Trong khi bệnh tay chân miệng (TCM) ở phía Nam được cảnh báo có thể tái diễn tình trạng “đỉnh dịch” theo chu kỳ thì ở phía Bắc, bệnh viêm não đang vào mùa với số ca mắc và tử vong ngày một gia tăng.
Viêm não Nhật Bản vào mùa
Những ngày qua, số trẻ mắc viêm não, trong đó có viêm não Nhật Bản, tăng vọt tại một số cơ sở điều trị ở Hà Nội. Tại Bệnh viện (BV) Nhi trung ương, tính đến thời điểm này, có khoảng 135 ca viêm não các loại, trong đó có đến 36 ca viêm não Nhật Bản, chiếm gần 27%. “Nếu như năm 2013, số bệnh nhân mắc viêm não Nhật Bản chỉ chiếm 8% số ca viêm não thì 6 tháng đầu năm 2014, tỉ lệ này tăng hơn 3 lần” - bác sĩ Đỗ Thiện Hải, Phó trưởng Khoa Truyền nhiễm BV Nhi trung ương, so sánh.
PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), cho biết viêm não Nhật Bản là bệnh nhiễm virus viêm não Nhật Bản cấp tính làm tổn thương hệ thần kinh trung ương, có tỉ lệ để lại di chứng thần kinh và tử vong cao. Bệnh lây truyền qua muỗi đốt, gây sốt cao kèm các triệu chứng như: nhức đầu dữ dội, buồn nôn, co giật, đờ đẫn, hôn mê... Từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 319 trường hợp mắc, trong đó có 4 trường hợp tử vong.
Giới chuyên môn cảnh báo, trong tháng 7 và 8 tới vẫn là mùa của bệnh viêm não Nhật Bản ở phía Bắc. Mức độ nguy hiểm của bệnh nặng hơn nhiều so với dịch sởi vừa qua bởi mức độ nặng, tỉ lệ tử vong rất cao, ước tính lên tới 20%-30%. Do vậy, theo PGS - TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng Khoa Nhi BV Bạch Mai, nếu nghi trẻ mắc viêm não Nhật Bản, phụ huynh cần đưa nhanh đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời, tránh hậu quả đáng tiếc.
Bệnh tay chân miệng hoành hành
Trong khi viêm não ở các tỉnh phía Bắc gây nhiều lo lắng cho các bậc cha mẹ thì tại khu vực phía Nam, bệnh TCM vẫn đang hoành hành. Báo cáo của Cục Y tế Dự phòng cho biết 8 tháng qua, cả nước có hơn 31.000 trường hợp mắc bệnh TCM, trong đó có 2 trường hợp tử vong tại tỉnh Long An và Bà Rịa - Vũng Tàu. PGS-TS Trần Đắc Phu nhận định so với cùng kỳ năm 2013, số trường hợp mắc bệnh TCM trên cả nước giảm 7,6% và số tử vong giảm 9 trường hợp nhưng trong vài tuần gần đây, bệnh đã tăng trở lại, ở mức 9%, với 2.000 ca mắc mới/tuần. Số bệnh nhân mắc TCM tập trung chủ yếu ở khu vực phía Nam, chiếm hơn 80%. Một số địa phương đã có số ca mắc tăng cao như TP HCM, khoảng 30%; Bà Rịa - Vũng Tàu tăng 35%; Cà Mau tăng 15%; Kon Tum tăng 70%...
Cũng theo ông Phu, trong năm nay, bệnh TCM còn có nguy cơ rơi vào chu kỳ 3 năm có một đợt dịch lớn, trở lại với đỉnh dịch năm 2011 làm 112.000 ca mắc, trong đó 169 trẻ tử vong. Theo chu kỳ, dịch TCM bùng phát từ tháng 4-6 và đợt tiếp theo vào tháng 9-12.
Bộ Y tế khuyến cáo đối tượng mắc TCM thường là trẻ dưới 5 tuổi, độ tuổi học ở mầm non. Bệnh có nhiều biến chứng, gây tử vong nhanh nếu không phát hiện, xử lý kịp thời. Do bệnh không có thuốc đặc trị và vắc-xin dự phòng nên các bậc phụ huynh phải tuyệt đối phòng ngừa.
Giới chuyên môn lo ngại dịch TCM quay trở lại cùng với các dịch bệnh khác nên nguy cơ dịch chồng dịch rất có thể xảy ra. Nếu không giám sát chặt các ổ dịch, không kiểm soát được nguồn lây thì có nhiều nguy cơ bùng phát dịch trên diện rộng.
Chủ động ngừa viêm não Nhật Bản
GS-TS Nguyễn Trần Hiển, Chủ nhiệm Dự án tiêm chủng mở rộng quốc gia, cho biết bệnh viêm não Nhật Bản cho tới nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nhưng có thể phòng ngừa. Để phòng bệnh, cần tiêm vắc-xin viêm não Nhật Bản B cho trẻ đầy đủ và đúng lịch: mũi 1 lúc trẻ được 1 tuổi; mũi 2 sau mũi 1 từ 1 đến 2 tuần; mũi 3 cách mũi 2 là 1 năm. Sau đó cứ 3-4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi. Hiện vắc-xin này được cấp miễn phí ở 100% địa phương trong cả nước.
Bình luận (0)