Hội thảo “Điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường ở Việt Nam hiện nay” do Bộ Tài chính tổ chức ngày 20-9 đã trở thành cuộc tranh luận đầy kịch tính giữa cơ quan quản lý Nhà nước với nhau và với các chuyên gia kinh tế về điều hành giá bán lẻ đối với mặt hàng xăng dầu.
“Vừa nói dối vừa ăn gian”
Trong khi đại diện các doanh nghiệp lớn có mặt tại hội thảo như ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex); ông Vương Đình Dung, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Xăng dầu Quân đội, đều cho rằng cần thực hiện nghiêm túc cơ chế điều hành giá xăng dầu theo Nghị định 84/CP thì các chuyên gia kinh tế có mặt tại hội thảo đều phản đối việc để doanh nghiệp tự định giá.
PGS Ngô Trí Long khẳng định có 2 loại quản lý giá: Đối với hàng hóa còn độc quyền thì Nhà nước phải định giá, kiểm soát giá bằng cách định khung giá ở mức trần – mức sàn. Chỉ đối với hàng hóa đã có cạnh tranh, Nhà nước mới để thị trường tự quyết định giá. Thị trường xăng dầu ở Việt Nam do Petrolimex chiếm 55% thị phần nên vẫn là mặt hàng độc quyền, không thể trao quyền định giá cho doanh nghiệp. “Giá xăng dầu đang được điều hành trái quy luật kinh tế thị trường. Không quốc gia nào để doanh nghiệp định giá sản phẩm độc quyền, nhất là sản phẩm chiến lược”- PGS Ngô Trí Long nói.
TS Nguyễn Minh Phong, Viện Nghiên cứu Kinh tế Xã hội Hà Nội, cho rằng giá xăng dầu hiện nay quá tù mù, cơ chế điều hành tạo điều kiện cho doanh nghiệp vừa nói dối vừa ăn gian. Chỉ cần kê sai số lượng bán hàng để trích lập quỹ bình ổn là đã có lời. TS Lương Thái Bảo, Viện Quản trị Kinh doanh Đại học Kinh tế Quốc dân, cho rằng doanh nghiệp không thể ở mãi trong bao bọc của cơ chế, phải đối mặt với những rủi ro trong kinh doanh bằng các nghiệp vụ bảo hiểm, mua bán kỳ hạn…
Bỏ lỡ nhiều cơ hội giảm giá
Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Bộ Công Thương đồng thời là Tổ phó Tổ Điều hành giá xăng dầu, ông Nguyễn Lộc An, “làm nóng” hội thảo khi chỉ trích trực diện Bộ Tài chính về quyết định giảm giá xăng 500 đồng/lít ngày 26-8 vừa qua. “Tôi cứ tưởng Bộ Tài chính bị làm sao, vì lúc đó doanh nghiệp đang lỗ 200 đồng/lít xăng” - ông An nói.
Theo TS Nguyễn Minh Phong, chỉ cần kê sai số lượng bán hàng để
trích lập quỹ bình ổn là doanh nghiệp đã có lời. Ảnh: TẤN THẠNH
Ở vị trí đồng chủ tọa, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú cũng tỏ ra không hài lòng về cách thức điều hành khi cho rằng cái cần làm không dám làm, lúc đáng tăng không cho tăng, lúc đáng giảm lại không cho giảm. “Điều hành giá xăng dầu thời gian qua như bịt mắt bắt dê, nay thực hiện mục tiêu bao cấp cho người dân, mai lại thực hiện mục tiêu khác, không nhất quán. Cơ quan quản lý hứa với doanh nghiệp nhiều nhưng thực hiện không như thế, thích dùng tay chân hơn dùng cái đầu” - ông Tú nói.
“Nếu cần công bố giá thật...”
Mâu thuẫn giữa hai cơ quan quản lý được đẩy lên đỉnh điểm khi đến phần tổng kết hội thảo, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ không kiềm chế được bức xúc trước sự chỉ trích gay gắt của cán bộ cấp vụ Bộ Công Thương: Giảm giá là quyết định của tập thể nhưng cá nhân tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm. Quyết định này được cân nhắc kỹ, căn cứ vào nhiều dữ liệu, như số liệu hải quan, hoạt động của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho biết thêm, để đi đến quyết định nói trên, ông đã xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội và gọi cả ông Bùi Ngọc Bảo để hỏi có giảm được giá không và được trả lời là giảm được. “Tôi có đủ số liệu để tính toán ở thời điểm đó, doanh nghiệp nhập khẩu đang lãi 780 đồng/lít xăng, chưa kể lợi nhuận định mức 300 đồng/lít trong giá cơ sở”.
Người đứng đầu Bộ Tài chính cho biết năm 2008, Nhà nước đã từng bù lỗ hơn 4.000 tỉ đồng cho doanh nghiệp xăng dầu. Ông nói: Nhưng tôi khẳng định chỉ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trên cơ sở minh bạch, cái gì do khuyết điểm của doanh nghiệp, do quản trị yếu kém thì doanh nghiệp phải tự chịu.
Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho rằng sức ép điều chỉnh giá xăng dầu hiện nay rất lớn do giá xăng dầu trước đây được “neo” quá lâu. Không ai muốn tăng giá xăng trong bối cảnh lạm phát quá cao, nếu buộc phải tăng giá, sẽ chỉ tăng có mức độ. Từ nay đến cuối năm, ngay cả khi có điều kiện tăng giá cũng không nên tăng giá mà phải sử dụng các công cụ khác, kể cả bù lỗ trong trường hợp đặc biệt. Đồng thời, chưa “thả” giá xăng dầu theo thị trường ngay được vì vẫn còn tồn tại độc quyền nên không loại trừ khả năng hai doanh nghiệp đang chiếm trên 90% thị phần (Petrolimex và PV Oil) “đi đêm” với nhau.
“Doanh nghiệp đừng có dọa Nhà nước” Sau khi khẳng định quyền lợi của doanh nghiệp không thể so được với quyền lợi của quốc gia và quyền lợi của hàng triệu con người, Bộ trưởng Vương Đình Huệ nói thẳng: “Doanh nghiệp nào kêu về việc giảm giá cứ làm đơn khiếu nại gửi thẳng đến tôi, muốn bỏ thị trường thì cho nghỉ ngay. Nếu anh Bảo nói bỏ thị trường, tôi lập ngay tổng công ty mới, không thể doanh nghiệp muốn nói thế nào thì nói. Doanh nghiệp đừng có dọa Nhà nước”. Theo ông Huệ, không giảm giá lúc đó thì làm sao giữ được chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 ở mức 0,93% để có điều kiện giảm lãi suất, kiềm chế lạm phát. |
Bình luận (0)