Bãi biển Sầm Sơn ở thị xã Sầm Sơn là một trong những bãi biển đẹp nhất của Thanh Hóa và các tỉnh, thành miền Trung. Mỗi năm, Sầm Sơn đón hàng triệu lượt du khách đến tắm biển, tham quan. Tuy nhiên, gần đây, bờ biển Sầm Sơn bị xâm thực mạnh ở khu vực bãi D. Một phần diện tích bãi cát bị biển “nuốt” dần, đe dọa bãi tắm và tuyến đường Hồ Xuân Hương mới được đầu tư hàng trăm tỉ đồng.
Cuốn phăng cây cối, đất cát
Theo phản ánh của người dân, bãi biển phía trước thôn Hồng Thắng và thôn Cường Thịnh, xã Quảng Cư đang bị xâm thực rất mạnh. Sóng “ngoạm” sâu vào bờ cuốn phăng hết cây cối, đất cát.
Một đoạn bờ biển dài khoảng 200 m ngày càng ăn sâu vào đất liền. Mỗi lần thủy triều lên, nước biển dâng cao tiến gần vào đường Hồ Xuân Hương. Những rặng phi lao đã bật gốc. Nhiều công trình, bờ kè thuộc Dự án Không gian du lịch biển Sầm Sơn cũng bị sóng đánh tung, trơ móng, một số bức tường, bê-tông vỡ vụn, gãy đổ. Tại khu vực này, căn nhà của Tổ Chỉ huy an ninh trật tự thị xã Sầm Sơn và một quầy bán hàng sát biển của Tập đoàn FLC đã bị sóng tấn công vào nền, nhiều chỗ trơ móng, gãy vỡ, nứt… rất nguy hiểm.
Để đối phó tình trạng xâm thực, đơn vị thi công đã đưa ra các giải pháp tình thế, như: dùng lưới thép bọc đá, cọc nhồi bằng sắt, ống cống và những khối bê-tông lớn ngăn nước biển nhưng sóng dữ vẫn tiến sâu vào phá hủy, gây hư hỏng.
“Trước đây sóng biển thường cách bờ hàng chục mét. Do người ta hút cát để làm các công trình nên các lạch ngầm đổi dòng, làm sóng biển tiến sâu bào bờ và hung dữ hơn. Trời yên biển lặng thì không sao, nếu có mưa bão thì tình hình sẽ rất phức tạp vì đoạn xâm thực này chỉ cách đường Hồ Xuân Hương vài mét” - người dân thôn Hồng Thắng lo lắng.
Đê biển hại bãi tắm?
Trước đây, sóng biển từng “ngoạm” sát vào đường Hồ Xuân Hương. Chính quyền thị xã Sầm Sơn đã tiến hành kè đoạn này rồi dùng đá hộc mang ra đổ để nắn dòng nên đã xử lý được.
Gần đây, khi xây dựng sân golf và khách sạn ở bãi biển này, nhà đầu tư đã làm một hệ thống đê kè chạy sát ra bãi D, đồng thời hút rất nhiều cát từ biển thì hiện tượng xâm thực xuất hiện trở lại và ngày càng mạnh hơn. “Nếu tình trạng này không được khắc phục thì bãi D sẽ biến mất trong nay mai. Hiện nay, khu vực này nước rất sâu, bãi cát đang mất dần” - một người dân băn khoăn.
Ông Lương Văn Hoàng, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Cư, cho biết đoạn bờ biển chạy qua địa bàn xã bị xâm thực mạnh do vừa qua xuất hiện một số đợt triều cường khiến sóng dâng cao đánh mạnh vào. “Địa phương đã báo cáo UBND thị xã để tìm hướng xử lý, khắc phục” - ông Hoàng thông tin.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Văn Đình Trung, Trưởng Phòng Quản lý đô thị thị xã Sầm Sơn, cho biết điểm sạt lở nêu trên xảy ra khoảng hơn 1 tháng nay. Đoạn bị nặng nhất dài hơn 100 m, sóng biển đánh vào sát bờ gây xói lở, sụt lún. “Lãnh đạo thị xã đã đến kiểm tra khu vực này, yêu cầu chúng tôi làm báo cáo gửi UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan để nhờ đưa ra hướng xử lý” - ông Trung nói.
Theo ông Trung, điểm tiếp giáp giữa bãi tắm D với đoạn đê kè cũng xảy ra tình trạng xói lở rất mạnh khiến đất cát khu vực này bị tụt sâu, bãi biển thu hẹp dần. “Việc xâm thực bờ biển ở Sầm Sơn đã diễn ra từ rất lâu rồi nhưng không mạnh như hiện nay. Việc hút cát cũng có thể là nguyên nhân nhưng không thể khẳng định được vì chưa có căn cứ. Chúng tôi đang lo lắng và mong tỉnh xử lý như thế nào cho khoa học chứ đê biển xây đến đâu là bãi tắm bị đe dọa đến đó” - ông Trung bày tỏ.
Theo trưởng Phòng Quản lý đô thị thị xã Sầm Sơn, việc ngăn chặn bờ biển bị xâm thực vượt quá khả năng của thị xã nên phải chờ cấp trên nghiên cứu đưa ra giải pháp.
Bình luận (0)