Theo đó, nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi như: Sử dụng đất trồng lúa vào mục đích khác không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép theo quy định tại các điểm a và d khoản 1 điều 57 của Luật Đất đai; sử dụng đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất vào mục đích khác không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép theo quy định tại các điểm c và d khoản 1 điều 57 của Luật đất đai.
Bên cạnh đó, sử dụng đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa, không phải là đất rừng phòng hộ, không phải là đất rừng đặc dụng, không phải là đất rừng sản xuất vào mục đích khác không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép theo quy định tại các điểm b và d khoản 1 điều 57 của Luật Đất đai; sử dụng đất trong nhóm đất phi nông nghiệp vào mục đích khác không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép theo quy định tại các điểm đ, e và g khoản 1 điều 57 của Luật Đất đai…
Ngoài ra, các hành vi như: Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa không đúng quy định; sử dụng đất vào mục đích khác thuộc trường hợp phải đăng ký mà không đăng ký theo quy định; lấn, chiếm đất; hủy hoại đất; gây cản trở hoặc thiệt hại cho việc sử dụng đất của người khác; không đăng ký đất đai; chuyển quyền, cho thuê, thế chấp bằng quyền sử dụng đất khi không đủ điều kiện theo quy định tại khoản 1 điều 188 của Luật Đất đai… cũng bị xử phạt theo quy định.
Về hình thức xử phạt khắc phục hậu quả gồm: Tịch thu các giấy tờ đã bị tẩy xóa, sửa chữa, làm sai lệch nội dung; giấy tờ giả đã sử dụng trong việc sử dụng đất; tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động dịch vụ tư vấn trong lĩnh vực đất đai từ 6-9 tháng hoặc đình chỉ hoạt động dịch vụ tư vấn trong lĩnh vực đất đai từ 9-12 tháng.
Nghị định cũng quy định các biện pháp khắc phục hậu quả, như: Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm (UBND cấp tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế ở địa phương để quy định mức độ khôi phục đối với từng loại vi phạm quy định tại nghị định này); buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm theo quy định tại nghị định này; buộc thực hiện thủ tục hành chính về đất đai; buộc trả lại đất sử dụng không đúng quy định. Buộc chấm dứt hợp đồng thế chấp bằng quyền sử dụng đất; buộc hoàn trả tiền chuyển nhượng, tiền cho thuê, tiền cho thuê lại đất không đúng quy định của pháp luật trong thời gian sử dụng đất còn lại…
Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 5-1-2020, thay thế Nghị định số 102/2014/NĐ-CP ngày 10-11-2014 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. Bãi bỏ điểm đ khoản 3 và điểm i khoản 6 điều 57 của Nghị định số 139/2017/NĐ-CP ngày 27-11-2017 của Chính phủ.
Bình luận (0)