"Em ơi, lâu đài tình ái đó, chắc không có trên trần gian…". Tiếng gào nhựa nhựa hơi men của anh hàng xóm giữa trưa hè nóng bức khiến tôi giật mình tỉnh giấc. Vậy là đi tong giấc ngủ trưa hiếm hoi vào ngày cuối tuần. Hết "Lâu đài tình ái" đến "Anh Ba Hưng" rồi đến "Chúng ta không thuộc về nhau", "Anh sai rồi"… Cứ thế, đủ các thể loại nhạc được anh hàng xóm và đám bạn hữu thi nhau "hét" trong cuộc nhậu đám giỗ, bất chấp con hẻm chỉ rộng khoảng 3-4 m và vào thời điểm 13 giờ.
Biết rồi, khổ lắm
Đấy là còn nhờ mùa World Cup, các "ca sĩ" bận dưỡng sức để thức đêm xem đá bóng. Bình thường, cứ vài ba hôm, xóm tôi lại được nghe nhạc miễn phí vào bất kỳ khung giờ nào: sáng, trưa, chiều tối, thậm chí kéo đến tận khuya, nhất là vào những ngày cuối tuần. Có những lúc, hai nhà kế nhau cùng đồng thanh với âm lượng càng lúc càng lớn như đang thi nhau. Nhà tôi có hai lớp cửa mà các cháu nhỏ cũng không thể tập trung học bài, người già mệt mỏi vì không thể nghỉ ngơi.
Tiếng ồn từ nhạc karaoke là chuyện "biết rồi, khổ lắm, nói mãi", dù đã có không ít vụ án mạng xảy ra nhưng nó vẫn tồn tại, trở thành nỗi ám ảnh của cư dân đô thị. Những nạn nhân của tiếng ồn phải chịu đựng vì không biết kêu ai mà có kêu thì cũng không thay đổi được gì. Bản thân tôi có lần chịu hết nổi đã lên UBND phường cầu cứu, được cán bộ phường hứa xuống kiểm tra, nhắc nhở nhưng sau đó "vũ như cẩn". Rồi có lần bức xúc phản ánh trong cuộc họp tổ dân phố, ngoài sự chia sẻ đồng cảm của một số người đồng cảnh ngộ, tôi còn nhận được những câu nói kháy, những cái lườm nguýt đến lạnh xương sống của "người bị tố cáo" để rồi những lần sau, tiếng hát vọng qua còn khí thế hơn.
Những chiếc loa công suất lớn là thủ phạm gây ô nhiễm tiếng ồnẢnh: Hoàng Triều
Xử lý khó khăn
Chuyện của tôi có lẽ không thấm vào đâu so với những gia đình phải sống gần các cửa hàng, cửa hiệu, quán nhậu…, trong đó có gia đình bạn tôi. Nhà cha mẹ bạn nằm lọt thỏm trên cung đường ăn nhậu, quanh năm suốt tháng phải chịu đựng tiếng nhạc đinh tai nhức óc từ những chiếc loa công suất lớn, tiếng ồn ào từ thực khách quá chén. Một chút thời gian để nghỉ ngơi, xem tivi buổi tối là điều xa xỉ. Chính vì mất ngủ khi phải sống trong tiếng ồn triền miên, mới đây, cha mẹ già của bạn phải qua nhà con gái tá túc vì bệnh tim tái phát.
Theo tôi tìm hiểu, hành vi gây ồn ào trong khu dân cư có cơ sở pháp lý để xử lý. Đó là Luật về Bảo vệ môi trường; các Nghị định 167/2013/NĐ-CP về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, Nghị định 155/2016/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường... Quy định có, địa chỉ để giải quyết cũng có nhưng rất hiếm khi cá nhân, tổ chức vi phạm bị xử lý. Theo cách giải thích như chính quyền địa phương tôi là: "Khó xử lý quá".
Còn theo một người bạn luật sư phân tích thì việc xử phạt hành chính những trường hợp này phải căn cứ vào luật cũng như các nghị định cụ thể. Theo đó, muốn ra quyết định xử phạt, phải xác định được mẫu tiếng ồn, mức ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật và phải có thiết bị chuyên dụng để đo tiếng ồn vào đúng thời điểm đó. Tức phải đưa ra bằng chứng mới xử phạt được, không thể chỉ căn cứ theo tai nghe hoặc người dân báo cáo, thậm chí lực lượng chức năng nói ồn mà không có bằng chứng tiếng ồn vượt giới hạn cho phép thì cũng... chào thua. Đó cũng là lý do mà luật có... như không, còn người dân ngoài việc than phiền, chịu đựng thì cũng chẳng biết phải làm gì.
Thành lập tổ phản ứng nhanh
Phó Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thị Thu vừa chỉ đạo các sở, ngành, quận, huyện cung cấp đường dây nóng để người dân phản ánh tình trạng ô nhiễm tiếng ồn. Đồng thời, các nơi này phải thành lập tổ phản ứng nhanh để kịp thời có mặt xử lý khi nhận được tin báo.
Bình luận (0)