Luật sư Trần Quí Lễ (Đoàn Luật sư TP HCM) lưu ý khi mua hoặc nhận cầm cố sổ BHXH, người mua chắc chắn sẽ yêu cầu công nhân lập văn bản ủy quyền có công chứng. Từ đó, người mua có đủ giấy tờ thay công nhân làm thủ tục nhận tiền bảo hiểm, trợ cấp.
Quy định hiện hành nêu rõ người khác có thể nhận các khoản trợ cấp thay người đứng tên trên sổ BHXH, nếu có ủy quyền hợp pháp. Về quan hệ dân sự, các bên đều tự nguyện. Một người có thể nhận nhiều ủy quyền từ nhiều người khác nhau.
Như vậy, cơ quan BHXH lâm vào thế khó xử khi tiếp nhận những trường hợp lãnh tiền trợ cấp thay như vậy. Nếu cơ quan BHXH nghi ngờ thì lại không có cơ sở yêu cầu xác minh. Thậm chí, người nhận ủy quyền làm thủ tục lãnh trợ cấp sẽ quy kết cơ quan BHXH "làm khó"; đi ngược nguyên tắc người dân được làm những gì pháp luật không cấm, công chức chỉ được làm những gì pháp luật quy định.
Nhằm hạn chế tình trạng như tỉnh Bình Dương đang gặp phải, luật sư Trần Quí Lễ cho rằng cơ quan chức năng cần sửa quy định thủ tục hưởng trợ cấp theo hướng chỉ tiếp nhận hồ sơ do người đứng tên sổ BHXH trực tiếp nộp vào, không nhận ủy quyền."Chưa kể đến một thực tế khác về mức độ tin tưởng của người lao động đối với cơ quan BHXH. Không ít người lao động không rành thủ tục nên ngại khó. Hơn nữa, cơn khốn khó luôn đến nhanh hơn thời điểm lãnh tiền về. Thủ tục hành chính cần ngày càng đơn giản, dễ dàng và tiện lợi. Sao cho tiền bảo hiểm là khoản tiền người đóng bảo hiểm được đảm bảo sẽ nhận về đúng lúc hiểm" - luật sư nhấn mạnh.
Người lao động làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp tại TP HCM
Tương tự, luật sư Nguyễn Đức Thắng Ý (Giám đốc, Công ty Luật TNHH Bình Chánh) khuyến cáo khi nghỉ việc và nhận sổ BHXH, người lao đông cần biết Luật BHXH 2014 nói rõ sổ BHXH được cấp cho từng người lao động để theo dõi việc đóng, hưởng các chế độ BHXH là cơ sở để giải quyết các chế độ theo quy định của luật này.
Luật sư phản ánh: "Khi bán sổ BHXH, công nhân thường bị ép giá. Đối tượng mạo danh chỉ mua lại sổ BHXH với giá bằng từ 40%-50% số tiền thực tế cơ quan BHXH sẽ chi trả cho công nhân nghỉ việc). Lúc đi làm trở lại, người lao động tham gia BHXH lại từ đầu, làm ảnh hưởng đến quá trình nhận lương hưu sau này. Người lao động chắc chắn chịu thiệt thòi trong tương lai nếu bán hoặc cầm cố sổ BHXH. Người sử dụng lao động khi trả sổ BHXH cần tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm khuyến cáo những thiệt hại khi bán sổ BHXH. Nhờ đó, công nhân có thể hiểu, dự đoán trước những thiệt hại cũng như hậu quả phát sinh sau khi bán sổ BHXH".
Nhắc đến những facebook giả mạo cơ quan BHXH đăng thông tin về việc mua bán sổ BHXH, luật sư Nguyễn Đức Thắng Ý cho rằng cơ quan chức năng phải nhanh chóng xử lý hành vi giả danh cơ quan BHXH để mua bán sổ BHXH là hành vi trái pháp luật. Luật nghiêm cấm việc sử dụng không gian mạng để thực hiện hành vi "Thông tin sai sự thật xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác" (Điều 8, Luật An ninh mạng).
Người có hành vi sai trái có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định số 15/2020/NĐ-CP (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử). Cụ thể, người giả mạo tổ chức, cá nhân và phát tán thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân có thể phải nộp phạt từ 10-20 triệu đồng. Không chỉ vậy, pháp luật sẽ xử lý hình sự người có hành vi sai phạm như trên về tội "Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông" với mức phạt tù rất nghiêm khắc, có thể lên đến từ 3 - 7 năm tù.
Tội "Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông" tại Điều 288, Bộ Luật hình sự 2015:
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng; hoặc gây thiệt hại từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng; hoặc gây dư luận xấu làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân, thì bị phạt tiền từ 30 triệu đồng – 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng - 3 năm:
a) Đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông những thông tin trái với quy định của pháp luật, nếu không thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điều 117, 155, 156 và 326 của Bộ Luật hình sự 2015;
b) Mua bán, trao đổi, tặng cho, sửa chữa, thay đổi hoặc công khai hóa thông tin riêng hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên mạng máy tính, mạng viễn thông mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó;
c) Hành vi khác sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200 triệu đồng - 1 tỉ đồng hoặc phạt tù từ 2 - 7 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng quyền quản trị mạng máy tính, mạng viễn thông;
c) Thu lợi bất chính 200 triệu đồng trở lên;
d) Gây thiệt hại 500 triệu đồng trở lên;
đ) Xâm phạm bí mật cá nhân dẫn đến người bị xâm phạm tự sát;
e) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc quan hệ đối ngoại của Việt Nam;
g) Dẫn đến biểu tình.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng – 200 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm.
Bình luận (0)