Câu hỏi đặt ra là cơ quan hữu trách bó tay hay ngó lơ cho các phòng khám này hoạt động?
Thời gian qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng liên tục xuất hiện thông tin người dân tố cáo phòng khám có bác sĩ Trung Quốc hành nghề (PKTQ) với hàng loạt biểu hiện sai phạm. Riêng hôm nay, tôi lại một lần nữa đau lòng khi đọc bài viết "Biến bệnh nhân thành con nợ!" đăng trên Báo Người Lao Động.
Việc sai phạm của PKTQ đang trở thành vấn đề nhức nhối của xã hội, được đông đảo người dân quan tâm. Thế nhưng, mọi chuyện vẫn chưa được ngành y tế giải quyết một cách triệt để. Đây là điều đáng để dư luận xã hội đặt ra nhiều nghi vấn và quan ngại về nhiều mặt, liệu cơ quan hữu trách bó tay hay đang ngó lơ trước sự tung hoành của các phòng khám nói trên?
Xét về góc độ pháp lý, chúng ta đã có "Luật Khám chữa bệnh" cùng nhiều văn bản pháp luật đủ để "trảm" các sai phạm của các phòng khám trên.
Tôi không thể chấp nhận cách trả lời của ông Bùi Minh Trạng, Chánh Thanh tra Sở Y tế TP HCM, khi trao đổi với báo chí: "Hoạt động khá tinh vi nên khó khăn trong công tác kiểm tra, xử lý. Chuyện lừa gạt chỉ có người bệnh và phòng khám biết". Đó là câu trả lời "đá" trách nhiệm.
Nhiều PKTQ liên tục bị tố cáo là gây hậu quả rất nặng nề cho người dân về mặt sức khỏe, tinh thần, tài chính…, trong khi cơ quan chức năng chỉ xử lý sai phạm bằng hình thức xử phạt thì mang tính chất qua loa "chiếu lệ".
Vừa qua, Sở Y tế TP HCM thông tin phạt 22 phòng khám có yếu tố nước ngoài với số tiền 1,5 tỉ đồng. Nếu số tiền này, so sánh khoản lời mà PKTQ "vẽ bệnh" thì sẽ thấy rõ như phạt kiểu gãi ngứa.
Điều này dẫn đến thực trạng PKTQ liên tục bị tố cáo nhưng vẫn nhởn nhơ hoạt động, dẹp rồi sẽ xin giấy phép mới do người mới đứng tên.
Theo tôi, trường hợp bị tố cáo nhiều như vậy thì Sở Y tế phải tiến hành xem xét vận dụng luật định để tạm đình chỉ hoạt động cơ sở theo đúng "Quy định về giải quyết khiếu nại trong lĩnh vực y tế ".
Theo dõi phản hồi của các cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực y tế trên báo chí về tệ nạn do các PKTQ gây nên, nếu nhận diện nghiêm túc thì vấn đề triệt PKTQ sai phạm là không quá khó. Thế nhưng, tôi chưa thấy có vị nào thẳng thắn nhìn nhận trách nhiệm về vấn đề này.
Tôi cho rằng cơ quan quản lý nhà nước về y tế cần thực hiện các biện pháp xử lý mạnh hơn, thậm chí là mạnh tay xóa bỏ, loại trừ các cơ sở y tế hoạt động thiếu năng lực chuyên môn, y đức như tình trạng các PKTQ đã gây ra nhằm loại trừ những hậu quả đáng tiếc mà cơ sở này mang lại cho người dân.
Về góc độ pháp lý, tôi cho rằng "Chứng chỉ hành nghề" của các bác sĩ Trung Quốc được Bộ Y tế cấp và "Giấy phép hoạt động" của các PKTQ không phải là "kim bài miễn tử". Bởi lẽ sau khi cấp phép hoạt động thì quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, thanh tra y tế sở tại phải tiến hành thanh tra, kiểm tra duy trì thường xuyên, kịp thời phát hiện để loại trừ mọi vấn đề tiêu cực nhạy cảm mà xác suất xảy ra rất cao tại các loại hình phòng khám này.
Theo tôi, đối với bệnh nhân là nạn nhân của các PKTQ, khi điều trị và bị "chặt chém", "vẽ bệnh" hay phát hiện sai phạm của PKTQ thì nên mạnh dạn tố cáo với cơ quan thanh tra y tế sở tại.
Trong mọi trường hợp, nếu các PKTQ gây thiệt hại nghiêm trọng đến sức khỏe, nhân phẩm, tính mạng con người, có dấu hiệu cấu thành tội phạm thì Sở Y tế phải chuyển hồ sơ sang cơ quan cảnh sát điều tra để xử lý hình sự.
Bình luận (0)