Câu chuyện một nhà hàng lớn, có "tên tuổi" tại một điểm đến nổi tiếng vừa bị cơ quan chức năng quyết định xử phạt 21 triệu đồng cho hành vi "chặt chém" một đĩa mì xào với giá 200.000 đồng đối với khách du lịch đã khiến nhiều người phải suy ngẫm.
Nạn "chặt chém" khách du lịch tại các hàng quán, điểm kinh doanh dịch vụ ăn uống, không phải là chuyện mới mà là căn bệnh "mạn tính", trầm kha. Để biện minh cho hành vi "chặt chém", họ nại lý do thực phẩm tăng giá, gas tăng, xăng tăng… nên buộc phải tăng giá bán để bù lỗ hoặc quán đã có niêm yết giá, "thuận mua vừa bán"… Thực tế cho thấy không ít người kinh doanh có suy nghĩ khách du lịch lâu lâu ghé đến tham quan, việc mạnh tay "chặt chém" hay tính giá "trên trời", khách sẽ không để ý hoặc không tính toán, so đo khi đi du lịch.
Hệ quả của lối suy nghĩ nông cạn, chỉ biết cái lợi nhỏ trước mắt mà không thấy hậu quả lâu dài, thậm chí là lối suy nghĩ không có đạo đức trong kinh doanh, buôn bán của một số hàng quán đã vô tình làm xấu xí thêm hình ảnh điểm đến du lịch của địa phương, khiến nhiều du khách không có ấn tượng tốt để rồi "một đi không trở lại"...
Hiện công nghệ phát triển, chỉ cần có hành vi bất chính thì trong chớp mắt, cả thế giới đều biết thông tin. Để tạo ấn tượng và thu hút du khách, chỉ có cách xem trọng chữ tín, có đạo đức nghề nghiệp trong kinh doanh, buôn bán. Hãy tạo sự an tâm cho du khách bằng sự trung thực, chân tình, cởi mở và hiếu khách. Giá cả cần phải được niêm yết rõ ràng, hợp lý, phải chăng. Đó mới là cách quảng cáo hiệu quả, kinh doanh thông minh, giữ khách để phát triển bền vững.
Ngoài ra, lực lượng chức năng, chính quyền địa phương cần quyết liệt và mạnh tay hơn đối với các biểu hiện cũng như hành vi "chặt chém" du khách bất chấp đạo đức kinh doanh, bất chấp quy định của luật pháp. Thường xuyên kiểm tra định kỳ, đột xuất các hàng quán, điểm kinh doanh dịch vụ ăn uống; khuyến khích du khách, người dân phản ánh nhanh, tố giác các hành vi buôn bán, kinh doanh bất lương. Sự quyết liệt, xử lý "mạnh và nhanh" khi có tố giác, phản ánh cũng là cách tạo sự yên tâm, tin tưởng cho du khách tại các điểm đến, nhất là đối với du khách quốc tế.
Thêm nữa, cần nghiên cứu và tiến tới ban hành bộ quy tắc ứng xử đối với những người làm nghề kinh doanh dịch vụ ăn uống tại các điểm đến du lịch bằng chính những cam kết của họ trong việc giữ chữ tín cũng như đạo đức nghề nghiệp.
Định kỳ cơ quan chức năng phối hợp với các cơ quan hữu quan, các tổ chức xã hội nghề nghiệp… tổ chức những buổi tập huấn về kỹ năng kinh doanh, kỹ năng ứng xử và giao tiếp với khách hàng, để từ đó có thể nâng cao sự hiểu biết, chữ tín, đạo đức của người kinh doanh dịch vụ.
Bình luận (0)