Dịch vụ bay trực thăng cấp cứu y tế xuất hiện ở Việt Nam hơn 10 năm nay, khách hàng chủ yếu là các doanh nghiệp (DN) dầu khí hoạt động sản xuất kinh doanh trong địa hình đặc thù là các giàn khoan trên biển. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của đời sống kinh tế, ngày càng có nhiều người dân sẵn sàng “alô” gọi trực thăng chuyển người nhà trong cơn nguy kịch đi cấp cứu ở bệnh viện tuyến trên.
Thấp nhất 3.650 USD/giờ bay
Đơn vị cung cấp dịch vụ trực thăng cấp cứu hiện nay là Tổng Công ty Trực thăng Việt Nam - Bộ Quốc phòng. DN này có 2 thành viên thực hiện các chuyến bay là Công ty Trực thăng Miền Bắc, trụ sở tại Gia Lâm - Hà Nội và Công ty Trực thăng Miền Nam ở Vũng Tàu.
Ông Lê Phương Nam, cán bộ Phòng Thương mại Công ty Trực thăng Miền Nam, cho biết giá bay dịch vụ thấp nhất của DN này là 3.650 USD/giờ (chưa có thuế GTGT). Với khách hàng đã ký hợp đồng từ trước, trực thăng sẽ đến sau 45 phút sau khi có cuộc gọi, hợp đồng thanh toán sau. Với khách lẻ, máy bay có thể đến chậm hơn do phải khảo sát địa hình điểm cất - hạ cánh; đồng thời khách phải đặt cọc 100% chi phí dự toán ban đầu dựa trên độ dài đường bay. DN này hiện có 4 máy bay trực thăng có thể cung cấp dịch vụ cấp cứu y tế, du lịch, chụp ảnh…
Giá dịch vụ của Công ty Trực thăng Miền Bắc cao hơn so với DN phía Nam do khác nhau về đội máy bay. DN này hiện khai thác 7 chiếc trực thăng Mi 17, Mi 172 (sản xuất tại Nga), EC-155B1 (Pháp)… với giá dịch vụ 4.500 - 7.300 USD/giờ bay. “Đội bay của Công ty Trực thăng Miền Bắc vừa bổ sung nhiều máy bay mới, hiện đại nên giá thuê cũng tương ứng với chi phí đầu tư” - một chuyên viên Phòng Marketing Công ty Trực thăng Miền Bắc cho biết.
Khách hàng có nhu cầu gọi trực thăng cấp cứu có thể trực tiếp liên hệ tại website của 2 DN này hoặc gọi điện thoại đến các trung tâm cấp cứu y tế (SOS) trong khu vực hay những phòng khám gia đình.
Không dễ như ý
Theo chuyên viên Phòng Marketing Công ty Trực thăng Miền Bắc, tỉ trọng bay cấp cứu của DN khá thấp so với các dịch vụ khác nhưng mỗi năm cũng có vài chục chuyến bay được thực hiện. Khách hàng chủ yếu là các đại gia, khách du lịch (có công ty bảo hiểm chi trả tiền vận chuyển) nhưng cũng có cả công chức hay người dân bình thường.
Chuyến bay đưa bệnh nhân ở Hà Tĩnh ra Hà Nội cấp cứu vào tối 10-8_Ảnh: INTERNET
Mới đây, tối 10-8, ca đưa người bị tai nạn giao thông ở Hà Tĩnh ra Bệnh viện 108 - Hà Nội cấp cứu gây xôn xao dư luận. Tuy nhiên, các bác sĩ vẫn không thể cứu được đôi chân của cô giáo Trần Thị Thảo do đến bệnh viện quá muộn. Trong khi đó, có chuyến bay ngốn hàng trăm triệu đồng nhưng máy bay vẫn không thể hạ cánh được. Đó là trường hợp một gia đình hiếm muộn ở Lai Châu khẩn cấp thuê trực thăng cứu bé trai sinh non hồi cuối năm 2011. Khi trực thăng đến Lai Châu, người nhà phải cầu cứu khắp nơi để xin hạ cánh nhưng cơ trưởng thông báo không thể đáp xuống vì sương mù dày đặc. Cuối cùng, em bé được chuyển đến Hà Nội bằng xe cứu thương nhưng gia đình vẫn phải thanh toán 50% chi phí chuyến bay, hơn 200 triệu đồng.
Cấp phép nhanh chóng Máy bay trực thăng chỉ bay ở tầm thấp, nên thuộc quyền cấp phép của Tổng cục Tác chiến - Bộ Quốc phòng. Điều kiện tốt nhất cho trực thăng hoạt động là ban ngày nhưng bay cấp cứu phải ứng trực 24/24 giờ. Tất cả các chuyến cấp cứu đều được cấp phép bay rất nhanh chóng. Việc giám sát không lưu đối với các chuyến bay được thực hiện 10 phút/lần. Trong bán kính 400 km, máy bay trực thăng có thể đưa thẳng bệnh nhân đến cơ sở y tế (bay không dừng) nhưng ở quãng đường dài như từ TPHCM ra Hà Nội, chuyến bay sẽ phải dừng lại tiếp nhiên liệu tại 2 điểm. |
Bình luận (0)