, Trưởng Phòng Quản lý thực hiện quy hoạch và pháp chế - Sở QH-KT TP HCM, cho hay do hồ sơ chuyển lên Sở QH-KT chưa đáp ứng điều kiện nên khó trình UBND TP HCM. Vì thế mới có chuyện "hồ sơ đi - về".
Qua đó, đại diện Sở QH-KT cũng chỉ ra các nguyên nhân khiến chậm trễ điều chỉnh quy hoạch tại nhiều dự án nhà ở xã hội. Thứ nhất, Sở QH-KT đã hướng dẫn các quận, huyện điều chỉnh quy hoạch nhưng đa số đều chậm gửi hồ sơ lên sở. Thứ hai, liên quan chỉ tiêu dân số. Thứ ba, các vấn đề khác như doanh nghiệp đề nghị tiêu chuẩn, quy chuẩn vượt ngưỡng...
Đi sâu vào chỉ tiêu dân số, ông Phong cho hay Thủ tướng đã phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung TP HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060, trong đó dân số tăng từ 10 triệu lên 14 triệu và hiện nay thành phố đang triển khai nhiệm vụ này. Thành phố đang xin Bộ Xây dựng cho phân khai tỉ lệ dân số về các quận, huyện để địa phương tăng chỉ tiêu dân số. Khi địa phương được tăng dân số thì mới thay đổi được các hệ số QH-KT. Nếu chưa được phép tăng dân số thì chưa có cơ sở để tăng chỉ tiêu quy hoạch.
"Dù quy định là dự án nhà ở xã hội được quyền tăng tối đa 1,5 lần hệ số sử dụng đất, mật độ xây dựng nhưng phải bảo đảm điều kiện hạ tầng tại vị trí doanh nghiệp đề xuất. Vì thế, không phải dự án nào cũng được tăng 1,5 lần" - ông Huỳnh Trịnh Phong lý giải.
"Khi chọn đất làm nhà ở xã hội thì phải phù hợp tương đối với nhu cầu mình muốn tăng. Bây giờ, chọn khu đất đang quy hoạch thấp tầng, mật độ thấp mà điều chỉnh lên 1,5 lần, lên cao tầng trong khi hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội khu vực đó không đáp ứng được thì khó triển khai dự án" - ông Phong nói thêm.
Nhiều kiến nghị được giải quyết
Sau kiến nghị của Công ty CP Đầu tư Xây dựng Dịch vụ Du lịch Thiên Phát về giải quyết khó khăn tại dự án nhà lưu trú công nhân (giai đoạn 2) tại Khu Chế xuất Linh Trung II, Sở Xây dựng đã tham mưu trình UBND TP HCM ban hành quyết định về chấp thuận đầu tư dự án.
Công ty CP Địa ốc Sài Gòn đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu căn hộ cho người mua dự án nhà An Phú Đông, quận 12, Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM cho biết Văn phòng Đăng ký đất đai thành phố đang thực hiện thủ tục.
3 năm, chỉ 1 dự án hoàn thành
Sở Xây dựng TP HCM cho biết giai đoạn 2009-2020, TP HCM hoàn thành, đưa vào sử dụng 31 dự án nhà ở xã hội, quy mô 18.840 căn hộ. Giai đoạn từ năm 2021 đến nay, TP HCM chỉ hoàn thành, đưa vào sử dụng một dự án với quy mô 260 căn hộ.
Về nhà lưu trú cho công nhân, giai đoạn 2009-2020, TP HCM đưa vào sử dụng 18 dự án nhà lưu trú, quy mô 6.174 căn hộ. Giai đoạn từ năm 2021 đến nay, TP HCM có 2 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư với quy mô 1.400 căn hộ. Trong đó, một dự án được cấp giấy phép xây dựng với quy mô 1.040 căn hộ.
Bình luận (0)