xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Bị cây đè, phải ráng chịu!

SỸ ĐÔNG - THÀNH ĐỒNG

Cây xanh có địa chỉ, kinh phí quản lý và chăm sóc cụ thể, ấy vậy mà nhiều trường hợp "tự nhiên" ngã đổ thì chẳng có nơi chịu trách nhiệm, khiến người gặp họa bức xúc

Trong ngày 9-6, có ít nhất 3 vụ cây xanh bật gốc, tét nhánh khiến người dân bất an mỗi khi ra đường. Vụ đầu tiên diễn ra vào buổi sáng trên đường Hoài Thanh (phường 14, quận 8, TP HCM) làm một em nhỏ bị thương, phải nhập viện. Đến chiều cùng ngày thì cây xanh bật gốc đè khoảng chục chiếc xe máy trên đường Lý Thái Tổ (phường 1, quận 10).

Cây xanh bật gốc ngày càng nhiều

Cách đó 2 ngày, cơn mưa chiều 7-6 xảy ra trên diện rộng khiến nhiều cây xanh bật gốc, rớt nhánh và làm ít nhất 3 người đi đường bị thương, thậm chí còn đè chiếc ôtô bẹp dúm. Có thể kể đến các sự cố như cây xanh ở đường Rạch Bùng Binh (phường 9, quận 3) ngã ra đường, nửa trên của một cây sao đen trên đường Trường Sa (quận Tân Bình) đè trúng 2 phụ nữ đang dừng xe máy phía dưới. Một cây sọ khỉ trên đường Trường Chinh (quận Tân Phú) cũng bật gốc làm 3 người bị thương rồi chắn ngang đường. Một sự cố khác là cây gòn trong bãi giữ xe thuộc Công viên Kỳ Hòa bị bật gốc đè lên 2 ôtô biến dạng và nhiều xe khác bị hư hỏng nhẹ. Ngoài những sự cố trên, từ đầu mùa mưa đến nay đã xảy ra hàng chục trường hợp cây xanh bật gốc làm hư hại tài sản của người dân.

Theo Công ty Công viên cây xanh TP, trong năm 2017, có đến 1.060 vụ cây xanh ngã đổ và tét nhánh. Điều đáng báo động là trong 5 năm qua, số lượng cây bị gãy nhánh, bật gốc có xu hướng gia tăng. Cụ thể, năm 2013 chỉ có 509 vụ, qua năm 2014 lên 735 vụ,... đến năm 2016 tăng lên 827 vụ. Đây chỉ là thống kê được của riêng Công ty Công viên cây xanh, còn nếu cộng thêm các công ty khác thì số vụ cây bật gốc, tét nhánh trên toàn TP sẽ lớn hơn.

Ở TP HCM, phần lớn cây xanh được giao cho Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP quản lý, sau đó Sở GTVT phân cấp về cho các khu quản lý giao thông đô thị số 1, 2, 3, 4 và Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn. Sau đó, các đơn vị tổ chức đấu thầu các gói thầu chăm sóc, duy tu, bảo dưỡng cây xanh nhằm bảo đảm sự phát triển của cây cũng như an toàn của người dân. Ngoài ra, một số cây xanh trên nhiều tuyến đường được phân cấp do UBND các quận, huyện quản lý. Đại diện Công ty Công viên cây xanh TP cho biết hiện có nhiều công ty tư nhân cũng tham gia đấu thầu chăm sóc, bảo dưỡng cây xanh, chưa kể các công ty dịch vụ công ích quận, huyện cũng được giao chăm sóc cây xanh thuộc sự quản lý của UBND quận, huyện.

Bị cây đè, phải ráng chịu! - Ảnh 1.

Chiếc ôtô đậu trong bãi giữ xe của Công viên Kỳ Hòa bị cây xanh đè bẹp dúm trong cơn mưa chiều 7-6. Ảnh: ĐÔNG NGUYỄN

"Né" bồi thường

Trở lại câu chuyện cây đổ đè bẹp ôtô trong Công viên Kỳ Hòa, chủ nhân một chiếc ôtô gặp họa cho rằng cơ quan chức năng chẳng chịu trách nhiệm gì cả. Vì vậy, anh này và chủ bãi giữ xe thống nhất mỗi bên chịu một nửa. Tương tự, vụ cây cổ thụ đổ đè sập nhà ở quận 8 khiến một bé gái bị thương, những người gặp họa cũng cho hay chẳng nghe cơ quan chức năng đả động gì đến trách nhiệm bồi thường (!?).

Đại diện Công ty Công viên cây xanh TP cho rằng khi xảy ra các sự cố cây xanh thì công ty đều hỗ trợ đưa nạn nhân đến bệnh viện, chịu chi phí thuốc thang cho "phải đạo lý" chứ các văn bản pháp lý về bồi thường cho trường hợp này chưa rõ ràng. Lý giải cụ thể hơn, vị này cho biết Công ty Công viên cây xanh cũng như các công ty tư nhân khác đều là đơn vị "làm thuê" cho các chủ đầu tư, việc chăm sóc, duy tu đều theo hợp đồng. Trong quá trình đi kiểm tra, các nhân viên phát hiện cây xanh nào không an toàn và muốn cắt tỉa, đốn hạ thì phải báo cáo chủ đầu tư, nếu chủ đầu tư đồng ý thì mới thực hiện. "Công ty chỉ làm thuê, chủ của cây xanh là Sở GTVT nên nếu bắt công ty bồi thường thì không hợp lý" - vị này phân trần.

Trong khi đó, ông Võ Văn Điệp, Trưởng Phòng Quản lý cây xanh Sở GTVT TP, nêu quan điểm cần xác định rằng tai nạn do cây xanh ngã gây ra là ngoài sự mong muốn. Còn về trách nhiệm, nếu cây xanh bị nghiêng hoặc sam vọc (rỗng ruột) mà không phát hiện kịp thời dẫn đến ngã, gây tai nạn thì việc đó thuộc về Sở GTVT.

Tuy nhiên, ông Điệp cũng thừa nhận việc đền bù cụ thể, đến nay chưa có quy định nào nêu rõ kinh phí bồi thường được lấy từ đâu. Để giải quyết vấn đề này, sở đã kiến nghị UBND TP xây dựng quỹ hỗ trợ các sự cố do cây xanh gây ra nhưng chưa nhận được sự đồng thuận của các cơ quan chức năng. Do đó hiện nay vẫn áp dụng Quyết định 29 của UBND TP về thăm hỏi các nạn nhân do thiên tai gây nên, chủ yếu là động viên.

Kiện ra tòa!

Không đồng tình, luật sư Huỳnh Công Thư, Đoàn Luật sư tỉnh Long An, cho rằng đơn vị nào được giao quản lý cây xanh thì đơn vị đó phải chịu trách nhiệm bồi thường về tính mạng hoặc tài sản cho người dân bị thiệt hại do cây xanh gây ra.

Luật sư Thư phân tích: Các công ty ký hợp đồng chăm sóc cây xanh thì phải bảo đảm cho cây xanh sinh trưởng tốt và an toàn. Vì vậy, việc để xảy ra sự cố kiểu trời không có gió mạnh nhưng cây vẫn bật gốc là làm không hết trách nhiệm và phải bồi thường. Kế đến, các đơn vị chăm sóc cây xanh và cả cơ quan quản lý nhà nước không được lấy lý do bất khả kháng để né trách nhiệm bồi thường. Bởi theo luật sư Thư, bất khả kháng chỉ có thể xét khi giông gió, lốc xoáy đến bất thình lình; còn ở đây là mùa mưa, việc cây ngã, gãy là điều biết trước nên các đơn vị phải có biện pháp phòng tránh như đốn hạ cây hoặc nhánh cây mất an toàn.

"Khi bị cây đè hoặc rớt trúng làm bị thương hoặc hư tài sản thì người dân cần tìm hiểu xem Công ty Công viên cây xanh TP hay là công ty khác chăm sóc cây xanh đó để đòi bồi thường. Nếu các đơn vị chăm sóc cây xanh không bồi thường thì người bị thiệt hại có thể khởi kiện ra tòa để đòi quyền lợi" - luật sư Thư gợi ý. 

Xin thêm tiền và thiết bị

Công ty Công viên cây xanh TP HCM cho hay đơn vị này vừa kiến nghị Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP hỗ trợ thêm cho công ty 20 cưa máy, 3 máy phát điện, 4 xe cẩu thang dài 24 m,… để chủ động giải quyết các sự cố do cây xanh ngã đổ trong mùa mưa bão.

Ngoài ra, đơn vị này cũng đề nghị được hỗ trợ kinh phí trực giải quyết sự cố cây xanh từ ngày 30-4 đến 31-12 với tổng số tiền 568 triệu đồng.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo