Mỗi ngày, cảng cá Quy Nhơn (TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) đón hàng trăm tàu thuyền đánh bắt hải sản cập bến nhưng có lẽ chưa bao giờ nhộn nhịp như sáng 6-8. Đây là ngày lô cá ngừ đại dương đầu tiên đánh bắt tại ngư trường Việt Nam sẽ được xuất khẩu sang Nhật Bản. Sản phẩm từ những con cá ngừ tươi ngon này sẽ xuất hiện trên những bàn ăn sang trọng cùng với những món ăn nổi tiếng khác của thế giới.
Lên sàn đấu giá
Chỉ mới 6 giờ, hàng trăm ngư dân và lãnh đạo địa phương, các đối tác, chuyên gia đến từ Nhật Bản đã đợi ở cảng để đón 4 tàu đánh bắt cá ngừ đại dương đầu tiên theo công nghệ Nhật Bản tại ngư trường truyền thống Trường Sa sau hơn 1 tháng xuất bến. Vừa đặt chân xuống bến, ông Nguyễn Quê (ngụ xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn) - chủ tàu kiêm thuyền trưởng tàu BĐ-96776 TS, 1 trong 4 tàu cập cảng đầu tiên - vui mừng thông báo: “Chuyến đánh bắt đã thu hoạch được 54 con cá ngừ. Nếu tính về sản lượng thì bằng các chuyến đánh bắt truyền thống. Tuy nhiên, đánh bắt cá ngừ đại dương theo công nghệ mới của Nhật thì khỏe hơn nhiều. Thời gian đánh bắt rất nhanh, không tốn sức vì giằng co với cá như trước đây”.
Sau khi đưa cá ra khỏi tàu, các chuyên gia Nhật Bản tỉ mỉ kiểm tra chất lượng 37/54 con đạt tiêu chuẩn về trọng lượng. Kết quả có 9 con với tổng trọng lượng gần 450 kg đạt tiêu chuẩn toàn diện được xuất khẩu qua Nhật Bản. Ngay trong chiều 6-8, số cá này sẽ đáp máy bay sang nước này để kịp thời lên sàn đấu giá vào ngày 8-8.
Ông Masakazu Shoga, chuyên gia thủy sản của Công ty Kato Hitoshi General Office Co., Ltd (TP Osaka - Nhật), nhận xét: “So với cá ngừ đại dương mà ngư dân Bình Định đánh bắt theo kiểu truyền thống thì chất lượng cá lần này tốt hơn. Thân cá có nhiều màu sắc, mắt còn rất sáng. Tuy nhiên, để đạt chất lượng như cá của người Nhật đánh bắt thì vẫn còn kém. Lần này, số lượng cá đạt chuẩn tuy ít nhưng chúng tôi đánh giá cao sự cố gắng của các bạn. Mong rằng ở những lần sau, 100% số cá đánh bắt sẽ được tiêu thụ ở thị trường Nhật Bản”.
Nâng thu nhập của ngư dân
Trước đó, chiều 5-8 tại TP Quy Nhơn, đại diện Công ty CP Thủy sản Bình Định (Bidifisco) và Công ty Kato Hitoshi General Office Co., Ltd đã ký hợp đồng xuất khẩu cá ngừ đại dương sang Nhật Bản. Theo đó, Công ty Kato Hitoshi General Office Co., Ltd là đại diện của Bidifisco ở Nhật Bản để đưa cá ngừ đại dương vào bán tại những trung tâm đấu giá và chuỗi cửa hàng hải sản thuộc các đối tác của công ty tại Nhật Bản. Còn Bidifisco đảm nhiệm vai trò bao tiêu sản phẩm cho ngư dân đánh bắt cá theo công nghệ Nhật Bản với giá cao hơn thị trường 20%.
Ông Hirosuke Kato, Chủ tịch HĐQT Công ty Kato Hitoshi General Office Co., Ltd, cho biết: “Chất lượng cá ngừ đại dương chuyến biển đầu tiên của các bạn giới thiệu tại thị trường Nhật Bản phải thật sự ấn tượng. Nếu chất lượng cá ngừ tốt thì việc tiêu thụ sản phẩm tại thị trường Nhật Bản sau này sẽ rất dễ dàng”.
Theo ông Lê Hữu Lộc, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, đối với cá ngừ đại dương thì Nhật Bản là thị trường tiêu thụ lớn nhưng lại rất khó tính. Trong khi Bình Định có sản lượng đánh bắt cá ngừ đại dương lớn nhưng chưa xuất khẩu sang Nhật Bản do chất lượng cá chưa đáp ứng được yêu cầu. “Giữa tháng 6-2014, UBND tỉnh đã hỗ trợ khoảng 1,5 tỉ đồng cho 5 tàu đánh cá của ngư dân để mua sắm các thiết bị đánh bắt, bảo quản cá ngừ đại dương theo phương pháp khắt khe của Nhật Bản. Trong đó, đầu tư cho tu sửa, nâng cấp hầm ướp cá, đồng thời cung cấp cho các tàu cá một số thiết bị mới của Nhật Bản để bảo quản, xử lý cá ngừ sau khi câu được nhằm nâng cao giá trị xuất khẩu cũng như thu nhập cho ngư dân” - ông Lộc nhấn mạnh.
Cá chính vụ, chất lượng cao
Theo bà Cao Thị Kim Lan, Giám đốc Bidifisco, sản phẩm cá ngừ đại dương đánh bắt theo công nghệ mới của Nhật Bản lần này sở dĩ chỉ đạt 30% là do đang cuối vụ, lại mùa gió Nam, nước biển nóng hơn nên chất lượng chưa cao. “Tôi tin rằng nếu đánh bắt chính vụ thì sản lượng cá ngừ đại dương của các ngư dân Việt Nam có thể đạt chất lượng từ 70%-80%. Với giá thu mua khá cao của đối tác, thu nhập của ngư dân sẽ rất tốt”.
Bình luận (0)