Thông tin từ báo chí cho biết sáng 7-12, trong buổi làm việc với chính quyền quận Liên Chiểu (TP Đà Nẵng), gia đình ông Ngô Văn Quang (giám đốc một công ty vàng ở Quảng Nam) đã xin tự tháo dỡ công trình trái phép trên núi Hải Vân, không để cơ quan chức năng cưỡng chế. Hôm nay (8-12), UBND quận Liên Chiểu sẽ làm việc với các ngành chức năng của TP Đà Nẵng để đi đến quyết định cuối cùng về biện pháp xử lý.
Không có lý do để tồn tại
Trước đó, dư luận cả nước “dậy sóng” trước thông tin các cơ quan chức năng TP Đà Nẵng tạm dừng tháo dỡ “biệt phủ” trị giá hơn 100 tỉ đồng của ông Quang. Đây là một trong 2 “biệt phủ” xây dựng trái phép ở Đà Nẵng “tốn nhiều giấy mực” của các cơ quan báo chí thời gian qua (căn biệt thự còn lại của nguyên giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam, đã tháo dỡ theo quyết định của các cơ quan chức năng Đà Nẵng). Lý do tạm dừng tháo dỡ mà các cơ quan chức năng TP Đà Nẵng đưa ra là chờ ý kiến chỉ đạo của Tổng Thanh tra Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
Đọc thông tin này, tôi hết sức ngạc nhiên. Vụ việc xây dựng trái phép đã được cơ quan chức năng TP Đà Nẵng kết luận quá rõ ràng. Căn “biệt phủ” xây trái phép, ở khu vực cấm thì không có lý do gì để tồn tại. Chính vì vậy mà HĐND TP Đà Nẵng đã ban hành nghị quyết liên quan đến vấn đề này và giao các cơ quan chức năng TP Đà Nẵng tiến hành thực thi pháp luật, tháo dỡ công trình xây trái phép. Nghị quyết đã có hiệu lực thi hành. Việc đình chỉ hoặc bãi bỏ thi hành nghị quyết của HĐND chỉ có những chủ thể được quy định tại Hiến pháp 2013 mới có thẩm quyền. Đó là Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ.
Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ chỉ đình chỉ thi hành nghị quyết của HĐND tỉnh, TP thuộc trung ương khi nghị quyết này ban hành chứa đựng nội dung trái Hiến pháp, luật và các văn bản của cấp trên, chứ không phải được đình chỉ trong mọi trường hợp. Hơn nữa, đến hiện tại, không có một văn bản nào của 2 chủ thể nói trên xác định nghị quyết của HĐND TP Đà Nẵng liên quan đến việc tháo dỡ “biệt phủ” của ông Quang là trái luật nên nghị quyết này vẫn có hiệu lực thi hành.
Mặt khác, Thường trực HĐND TP Đà Nẵng vẫn khẳng định không thay đổi quan điểm, các cá nhân có liên quan phải thực thi đúng nghị quyết do cơ quan này đề ra. Như vậy đã rõ, việc UBND TP Đà Nẵng tạm dừng tháo dỡ “biệt phủ” là trái luật, gây bất bình trong dư luận là điều dễ hiểu.
Công bằng trong thực thi pháp luật
Thời gian qua, trên cả nước đã để xảy ra nhiều vụ việc xây dựng không phép, sai phép hết sức nghiêm trọng. Một số trường hợp xin nộp tiền để được tồn tại và được chấp nhận với lý do không ảnh hưởng đến quy hoạch… Việc làm này đã phá vỡ những nguyên tắc thực thi pháp luật, tinh thần thượng tôn pháp luật đã bị thách thức, kỷ cương phép nước bị xem thường. Một số ý kiến còn gay gắt hơn khi cho rằng đã có những biểu hiện cho thấy “đa kim ngân phá luật lệ”, tính nghiêm minh của pháp luật bị xem nhẹ.
Việc xây dựng kỷ cương phép nước, nhà nước pháp quyền sẽ không thể thực hiện được nếu cứ tiếp tục những câu chuyện “dùng tiền nộp phạt để xin tồn tại” của các đại gia lắm tiền nhiều của nhưng ý thức chấp hành pháp luật lại kém. Bản chất của pháp luật là công bằng với tất cả mọi công dân, vậy thì không có lý do gì người dân nghèo xây dựng trái phép những mái lều che nắng che mưa, những căn nhà cấp 4 lụp xụp để có chỗ sinh sống thì bị cưỡng chế tháo dỡ, còn những công trình tiền tỉ xây trái phép thì được tồn tại. Nếu cứ tiếp tục thế này thì mục tiêu xây dựng “nhà nước pháp quyền” còn xa lắm.
Vẫn chưa “trảm” biệt thự trái phép
Sáng 7-12, UBND quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng đã làm việc với đại diện gia đình ông Ngô Văn Quang để thông báo chỉ đạo của UBND TP Đà Nẵng. Ông Phạm Minh, Chánh Văn phòng UBND quận Liên Chiểu, cho biết ông Quang không đến làm việc mà cử 2 đại diện gia đình đi thay.
Tại buổi làm việc, UBND quận Liên Chiểu đã thông báo kết luận của UBND TP Đà Nẵng về việc chỉ đạo UBND quận Liên Chiểu xử lý công trình không phép của ông Quang theo quy định. Đại diện gia đình ông Quang đã nhận sai và xin tự tháo dỡ chứ không để chính quyền cưỡng chế.
Cũng theo ông Minh, hôm nay (8-12), UBND quận Liên Chiểu sẽ làm việc với các ngành chức năng của TP Đà Nẵng để đi đến quyết định cuối cùng về biện pháp xử lý công trình biệt thự của ông Quang. Sau khi có quyết định chính thức, UBND quận Liên Chiểu sẽ gia hạn cho ông Quang 10 ngày để tự tháo dỡ. Sau thời gian đó, nếu gia đình không thực hiện thì UBND quận sẽ tiến hành cưỡng chế.
B.Vân
Bình luận (0)