Đầu năm 2017, TP Hà Nội dự kiến ban hành 2 bộ quy tắc ứng xử: Quy tắc ứng xử nơi công cộng và Quy tắc ứng xử cơ quan, đơn vị hành chính. Trong đó, quy định về cách ăn mặc của cán bộ công chức nhận được nhiều quan điểm khác nhau.
Phù hợp
TS Nguyễn Văn Vịnh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu xã hội và phát triển, cho rằng việc đưa ra bộ quy tắc ứng xử với công chức, viên chức là cần thiết nhưng cần mềm dẻo, linh hoạt. Điều cần quy định nhất là công chức phải đi làm đúng giờ, lễ phép đúng mực với người dân, xử lý công việc đúng pháp luật và đúng thời hạn.
“Nhiều người có ý kiến trước quy định công chức không được xăm trổ, tôi thấy quy định này là hợp lý và cũng không phải là vi phạm tự do cá nhân. Thực tế, nếu đã vào làm việc tại một tổ chức nào đó thì tất nhiên phải theo quy định của tổ chức ấy, không thể viện dẫn quyền tự do cá nhân được. Đặc biệt là công chức, viên chức thì càng phải làm nghiêm. Thử tưởng tượng người dân đến một cơ quan nhà nước xin giấy tờ mà thấy một anh cán bộ đeo kính râm, xăm trổ đầy người, trên cổ, trên tay đeo cái dây xích to đùng… Thật sự người ta cũng ngại khi gặp công chức như thế chứ” - TS Vịnh nói.
TS Vịnh nhấn mạnh rất phản cảm khi công chức “ăn cắp” thời gian, mời gọi bán hàng trong giờ làm việc, phòng làm việc chất hàng như tạp hóa, cơ quan giao việc thì nhân viên bảo bận nhưng thời gian đi làm thì lại dành để đi giao hàng.
TS Nguyễn Hữu Tri, Viện trưởng Viện Đào tạo nghiên cứu về tổ chức và hành chính, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, cũng đồng tình với việc ban hành bộ quy tắc ứng xử với công chức, viên chức. Tuy nhiên, TS Tri cho rằng cần có những quy định cụ thể cho từng cơ quan, công việc bởi mỗi cơ quan có công việc, hoạt động khác nhau. Ngoài ra, để bộ quy tắc này đi vào cuộc sống, cần phải có cơ chế buộc các cơ quan thực hiện.
“Cán bộ, công chức không nên xăm hình lên người. Không quy định trong luật nhưng đưa vào quy chế đối với cán bộ công chức cũng là phù hợp. Riêng về trang phục, không được quá phản cảm nhưng không cứng nhắc, phải đa dạng, tùy thuộc quan điểm từng người và đặc trưng từng cơ quan. Ví dụ cô giáo đến lớp, cán bộ nhà nước đến công sở, nghệ sĩ, người làm trong lĩnh vực nghệ thuật… Mỗi nghề có phong cách ăn mặc riêng. Ở Đức, sinh viên lên giảng đường có thể mặc quần bò, áo phông nhưng vào phòng thi phải mặc áo vét và thắt cà vạt, nếu không thực hiện không được vào phòng thi” - TS Tri phân tích.
“Cứng” quá sẽ khó đi vào cuộc sống
Trong khi đó, GS Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa Việt Nam, cho rằng nếu bộ quy tắc ứng xử “cứng” quá sẽ khó đi vào cuộc sống. Vì thế, nên coi bộ quy tắc ứng xử là quy định tham khảo để ai có điều kiện thì làm theo.
Nhà văn Dương Bình Nguyên thẳng thắn nhận xét bộ quy tắc ứng xử với công chức, viên chức khá mơ hồ, không thực tế. “Ví dụ quy định sử dụng trang sức, mỹ phẩm, nước hoa phải phù hợp. Vậy như thế nào là phù hợp? Hay váy như thế nào là ngắn? Ai sẽ là người kiểm tra? Có thêm những quy định (với điều kiện các quy định đó không vi phạm pháp luật) thì sẽ tốt hơn là không có nhưng để nó đi vào đời sống thì không dễ” - nhà văn Dương Bình Nguyên lưu ý.
Còn nhà thiết kế Thuận Việt thì cho rằng quy định về trang phục là cần thiết vì trang phục phần nào thể hiện bộ mặt văn hóa của mỗi người. Thực tế, ở các công ty nước ngoài, vấn đề trang phục được quy định rất rõ ràng. Một cái cà vạt xộc xệch của nhân viên cũng ảnh hưởng đến bộ mặt văn hóa của cả công ty.
“Về nước hoa, mỹ phẩm, Việt Nam có khí hậu nhiệt đới nóng ẩm nên hương thơm cũng ảnh hưởng đến người xung quanh, đặc biệt với những người bị dị ứng mùi hương. Thế nhưng, đây cũng là quyền của mỗi người, họ có quyền sử dụng những gì họ thích. Vậy nên, giải pháp tốt nhất là kêu gọi mọi người có những lựa chọn phù hợp với môi trường làm việc. Bởi lựa chọn cá nhân có ảnh hưởng đến văn hóa nơi làm việc. Sự phân biệt rõ ràng giữa đi làm và đi chơi là điều cần thiết” - nhà thiết kế Thuận Việt nêu ý kiến.
Xét về tính khả thi của bộ quy tắc ứng xử, theo luật sư Lê Nguyễn Quỳnh Thi (Đoàn Luật sư TP HCM), đối với công chức, viên chức, những người đang làm việc trong các cơ quan nhà nước thuộc TP Hà Nội thì bộ quy tắc này đương nhiên sẽ khả thi vì những người này chịu sự chi phối mang tính pháp lý. Vấn đề cần đặt ra quan trọng hơn là bộ quy tắc đã đưa ra chế tài đối với những trường hợp vi phạm như thế nào? Nếu có quy định mà không có chế tài thì quy định đó cũng chỉ tồn tại trên giấy.
Một số quy tắc
Trong bộ quy tắc ứng xử dành cho công chức, viên chức ở Hà Nội quy định cán bộ công chức đi làm việc phải mặc áo có ống tay, cổ áo, nếu mặc váy thì phải dài đến đầu gối, không xăm hình, vẽ hình phản cảm; sử dụng trang sức, mỹ phẩm, nước hoa phải phù hợp...; không nói tục, không tụ tập làm việc riêng trong hoặc ngoài cơ quan, không nấu nướng thực phẩm trong phòng làm việc; không hút thuốc, không sử dụng đồ uống có cồn, không hát karaoke trong giờ làm việc, không đeo tai nghe, bật nhạc, nghe nhạc, xem tivi, nghe đài, chơi điện tử trong giờ hành chính; không lưu giữ, phát tán hình ảnh có nội dung đồi trụy, không có hành vi quấy rối dưới mọi hình thức, kể cả bằng lời nói, cử chỉ…
Bình luận (0)