Có đến hàng trăm ý kiến của bạn đọc khởi đầu bằng một một cụm từ mang đầy sắc thái lạc quan như vậy.
Còn bạn đọc Công Nhân cho rằng "Những lời ngay thẳng của Bộ trưởng tôi nghĩ làm tất cả con dân nước Việt thấy ấm lòng. Đã lâu lắm rồi xem và đọc thời sự Việt Nam mới được như vậy”.
Và không chỉ ấm lòng, phát biểu của ông Huệ còn làm người dân cảm thấy một niềm lạc quan vô hạn vì ông đã “không chọn cách “gật gù”... để nhận sự ưu ái của các doanh nghiệp “lỗ” mà ông chọn con đường gai góc nhưng được kính trọng”.
Bạn Trần Khánh thì “Thật hả dạ vì có người quan tâm đến quốc gia dân tộc. Thật đau đớn khi thấy đất nước khó khăn, dân nghèo gia tăng bởi nạn thất nghiệp mà một số cá nhân chỉ muốn có lãi trên sự kinh doanh độc quyền mà mình có được. Tôi hoan nghênh Bộ trưởng, mong muốn Bộ trưởng hãy vì dân vì nước giữ vững lập trường để minh bạch hóa nền kinh tế, phát triển đất nước vượt qua khó khăn hiện nay”.
Vui vẻ, lạc quan nhất có lẽ là ý kiến của bạn Bành Đức Duy: “Sáng nay đọc báo về phát biểu của Bộ Trưởng Huệ mà vui trong lòng và đầy niềm tin! Xin hoan hô ông Bộ trưởng và hoan hô Quốc hội vì đã phê chuẩn ông vào vị trí Bộ Trưởng Bộ Tài chính. Toàn dân sẽ ủng hộ và luôn tin tưởng nhiệt huyết của ông vì ông đã đặt quyền lợi của 80 triệu dân Việt Nam lên trên quyền lợi của các doanh nghiệp độc quyền”.
Với câu nói “Doanh nghiệp đừng có dọa Nhà nước” của Bộ Trưởng Vương Đình Huệ, bạn Trí Phúc cho rằng đó “xứng đáng là câu nói hay nhất trong tháng”. “Người dân tụi tôi sẵn sàng mua xăng với giá cao mà minh bạch còn hơn phải nghe bài ca thua lỗ của DN rồi bắt nhà nước phải bù lỗ...tiền bù lỗ đấy cũng là tiền đóng thuế của chúng tôi đấy ạ”.
Cùng quan điểm này, bạn đọc DânĐen nhận xét: “Doanh nghiệp đừng có dọa Nhà nước” là câu nói đáng hoan nghênh nhất của Bộ Trưởng Vương Đình Huệ, nó thể hiện quyền uy và tính nghiêm minh của Nhà nước trước vấn đề bức xúc của xã hội và trước một vài doanh nghiệp có ảnh hưởng trên thị trường gây áp lực với cơ quan quản lý”.
Theo DânĐen, “người dân lâu nay không bức xúc giá xăng dầu 20.000 hay hơn như vậy mà bức xúc vì vấn đề không minh bạch trong hoạt động kinh doanh xăng dầu”. Vì vậy, bạn đọc này “hơi tiếc với Bộ trưởng với câu: “Nếu cần công bố giá thật, tôi sẽ công bố giá thật..." Tại sao lại là nếu cần mà phải là rất cần với 80 triệu con người Việt Nam. Nhưng dù sao cũng cảm ơn Bộ trưởng...”.
Đồng quan điểm về việc minh bạch trong quản lý xăng dầu, bạn Lê Nguyễn Tường Lân nhận định: “Cơ chế thị trường phải minh bạch. Người làm quản lý không vì cơ chế "phong bì" để đồng thuận với những đòi hỏi vô lý của doanh nghiệp. Ủng hộ Bộ Trưởng Vương Đình Huệ không phải vì giảm 500đ/lít xăng. Ủng hộ vì cách đặt vấn đề và giải quyết vấn đề của ông”.
Còn bạn NVM viết: “Đêm qua tôi xem truyền hình thấy ông Vương Đình Huệ phát biểu mạnh mẽ và cụ thể quá, ông nói: "Tiền bình ổn giá không phải để trong nhà tổng giám đốc, tiền phải để trong ngân hàng và phải có lãi".
Đúng quá, tiền bình ổn giá phải do Bộ Tài Chính quản lý, thu bao nhiêu, chi bao nhiêu phải rạch ròi, minh bạch. Vì đó là tiền gởi của dân chứ không phải vốn "chùa" cho doanh nghiệp. Còn để ở doanh nghiệp thì chỉ có trời mới biết nó đi đâu về đâu. Hôm qua Bộ Trưởng Vương Đình Huệ đã nói hết sức rõ ràng”.
Bản lĩnh, thẳng thắn, trí tuệ, có tâm, có tầm... là những từ mà hàng trăm bạn đọc dành cho vị Bộ Trưởng Vương Đình Huệ. Và nhiều người tin rằng, với trí tuệ, bản lĩnh đó vị tân bộ trưởng này sẽ làm nên chuyện.
“Các doanh nghiệp đòi tăng giá nên biết rằng, Bộ Trưởng Huệ là từ dân kiểm toán mà ra. Tức có nghĩa là Bộ trưởng sẽ có cái nhìn sâu sắc đến tận cùng thấu chân tướng các vấn đề thuộc lĩnh vực tài chính từ bên trong ra bên ngoài” - lơ tơ mơ
Cũng với nhận định như vậy, bạn Trịnh Hà cho rằng “Với những vị trí mà trước đây Bộ Trưởng Huệ đã công tác, đặc biệt ở lĩnh vực kiểm toán, chắc chắn Bộ trưởng rất hiểu "mánh khoé" làm ăn của các ông chủ xăng dầu ở Việt Nam, cùng một lúc hưởng lợi từ nhiều khoản: Khoản bù lỗ vào xăng của người tiêu dùng, khoản tăng giá. Thật vô lý, khi nay tăng, mai tăng, chẳng biết vì lý do gì, xác đáng không? Cách thức làm việc, thái độ kiên quyết đó của Bộ Trưởng Huệ như một tinh thần chống tiêu cực thực sự”.
Theo bạn đọc TVD “Muốn phát triển nhanh, mạnh, bền vững và dân giàu nước mạnh Việt Nam đang rất cần những bộ trưởng như ông Huệ. Nghe các ông Bộ Công thương ý kiến mà chúng tôi cứ nghĩ đó là người của Hiệp hội doanh nghiệp chứ không phải cơ quan quản lý nhà nước nữa. Bộ này quản lý đa lĩnh vực mà hình như chỉ làm vai trò đại diện cho một vài doanh nghiệp, mà quên đi quyền lợi của hơn 80 triệu dân và hàng trăm ngàn doanh nghiệp khác...”
Hạnh phúc là cảm giác của bạn đọc đậu phộng: “Vào đầu nhiệm kỳ 2011-2016 này, tôi rất hạnh phúc khi hai vị đứng đầu ngành kinh tế của đất nước có những việc làm vì quyền lợi của quốc gia và vì người dân. Đó là đồng chí Tân Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình và đồng chí tân Bộ Trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ”.
Cũng như vậy, bạn đọc Lương Duy Lân cho biết: “Tôi bắt đầu có niềm tin vào chính phủ mới với những nhân vật cứng rắn và vì dân như ông Huệ, thống đốc Bình. Bộ Trưởng Huệ đã đưa thông tin phân tích hết sức hợp lý và vì lợi ích chung”.
Còn theo bạn NDV thì ông như “một luồng gió mới trong bộ máy lãnh đạo nhà nước. Người dân đang cần có những người có tài có đức như Bộ Trưởng Vương Đình Huệ”.
Bên cạnh những lời hoan hô, khen ngợi và tin tưởng Bộ Trưởng Vương Đình Huệ, nhiều bạn đọc cũng nhắn gởi đến ông những lời tâm huyết.
Bạn đọc namphuongvt cho rằng: “Tinh thần của tân Bộ Trưởng Bộ Tài chính là rất đáng trân trọng, nhưng nếu đã nói thì phải cương quyết làm rõ vấn đề và công khai cho dân chúng biết. Thủ tướng Chính phủ cũng cần quan tâm chỉ đạo rốt ráo để hài hòa lợi ích các bên, chấm dứt tình trạng doanh nghiệp than lỗ triền miên nhưng không thấy phá sản. Đừng để độc quyền thì muốn nói gì thì nói!”
Cùng quan điểm này, bạn Long Tran tỏ ra lo lắng cho vị tân bộ trưởng vì “ông sắp phải đối đầu với rất nhiều nhóm lợi ích mà báo chí đã đề cập đến thời gian vừa qua”.
Tóm tắt tiểu sử Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ
Sinh ngày: 15/03/1957
Quê quán: Nghệ An
Học hàm, học vị: Giáo sư - Tiến sỹ
Uỷ viên Trung ương Đảng Khoá X, XI
Đại biểu Quốc hội Khoá XIII
9/1979-1985: Giảng viên Trường Đại học Tài chính - Kế toán Hà Nội, Uỷ viên Ban Thường vụ Đoàn trường.
1985-1986: Học viên khoa Châu Âu, lớp tiếng Tiệp, Đại học Ngoại ngữ Hà Nội.
1986-1990: Nghiên cứu sinh tại trường Đại học Kinh tế Bratislara, Cộng hòa Slovakia; Đơn vị trưởng lưu học sinh; Trưởng Thành hội lưu học sinh Việt Nam tại Bratislara.
1991-1992: Giảng viên Khoa Kế toán, Trường Đại học Tài chính - Kế toán Hà Nội.
10/1992-5/1993: Phó trưởng Khoa Kế toán, Trường Đại học Tài chính - Kế toán Hà Nội.
6/1993-2/1999: Quyền Trưởng khoa, rồi Trưởng khoa Kế toán, Trường Đại học Tài chính - Kế toán Hà Nội.
3/1999-6/2001: Phó hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính - Kế toán Hà Nội.
7/2001-7/2006: Uỷ viên Ban cán sự Đảng, Phó Tổng kiểm toán Nhà nước. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng, được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng.
Bí thư Đảng uỷ Cơ quan Kiểm toán Nhà nước, Uỷ viên Ban chấp hành Đảng bộ khối cơ quan Kinh tế Trung ương.
7/2006 đến nay: Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Tổng kiểm toán Nhà nước, Bí thư Đảng uỷ cơ quan Kiểm toán Nhà nước.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng; đại biểu Quốc hội Khoá XIII. Tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XIII, được Quốc hội phê chuẩn làm Bộ trưởng Bộ Tài chính. |
Bình luận (0)