Sau những thông tin về vụ cá nuôi lồng bè của người dân trên sông La Ngà (xã La Ngà, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai) chết cả ngàn tấn sau một đêm mưa, hàng loạt câu hỏi của bạn đọc đã được gửi đến Báo Người Lao Động.
Đau lòng!
Trước thảm cảnh xảy ra với người nuôi cá ở La Ngà, nhiều bạn đọc đã thể hiện sự đau xót, động viên nhà bè cố gắng vượt qua cơn hoạn nạn. Bên cạnh đó, nhiều vấn đề cũng được đặt ra. Có bạn đọc cho rằng nếu chính quyền chưa thể tìm ra nguyên nhân, giải pháp thì có lẽ trước hết, người nuôi cá phải tự cứu lấy mình. Có bạn đọc băn khoăn tình trạng này năm nào cũng xảy ra nhưng việc tìm ra nguyên nhân cụ thể vì sao vẫn hết sức mông lung?
Hiện trường cá chết hàng loạt sau đêm mưa ở làng cá bè La Ngà cách đây hơn 5 ngày
"Thương người dân quá, sau một cơn mưa mà mất trắng. Cầu mong các mạnh thường quân giúp đỡ một phần nào đó cho người dân vượt qua cơn khốn khó này. Cầu mong các hộ gia đình cố gắng vực dậy tinh thần để tiếp tục cuộc sống, vượt qua cơn khó khăn hoạn nạn.."- bạn đọc Diêu Loc chia sẻ đồng thời nhắn nhủ: "Mong chính quyền xem xét, tìm rõ nguyên nhân, xử lý nghiêm sai phạm (nếu có) để người dân không lâm vào cảnh trắng tay".
Chung một nỗi niềm, bạn đọc Trần Tuấn Hải phân tích: "Do các nhà máy xí nghiệp đầu nguồn thải ra đó. Khi trời nắng, nước thải xả ra sẽ đọng lại trong đất. Lâu ngày, khi trời mưa có nước sẽ cuốn trôi tất cả chất thải được xả ra, chảy xuống khiến nguồn nước bị ô nhiễm dẫn đến cá chết hàng loạt, gây thiệt hại lớn cho người dân".
Cũng hướng vào nguyên nhân cá chết do ô nhiễm bởi các nhà máy trong vùng gây ra, bạn đọc Trần Văn Hiệp nói "như đinh đóng cột": "Rất đơn giản, khi mưa xuống các doanh nghiệp, nhà máy tranh thủ xả thải không qua xử lý ra sông, suối. Tôi cam đoan 90% là như vậy...".
Thiệt hại của người dân rất lớn nhưng đến hiện tại, cơ quan chức năng vẫn chưa đưa ra kết luận cuối cùng về nguyên nhân cá chết. Một số bạn đọc như bạn đọc Mai Phương tỏ ra hài hước: "Sặc nước nên cá bị chết đuối. Phải học bơi". Bạn đọc Ahoa thì chua chát: "Không có lẽ cá cũng đuối nước?". Bạn đọc You nói kháy: "Nhìn màu nước tôi nghĩ chắc chắn do tảo sinh sản tăng đột biến".
Vai trò cơ quan chức năng ở đâu?
Trong các chia sẻ mà bạn đọc gửi đến, có rất nhiều người đặt vấn đề về vai trò của cơ quan chức năng xung quanh vụ việc.
Bạn đọc Nguyen Sa nêu: "Năm nào cũng xảy ra những chuyện thế này, tại sao cơ quan chức năng không giúp người dân phòng ngừa? Tại sao đã đến lúc báo động về môi trường nhưng cơ quan quản lý không quan tâm? Trách nhiệm của những cơ quan quản lý liên quan ở đâu? Hay bỏ mặc cho thiên nhiên, cho người dân?". Độc giả Canh Tran thì bức xúc: "Cá chết thì nhiều, dân thì khổ nhưng có vẻ cơ quan chức năng vẫn rất dửng dưng?".
"Nếu không biết nguyên nhân thì thảm kịch sẽ thường xuyên. Mà sao cơ quan chức năng không hỏi dân nguyên nhân?", bạn đọc Mai Phương phản ứng. Bạn đọc Võ Minh Tuấn thì hiến kế: "Người dân nên lấy mẩu nước gửi cho Viện Pasteur kiểm định sẽ cho kết quả chính xác và rõ ràng hơn".
Trong khi đó, bạn đọc Nguyễn Thị Bích tỏ ra nghi ngờ về cách làm việc của cơ quan chức năng. "Cá chết do khí độc sau cơn mưa là điều không thể. Khí độc không sinh ra từ nước mưa. Thứ 2, mẫu xét nghiệm lấy sau khi người dân phát hiện xác chết 1 ngày nên kết quả xét nghiệm này không chính xác. Còn nữa, nếu cá chết do thiếu oxy thì chỉ chết rải rác rồi mới đến hàng loạt và trước đó hiển nhiên nó sẽ có biểu hiện cụ thể như bơi theo đàn lên mặt nước, cá lờ đờ; quá trình giảm oxy trong sông sẽ từ từ và chắc chắn sẽ được phát hiện sớm. Cho nên, thời gian qua những kết luận đã khiến nhiều người nghi ngờ...", độc giả Bích lập luận.
Như Báo Người Lao Động đã thông tin, cách đây hơn 5 ngày, tại làng cá bè trên sông La Ngà (xã La Ngà, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai) xảy ra việc cả ngàn tấn cá của người dân chết hàng loạt sau một đêm mưa, đến nay vẫn chưa tìm ra nguyên nhân. Đúng thời điểm này một năm trước, tại đây cũng xảy ra sự việc tương tự.
Bình luận (0)