Tục ngữ có câu: “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”. Đó là kinh nghiệm được cha ông đúc kết từ xa xưa để răn dạy con cháu nên đi đây, đi đó để học điều hay lẽ phải, trau dồi kiến thức, nâng tầm hiểu biết. Tuy nhiên, hiện một số cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức đã lợi dụng việc đi tham quan, học tập kinh nghiệm vì mục đích hoàn toàn khác để rút tiền ngân sách và là một trong những nguyên nhân dẫn đến nợ nần bởi các khoản chi tiếp khách “khủng”.
Thực tế, nhiều cơ quan, đơn vị cuối năm các khoản chi đặc thù (không tự chủ) hoặc các khoản tiền từ các chương trình, dự án đang còn, chưa giải ngân hết (nếu không chi hết thì phải nộp vào ngân sách) nên đã cố tình “đẻ” ra nội dung “học tập, trao đổi kinh nghiệm”, tổ chức các đoàn đi đến các tỉnh thành khác, thậm chí ra cả nước ngoài.
Ngoài ra, lấy lý do đi “học tập, trao đổi kinh nghiệm” nhiều cá nhân, tổ chức lấy tiền từ ngân sách được cấp cho công tác chuyên môn để chi cho tham quan, du lịch, phục vụ lợi ích của một số ít người có chức, có quyền và gia đình của họ. Trong khi nhiều nội dung công việc rất cần kinh phí để triển khai thì không được quan tâm, bố trí, nhất là kinh phí dành cho phúc lợi.
Bên cạnh đó, những địa phương được đoàn ghé thăm cũng phải bỏ thời gian, kinh phí để tiếp đón chu đáo dẫn đến có nơi lâm vào cảnh nợ nần, bê trễ công việc, gây khó khăn cho người dân khi quan hệ công tác...
Thiết nghĩ, cần có quy định nghiêm cấm việc tổ chức các chuyến tham quan, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm của các cơ quan, tổ chức sử dụng ngân sách nhà nước. Trường hợp đặc biệt, cần thiết đi thực tiễn để tham khảo, tìm hiểu mô hình hay, cách làm tốt thì phải xin phép và được sự đồng ý của cấp trên trực tiếp. Điều này nhằm phòng ngừa, hạn chế tình trạng lợi dụng “học tập, trao đổi kinh nghiệm” để tham nhũng, gây lãng phí, chi tiêu sai nguyên tắc ngân sách nhà nước.
Bình luận (0)