Sau bài viết "Những nỗi sợ vô hình của nghề giáo" đăng trên Báo Người Lao Động ngày 3-10, tòa soạn nhận được nhiều phản hồi từ bạn đọc cho rằng bài viết đã chỉ ra được nhiều góc khuất trong ngành giáo dục, cần quyết liệt thay đổi để "mỗi ngày đến trường là một ngày vui", không chỉ với học sinh mà cả với giáo viên.
Giảm bớt hồ sơ, quy trình
Theo ông Nguyễn Hải An (chuyên gia tâm lý), công bố gần đây của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy có 16.000 giáo viên bỏ việc năm 2022. Chế độ, chính sách chưa hợp lý, lương chưa bảo đảm cuộc sống và quá lâu để được vào biên chế là nguyên nhân khiến một số giáo viên xin thôi việc dù yêu nghề.
"Ngoài ra, kế hoạch giảng dạy tuần, năm học; thi đua; thanh tra; sinh hoạt ngoài giờ lên lớp; họp hội đồng; áp lực điểm số từ nhà trường, phụ huynh; phụ đạo; thành tích thi học sinh giỏi; yêu cầu đổi mới giáo dục…, khiến các nhà giáo thêm phần "khô héo" và "chìm" trong công việc" - ông Nguyễn Hải An nói.
Cũng theo ông Nguyễn Hải An, giáo dục là khoa học nhưng cũng là nghệ thuật. Mục đích giáo dục là cho học sinh tự hoàn thiện nhân cách, lối sống lành mạnh và là con người Việt. Bạo lực học đường nổi cộm trong thời gian gần đây cho thấy trong môi trường giáo dục không thiếu học sinh cá biệt, cũng vì vậy không thể sử dụng cùng một phương pháp giáo dục cho tất cả học sinh. Cần thêm cơ chế để giáo viên tự đánh giá và cảm hóa những học sinh này trong khuôn khổ nhất định.
"Có những việc chúng ta có thể làm ngay như áp dụng công nghệ thông tin, loại bỏ các hồ sơ, quy trình không cần thiết để giảm áp lực cho nhà giáo. Số người, thời gian dự giờ cũng cần cắt giảm vì hiện nay việc này chưa mang lại hiệu quả nhất định. Phụ huynh cũng cần hiểu rằng điểm số không hoàn toàn đánh giá được năng lực thực sự của học sinh, đừng đặt quá nhiều kỳ vọng lên con trẻ mà can thiệp quá sâu về cách giáo dục của thầy, cô giáo. Tạo áp lực lên giáo viên để con trẻ có học bạ đẹp là tạo tiền lệ xấu, hướng con em vào tiêu cực. Khi giáo viên có thêm thời gian thì sẽ có thể nghiên cứu giáo án, tìm ra những phương pháp tốt nhất cho từng học sinh" - ông Nguyễn Hải An nhìn nhận.
Nghề dạy học hiện chịu nhiều áp lực (Ảnh: Tấn Thạnh)
Loại bỏ bệnh thành tích
Trong khi đó bà Nguyễn Thị Phương Trang (chuyên gia tâm lý) cho rằng giáo dục là một ngành đặc thù nên những vụ việc liên quan đến thầy cô giáo, học sinh hay đổi mới chương trình học luôn được xã hội quan tâm, đưa ra bàn luận.
"Thực tế, nghề dạy học hiện chịu không ít những áp lực. Giáo viên không đơn thuần là truyền thụ kiến thức mà phải luôn cập nhật những chuẩn mực mới. Chưa kể, kỳ vọng của phụ huynh lên con trẻ cũng ngày càng cao… Áp lực vì thế mà đè nặng lên những người đứng lớp" - bà Phương Trang phân tích.
Để giải tỏa áp lực cho thầy cô giáo, bà Phương Trang nhấn mạnh phải loại bỏ căn bệnh thành tích bởi đó chính là nỗi khổ của nhiều giáo viên. Nếu không mạnh dạn bỏ căn bệnh thành tích thì giáo viên sẽ không dám mạnh tay cho điểm kém học sinh, cũng khó có thể có "học thật, thi thật, nhân tài thật". "Muốn vậy, phải đổi mới phương pháp dạy và học, tập trung vào kỹ năng hơn là những bài tập đánh đố, bỏ bớt các công việc không thật sự có ích. Từ đó mà giảm áp lực cho thầy và trò. Loại bỏ bệnh thành tích, tăng các hoạt động trải nghiệm cũng là cách để sức khỏe tinh thần của học sinh được cải thiện" - bà Phương Trang bày tỏ.
Là một giáo viên trung học cơ sở ở tỉnh Quảng Nam, bạn đọc Ngọc Tâm thừa nhận nghề giáo thật sự có những nỗi sợ vô hình. Trong đó có áp lực về giáo án, nặng kiến thức, liên tục được đổi mới trong khi thời gian để học và dạy không nhiều, học sinh thì "muôn màu".
"Nơi tôi đang giảng dạy, hầu hết các em còn yếu và thụ động nên khó áp dụng giảng dạy theo chương trình mới, cải tiến. Học theo sách giáo khoa, đánh giá năng lực thì ngoài sách trong khi kỹ năng của học sinh chưa cao. Chưa kể, sách tham khảo không nhiều, giáo viên phải tự mày mò. Điều kiện cơ sở vật chất còn hạn hẹp, đồng lương giáo viên cũng chưa tương xứng khiến nhiều nhà giáo khó an tâm với nghề. Ngoài ra, yêu cầu của phụ huynh, xã hội đặt ra cho nghề giáo cũng ngày càng khắt khe hơn. Năm học này, chương trình mới buộc giáo viên phải thay đổi hoàn toàn phương pháp trước đây…" - bạn đọc Ngọc Tâm nêu.
Tuy nhiên, bạn đọc này tin rằng dù rất áp lực nhưng nếu yêu nghề, có nghị lực, suy nghĩ và xem mọi việc đơn giản, nhẹ nhàng thì nghề giáo sẽ không còn là nỗi sợ.
Áp lực của giáo viên lớn tuổi
Chỉ ra những áp lực với những giáo viên từ 50 tuổi trở lên, bạn đọc Hoàng Danh cho biết thập niên 80, 90 thế kỷ trước, các trường sư phạm khi đào tạo giáo viên hầu như không yêu cầu trình độ ngoại ngữ (trừ giáo viên ngoại ngữ), tin học, chính vì vậy khi ngành giáo dục yêu cầu giáo viên phải có bằng ngoại ngữ, tin học là một thách thức đối với những giáo viên từ 50 tuổi trở lên. Mắt yếu, tay điều khiển chuột không quen, đánh chữ chậm…, dẫn đến các báo cáo chậm trễ. Chưa kể, tuổi cao nhưng họ cũng gánh những áp lực như người trẻ, mỗi năm các cuộc thi, phong trào ngày một nhiều; chương trình mới, sách giáo khoa mới, giáo án thay đổi liên tục, giáo án soạn ra nhưng lớp A không thể dạy như lớp B. Rồi phụ huynh cậy quyền thế gây khó dễ, thậm chí la mắng giáo viên khi lỡ dạy con họ quá mức…
"Thực tế, bước vào tuổi 40-50, hầu hết sức khỏe của giáo viên đều suy giảm, mắc những căn bệnh thường gặp như xương khớp, huyết áp, tim mạch. Những thầy cô này hằng tháng phải đi đến các bệnh viện lớn để trị bệnh hoặc khám định kỳ. Thế nhưng, vì sợ nghỉ sớm, lương hưu không đủ sống, nhiều người có bệnh, mệt mà không dám biểu lộ ra bên ngoài, vẫn phải dốc hết sức" - bạn đọc Hoàng Danh cho biết.
Bình luận (0)