Tuyến buýt đường sông số 1 (Bạch Đằng - Linh Đông) hiện thu hút khá nhiều khách, nhất là những ngày cuối tuần. Nhu cầu người sử dụng loại hình này chủ yếu là đi tham quan, trải nghiệm.
Chờ hơn 5 tiếng mới được đi
Ghi nhận sáng 1-4, lượng người tới bến Bạch Đằng (quận 1) mua vé khá đông. Tuy nhiên, nhiều người không đặt được chuyến theo đúng nhu cầu, hầu hết đều phải chờ. Chị Nguyễn Thị Minh (ngụ quận Gò Vấp) cho biết chị đến mua vé lúc 10 giờ, các nhân viên thông báo chỉ còn vé buổi chiều, chuyến sớm nhất lúc 15 giờ 20 phút nhưng lại chỉ đi đến bến Thanh Đa (quận Bình Thạnh), còn những tàu có lộ trình về bến Linh Đông (quận Thủ Đức) muộn hơn, trong đó có những chuyến không còn tàu quay đầu. Nghĩ đến cảnh phải chờ đợi hơn 5 tiếng mới được lên tàu, chị Minh đành ngán ngẩm ra về. "Nói là buýt nhưng thực tế để đi được thì tốn quá nhiều công sức và thời gian chờ đợi. Theo tôi, tuyến buýt này chỉ thích hợp cho việc đi chơi ngắm cảnh, thăm thú trên sông chứ sử dụng để đi làm mỗi ngày thì quá bất tiện" - chị Minh nhận xét.
Không ít hành khách còn than phiền về sự bất tiện khi mua vé tàu về lại nơi xuất phát bởi hầu hết đều không có vé theo đúng nhu cầu, phải chờ đợi suốt nhiều giờ. Thậm chí, nhiều người đặt các chuyến tàu vào khung giờ chiều nhưng chỉ có vé đi mà không có vé về, buộc phải tìm phương tiện khác để "quay đầu". Trong khi đó, theo ghi nhận, đa số người đi buýt đường sông hiện vẫn chạy xe máy tới các điểm bán vé để lên tàu, vì vậy khi quay lại nơi xuất phát để lấy xe họ gặp nhiều bất tiện. "Từ bến Bạch Đằng đi lúc 9 giờ 30 phút, tới bến Linh Đông khoảng 10 giờ 20 phút nhưng tôi phải chờ gần 3 tiếng mới có chuyến quay trở lại. Trong khi các dịch vụ để hành khách giải trí trong lúc ngồi tại bến Linh Đông rất hạn chế nên tôi đành đón xe buýt quay lại quận 1" - anh Nguyễn Văn Hòa (ngụ quận Thủ Đức) kể.
Theo ghi nhận, các chuyến tàu buýt hiện bán vé theo lượng khách cố định (75 vé/tàu) và bán theo hình thức cuốn chiếu trong ngày, không bán trước cho hôm sau cũng như không bán vé tháng. Vì vậy, nếu muốn sử dụng tuyến buýt để đi lại mỗi ngày, hành khách phải đến sớm mới có thể để đặt vé theo đúng nhu cầu.
Hành khách sử dụng buýt đường sông chủ yếu để đi vui chơi, giải trí
Cân đối kinh doanh
Theo ông Nguyễn Kim Toản, Giám đốc Công ty TNHH Thường Nhật (chủ đầu tư dự án buýt đường sông), tuyến vận tải này hiện đang duy trì 16 chuyến mỗi ngày và tăng lên 24 chuyến vào những ngày cuối tuần. Sau hơn 3 tháng đưa vào hoạt động, lượng khách sử dụng khá ổn định, trong đó những ngày làm việc trong tuần, lượng khách đạt từ 60%-70% số ghế. Riêng những ngày cuối tuần, toàn bộ các chuyến tàu đều kín khách. "Tuyến buýt đường sông bản chất là để phục vụ việc đi lại và hiện tuyến này đang thực hiện theo đúng chức năng. Trong nhu cầu đi lại, có người sử dụng để đi làm, cũng có người sử dụng để tham quan, du lịch" - ông Toản nói.
Về việc hành khách phải chờ đợi lâu, khó mua vé, ông Toản cho biết đây là tuyến vận tải hành khách công cộng nên phải chạy theo lộ trình cụ thể, không phục vụ riêng cho một nhóm hành khách đi rồi về. Theo đó, thời gian giãn cách giữa các chuyến tàu là 10 phút nhưng có những hành khách không được đi ngay bởi chuyến kế tiếp đã bán hết vé, phải chờ các chuyến sau. Bên cạnh đó, dựa vào thống kê và phân khúc các nhóm đối tượng, đơn vị áp dụng lịch trình chạy tàu như trên là để cân đối kinh doanh và dựa trên nhu cầu thực tế.
Cũng theo ông Toản, qua thống kê và đánh giá nhu cầu đi lại của người dân, hiện đơn vị đang triển khai mô hình "taxi đường sông" phục vụ cho những nhóm hành khách có nhu cầu đi nhanh, về nhanh. Việc này cũng góp phần đa dạng hóa các loại hình đi lại bằng đường thủy nội địa tại TP HCM. Với tuyến buýt đường sông số 2 (Bạch Đằng - Lò Gốm), hiện đơn vị đang chờ thi công một số dự án như cống ngăn triều tại khu vực Bến Nghé, công tác nạo vét lòng sông... Những dự án này hiện các đơn vị đang thực hiện theo đúng tiến độ về kỹ thuật.
Tổ chức nhiều xe buýt kết nối buýt đường sông
Theo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng - Sở Giao thông Vận tải TP HCM, trong năm 2018, đơn vị sẽ lập quy hoạch mạng lưới vận tải hành khách bằng xe buýt trên địa bàn TP HCM đến năm 2030. Trong đó, về luồng tuyến sẽ triển khai mở mới các tuyến xe buýt để phục vụ người dân và tập trung tổ chức các tuyến xe buýt tại Bến xe Miền Đông mới kết nối các tuyến buýt đường sông.
Buýt đường sông không chỉ để du lịch
Theo Giám đốc Công ty TNHH Thường Nhật, Nguyễn Kim Toản, chủ đầu tư dự án tuyến vận tải hành khách công cộng bằng đường thủy nội địa (buýt đường sông- BĐS), việc đưa mô hình BĐS vào khai thác, sử dụng sẽ góp phần đáng kể vào việc phục vụ nhu cầu đi lại của người dân TP, giảm tình trạng ùn tắc giao thông, thu hút và phát triển du lịch sông nước, khuyến khích nâng cao thói quen sử dụng phương tiện giao thông công cộng, tạo sự đồng bộ, đa dạng hóa các loại hình giao thông công cộng.
Tuy nhiên, sau 3 tháng hoạt động có thể thấy đa số khách sử dụng BĐS như một phương tiện du lịch, tham quan. Sự kỳ vọng BĐS như một loại hình vận tải mới có thể chia lửa với đường bộ, giảm ùn tắc giao thông, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân vẫn còn… xa lắm bởi còn quá nhiều bất tiện và thiếu sự đồng bộ: hành khách phải chờ đợi nhiều tiếng, không thể đặt chuyến đúng như cầu, trở về bằng phương tiện khác, dịch vụ tại bến chờ hạn chế…
Việc mở các tuyến BĐS là cần thiết để đa dạng hóa loại hình đi lại. Ngoài ra, loại hình này thực hiện ít tốn kém (hạ tầng bến bãi chủ yếu là đất công ở 2 bên bờ sông Sài Gòn, ngoài việc bỏ tiền mua tàu thuyền và trang trí bến bãi cho đẹp, thì không tốn tiền đầu tư nhiều), thời gian thực hiện nhanh, giảm ùn tắc, tai nạn giao thông… Thế nhưng, nếu buýt sông chỉ để người dân đi tham quan, giải trí như thời gian qua thì mục tiêu đa dạng hóa loại hình vận tải công cộng, giảm ùn tắc giao thông không thể đạt. Thiết nghĩ, cần nghiên cứu kỹ nhóm đối tượng của loại hình này từ đó xây dựng các tuyến giao thông thủy phù hợp để người dân có thêm lựa chọn về hình thức đi lại, qua đó hoàn thiện hóa mục tiêu ban đầu đã đề ra.
Sỹ Đông
Bình luận (0)