Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TP HCM vừa đề xuất UBND TP thực hiện một số giải pháp để tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về vệ sinh nơi công cộng trên địa bàn, trong đó có kiến nghị công khai thông tin người vi phạm, cho phép cơ quan địa phương được sử dụng hình ảnh trích xuất từ camera an ninh, camera giao thông để lập biên bản vi phạm hành chính về vệ sinh nơi công cộng.
Thiếu nhà vệ sinh không phải là lý do
Dễ dàng nhận thấy không ai đồng tình hành vi xả rác bừa bãi, đi vệ sinh không đúng chỗ. Tuy nhiên, làm thế nào để xử lý triệt để những hành vi thiếu văn hóa này, vẫn có nhiều tranh cãi.
Với những người đồng tình thì ủng hộ mọi giải pháp, miễn đem lại sự văn minh, xanh, sạch đẹp cho TP. Bên phản đối lại cho rằng phải trang bị đủ thùng rác, nhà vệ sinh công cộng (NVSCC) rồi mới tính đến việc xử phạt bởi nếu không thì người có nhu cầu sẽ vứt rác ở đâu, đi vệ sinh chỗ nào?
Tuy nhiên, trong bối cảnh TP hiện nay, muốn thay đổi hành vi xấu, vi phạm quy định pháp luật của người dân, thiết nghĩ phải dùng những giải pháp mạnh tay xử phạt. Vì sao?
Thứ nhất, thực tế nhiều TP lớn trên thế giới không có nhiều thùng rác, NVSCC mà họ vẫn xử phạt nặng đối với hành vi vi phạm vệ sinh nơi công cộng. Tại TP HCM, ai trong chúng ta không ít lần bắt gặp hình ảnh thùng rác ở gần bên nhưng có người vẫn thản nhiên vứt rác, hộp thức ăn, chai nước uống… xuống đường. Hay quanh chợ Bến Thành, Công viên 23-9… có rất nhiều NVSCC, vẫn có nhiều người chọn gốc cây, bờ tường tiểu bậy. Họ có thể là người lái taxi, xe ôm, bán hàng rong… nhưng cũng không hiếm người đi ôtô, xe tay ga đắt tiền, ăn mặc sành điệu. Vì thế, nếu có xây nhiều NVSCC, trang bị nhiều thùng rác mà thói quen, ý thức người dân không thay đổi thì cuối cùng TP vẫn nhếch nhác, bẩn thỉu.
Thứ hai, lâu nay việc tuyên truyền, tổ chức ra quân xử phạt đã được các cơ quan, đoàn thể, chính quyền địa phương thực hiện nhiều nhưng vẫn không thay đổi được hành vi vi phạm của nhiều người.
Thứ ba, có hàng trăm lý do để biện minh cho hành vi vi phạm, cơ quan quản lý nhà nước không thể đáp ứng đủ trăm lý do đó rồi mới có thể xử phạt, cũng không thể cứ đưa ra bàn bạc mãi bởi "chín người, mười ý". Để thay đổi một thói quen xấu, đôi khi buộc phải áp dụng những biện pháp cực đoan. Thậm chí, lúc mới ban hành sẽ vấp phải sự không đồng tình, phản ứng của nhiều người nhưng vì sự phát triển chung, nhà nước buộc phải áp dụng.
Một trường hợp tiểu bậy bị lực lượng chức năng quận 1 yêu cầu dội nước làm sạch. Ảnh: LÊ PHONG
Cần biện pháp cứng rắn
Dĩ nhiên, trước khi ban hành chính sách, phải thực hiện việc điều tra xã hội học, từ thực tiễn đó sẽ đề ra nhiều biện pháp song song. Ví dụ, bên cạnh việc tuyên truyền, giáo dục, cần tạo điều kiện để người dân thực hiện tốt. Ở một TP đất chật người đông, xây nhiều NVSCC không phải là cách, ngoài các trung tâm thương mại, có thể vận động các hàng quán, trạm xăng, khách sạn… cho người dân sử dụng nhà vệ sinh có trả phí ở mức chấp nhận được (bởi không thể cái gì cũng miễn phí). Đi kèm với đó là việc thực thi pháp luật phải nghiêm minh, xử lý thế nào để người dân biết sợ, không dám vi phạm. Tăng nặng mức phạt, bắt lao động công ích và áp dụng cả việc ghi hình, bêu tên người vi phạm. Việc bêu tên có thể vi phạm quyền nhân thân và trong chừng mực nào đó, ảnh hưởng đến người thân của họ. Nhưng cũng chính vì vậy mà khiến người ta sợ, có tâm lý do dự, ngán ngại khi thực hiện hành vi. Nếu luật chưa có quy định việc này thì nên đưa vào.
Không nói đâu xa, ngay cạnh chúng ta, đất nước Singapore sẽ không được như hôm nay nếu những nhà lãnh đạo như ông Lý Quang Diệu không dùng các biện pháp cứng rắn và can thiệp sâu vào các vấn đề cá nhân của người dân. Nói là cá nhân nhưng kỳ thực nhìn rộng ra, những cái tưởng chừng nhỏ nhặt, cá nhân như nhổ nước bọt, gây tiếng ồn, xả rác bừa bãi, giẫm lên cỏ… lại ảnh hưởng đến người xung quanh và tác động đến sự phát triển của quốc gia. Trong hồi ký của mình, ông Lý Quang Diệu đã viết: "Để vượt qua thái độ dửng dưng ở nơi công cộng, chúng tôi giáo dục trẻ em trong trường bằng cách dạy chúng trồng cây, chăm sóc cây... Chúng tôi giáo dục và hô hào dân chúng, sau đó, thuyết phục và lôi kéo số đông, lập pháp để trừng phạt những thiểu số ngoan cố. Điều này đã khiến Singapore trở thành nơi có môi trường sống thú vị hơn".
Đủ lý do được viện dẫn ra để biện minh cho hành vi tiểu bậy như nhà vệ sinh dơ bẩn, sợ mất xe… nhưng sâu xa vẫn là do thói quen tùy tiện, vô kỷ luật, lười biếng..., chỉ cần được việc mình.
Thăm dò ý kiến
Bêu tên hay xử phạt người tè bậy?
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Bình luận (0)