Khó ai có thể hình dung người đàn ông ăn mặc xuềnh xoàng, hằng ngày đẩy xe trái cây đi bán dạo từ rạp hát Trần Hưng Đạo đến trước số 7 Nam Quốc Cang (cùng quận 1, TP HCM) là “bếp trưởng” khá nổi tiếng với các mái ấm nuôi trẻ mồ côi, người già tàn tật và trung tâm xã hội.
“Thấy thương quá!”
Kiếm sống bằng xe trái cây nhỏ, vốn liếng không bao nhiêu nhưng cứ 2 ngày cuối tuần, ông Nguyễn Văn Sang (52 tuổi, ngụ quận 1) lại “chơi sang”, nghỉ bán để chuẩn bị mua nguyên vật liệu, nấu những suất ăn miễn phí. Lúc thì món phở, khi hủ tiếu, có hôm cơm gà, bì cuốn… để các cụ già, em nhỏ mồ côi, người bị tâm thần “ăn có thịt”.
Nói về cơ duyên đưa mình đến với việc nấu ăn cho những người bất hạnh, kém may mắn, ông Sang kể: “Hồi đó, tui được một cô rủ đi làm từ thiện chung ở mái ấm Thiên Bình (huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai). Nấu xong đâu đó, nhìn tụi nhỏ ăn thấy thương quá, tự nhiên tui chảy nước mắt, khóc ròng. Lúc đó, tui ra khấn với tượng Đức Mẹ: Xin cho con sức khỏe để phụ với các sơ lo cho các em…”.
Kể từ đó, ngoài việc đi bán để nuôi cha mẹ, ông còn để dành tiền nấu ăn cho trẻ mồ côi, các cụ già ở các trung tâm xã hội. Lúc đầu chỉ là vài chục suất ăn, về sau những người cùng đi nấu ăn phụ cũng “thấy thương quá” góp thêm tiền, thêm người đi chung nên có lúc nhóm đãi ăn trưa cho 1.800 người ở Trung tâm Bảo trợ xã hội Chánh Phú Hòa (tỉnh Bình Dương), có lúc phát hàng trăm phần quà cho người nghèo ở tỉnh Ninh Thuận, người khiếm thị ở tỉnh Sóc Trăng.
Sức bao nhiêu thì làm bấy nhiêu
Kể từ lúc khấn nguyện, người đàn ông không vợ, không con này thường xuyên đi nấu ăn và rủ người quen làm cùng “cho vui”. Cái vui đôi khi đi chung cái buồn. Số là ông hàng xóm thấy vợ mình hay nấu ăn từ thiện nên bảo: “Bà đi gì dữ vậy? Tui thấy thằng Sang nấu dở ẹt, có gì ngon đâu mà đi với nó”. Vô tình đến tai ông Sang, thấy buồn lòng, ông tính đi nấu lần chót rồi giải nghệ. Nào ngờ lên đến nơi, gặp mấy đứa nhỏ thủ thỉ: “Chú Sang ơi, chú nấu ăn ngon lắm. Mai mốt chú lên nấu cho tụi con ăn nữa nha. Chú đừng bỏ tụi con…”. Không đành, ông lại cần mẫn nấu tiếp cho đến nay. Có lần, một thanh niên khờ khạo lại mắng vốn: “Sao phần cơm con hổng có cái đùi gà?”, ông liền lấy thêm cái khác dù nghe là biết có khúc mắc vì dấu vết cái đùi gà vẫn còn hằn trên dĩa cơm. Lát sau hỏi lại anh chàng này thì được biết cái đùi gà trước đã được giấu trong túi quần “để chiều ăn”.
“Những người ở trung tâm thèm lắm những món như bún bò, cơm chiên, phở, thậm chí là cà phê… Nhìn họ ăn mà mình rớt nước mắt nên không người này thì người kia sẽ muốn bỏ tiền đi nấu ăn cho những người kém may mắn thôi. Vì vậy nên giờ ai có tiền thì tui góp công nấu”- ông Sang tâm sự.
Lần khác, ông chạnh lòng khi nghe người đi nấu ăn phụ mình nói sao nấu cho nhóm không có tiền bồi dưỡng, nấu nhóm khác thì có. Tâm sự cùng một vị sư ở chùa, ông được khuyên: “Thôi tùy duyên con à. Gặp cũng là duyên. Mà không gặp cũng là duyên. Duyên đến cũng là duyên. Duyên đi cũng là duyên”. Về ngộ ra, ông đặt tên cho nhóm nấu có 50 người (khoảng 15 thành viên nòng cốt) là nhóm từ thiện bếp ăn Tùy Duyên. Ai phát tâm nấu chỗ nào thì cứ gọi điện thoại cho “bếp trưởng”, ông Sang sẽ rủ thêm người đi phụ và kêu gọi cùng góp sức để bữa ăn tươm tất hơn.
Thấy nhiều bạn trẻ cùng làm từ thiện chụp hình đưa lên Facebook để kêu gọi sự đóng góp của nhiều người, nhóm Tùy Duyên cũng nôn nao, xúi ông Sang lập Facebook nhưng ông lắc đầu. “Tui mới học hết lớp 2, người ta thấy điện thoại tui hư cho
smartphone mà không biết xài, còn trả lại thì nói gì đến lên mạng. Với lại, mình làm Facebook này kia, đến khi người nghèo lên xin thứ này, thứ nọ mình không có cho, họ buồn, nói mình nói cho nhiều mà không làm được bao nhiêu thì sao? Thôi, sức mình nhiêu mình làm bấy nhiêu” - ông Sang chia sẻ.
Cứ vậy, hằng tuần hàng xóm lại thấy ông Sang tay xách nách mang hàng chục ký thịt, rau củ tươi về bày ra hành lang trước chung cư, cùng vài người miệt mài cắt gọt, sơ chế các món ăn trước khi lên đường hoặc bưng bê hàng chục thùng nước ngọt, nước tương… để dành làm từ thiện. Mấy ai biết bác sĩ cấm ông không được làm quá sức, bưng bê nặng vì đang mang trong người bệnh tim.
Ước mơ “sang giàu”
Hỏi về ước mơ, ông Nguyễn Văn Sang không cần suy nghĩ, nói ngay: “Ước mơ thì nhiều lắm. Tui ước mình có nhiều tiền để không chỉ nấu ăn cho trẻ mồi côi, người già mà còn giúp cho những người nghèo “cần câu cơm” là con bò, chiếc xe… để họ kiếm sống qua ngày. Tui cũng mong sao bán căn hộ (20 m2) này được chút tiền, rồi mua căn nhà nhỏ có chỗ để nấu nướng rộng rãi, thoải mái chứ không chật hẹp, phải bày biện ra cả ngoài hành lang như bây giờ”.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 8-11
Bình luận (0)