Trao đổi với báo giới chiều 9-1, ông Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế - cho biết để khắc phục tình trạng thiếu máu phục vụ khám chữa bệnh, Bộ Y tế từng đưa ra 2 phương án, trong đó có đề xuất bắt buộc công dân hiến máu 1 lần/năm.
Không đưa vào dự thảo
Cụ thể, Bộ Y tế đã gửi tờ trình Bộ Tư pháp về dự án Luật Về máu và tế bào gốc, trong đó phần nghĩa vụ của công dân liên quan đến hiến máu, Bộ Y tế đưa ra 2 phương án. Thứ nhất, quy định việc hiến máu là nghĩa vụ bắt buộc của công dân phải thực hiện 1 năm/lần nhưng có loại trừ một số trường hợp không thể hiến máu. Thứ hai, quy định việc hiến máu là tự nguyện kết hợp với tăng chi cho hoạt động vận động hiến máu. “Tuy nhiên, tại dự thảo mới nhất, chúng tôi nhận thấy “quy định việc hiến máu là nghĩa vụ bắt buộc” là không phù hợp nên không thể đưa vào dự thảo” - ông Quang nhấn mạnh.
Theo đại diện Bộ Y tế, nếu quy định “hiến máu là nghĩa vụ của công dân” thì sẽ có nguồn máu đầy đủ, ổn định nhưng nếu thực hiện chính sách này thì hằng năm, Việt Nam sẽ tiêu tốn khoảng 4.180 tỉ đồng. Trong đó, tiền do Quỹ BHYT tăng chi là 400 tỉ đồng, chủ lao động phải bỏ ra khoảng 3.200 tỉ đồng chi trả lương khi người lao động nghỉ việc đi hiến máu, người lao động cũng phải bỏ ra trên 580 tỉ đồng cho việc đi lại để hiến máu. Còn nếu coi việc hiến máu là tự nguyện và trong điều kiện lý tưởng là có 18,2 triệu người hiến máu tình nguyện trong một năm, số tiền sẽ giảm một nửa (khoảng 2.000 tỉ đồng).
“Hơn nữa, nếu sử dụng giải pháp 1, sẽ xuất hiện một lượng máu dư thừa khá lớn không cần thiết, gây lãng phí cả tiền của, sức lực. Do đó, hiện nay, Bộ Y tế chọn phương án 2 để phù hợp với thực tiễn, pháp luật quốc tế và không gây tốn kém không cần thiết” - ông Quang khẳng định.
Cũng theo ông Quang, để không làm ảnh hưởng đến phong trào hiến máu tự nguyện, dự thảo cũng cấm các hành vi ép buộc hoặc cản trở người khác hiến máu. Dự thảo Luật Về máu và tế bào gốc sẽ được trình Quốc hội trong năm 2017. Theo ông Quang, việc đưa ra 2 phương án này chỉ là một quy trình trong tư duy trong làm luật, tức khi làm luật phải đưa ra các phương án để đối chứng, bao quát được một cách toàn diện và tìm ra được giải pháp tối ưu.
Tuy nhiên qua sự việc, cơ quan soạn thảo luật cần rút kinh nghiệm khi xây dựng các phương án để tránh gây hiểu nhầm. Nếu đưa phương án quy định hiến máu là nghĩa vụ của công dân thành phương án 2 chứ không đưa lên trước, chắc chắn sẽ giảm được sự hiểu nhầm của dư luận và người dân về việc Bộ Y tế thiên về phương án này.
Cần kho dự trữ máu quốc gia
Theo PGS-TS-BS Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy kiêm Giám đốc Trung tâm Truyền máu Chợ Rẫy, ở các nước trên thế giới, vấn đề hiến máu đã đưa vào luật, được xem là nghĩa vụ của công dân đóng góp đối với sự phồn vinh đất nước. Đây là xu hướng tiến bộ của thế giới, không phải riêng gì nguồn máu, hồng cầu... mà ngay cả nguồn tạng, phục vụ công tác cứu người, chiến lược ổn định quốc gia. Tuy vậy, tùy thuộc điều kiện, tình trạng sức khỏe... mà mỗi công dân có thể không tham gia thực hiện.
“Theo tôi, cần có kế hoạch vĩ mô dài hơi, xây dựng cho được những kho dự trữ nguồn máu cấp quốc gia đủ năng lực trữ máu với cả số lượng và chất lượng dài lâu. Ở nước ngoài hiện nay đã xây dựng cả hệ thống trữ máu đông lạnh, có thể giữ được nguồn máu lớn trong thời gian lâu nhất có thể. Việc chuẩn bị lưu trữ một nguồn máu lớn là rất cần thiết vì ngoài phục vụ dân sinh, y học thì còn phải dự phòng phục vụ cho công tác cấp cứu, thảm họa lớn quốc gia” - PGS-TS-BS Nguyễn Trường Sơn chia sẻ.
GS-TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu trung ương, cho biết theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, để bảo đảm an toàn truyền máu cho mỗi quốc gia thì lượng máu tiếp nhận được tối thiểu phải bằng 2% dân số. Trong khi đó, dù năm 2016 cả nước tiếp nhận được hơn 1,2 triệu đơn vị máu, tỉ lệ dân số hiến máu đạt khoảng 1,5% nhưng lượng máu trên mới đáp ứng được 60% nhu cầu. Đa phần người hiến máu chủ yếu vẫn chỉ là sinh viên nên vào thời điểm Tết nguyên đán, nghỉ lễ, dịp hè, nguy cơ xảy ra khan hiếm máu ở các cơ sở điều trị thường rất cao. Vì vậy, về lâu dài, cần mở rộng thêm đối tượng tham gia để cân đối và hiệu quả hơn.
Tỉ lệ hiến máu đạt 97,5%
Theo Bộ Y tế, năm 2016, tỉ lệ hiến máu tình nguyện đạt 97,5%, tỉ lệ hiến máu chuyên nghiệp là 0,9%, người nhà bệnh nhân hiến chiếm 1,5%. Hiến máu tình nguyện cũng là một trong những mục tiêu của chương trình quốc gia về y tế được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với mục tiêu đến năm 2020, 100% lượng máu tiếp nhận được là từ người hiến máu tình nguyện tại Việt Nam. Người có cân nặng từ 42 kg đến dưới 45 kg được phép hiến không quá 250 ml máu toàn phần mỗi lần; người có cân nặng 45 kg trở lên được phép hiến máu toàn phần không quá 9 ml/kg cân nặng và không quá 500 ml mỗi lần. Trung bình mỗi năm 1 người có thể hiến tối đa 4 lần.
Bình luận (0)