Đề án "Cải cách chính sách tiền lương (CSTL) đối với cán bộ (CB), công chức (CC), viên chức (VC), lực lượng vũ trang và người lao động (NLĐ) trong doanh nghiệp (DN)" nhận được sự quan tâm của số đông người làm công ăn lương. Đa số các ý kiến đều cho rằng việc cải cách CSTL là cần thiết.
Chân trong chân ngoài
Theo luật sư (LS) Nguyễn Văn Hậu (Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP HCM), thực tế hiện nay, có một số CB, CC đứng "chân trong chân ngoài", họ làm việc trong khu vực nhà nước nhưng vẫn đứng sau một DN hoặc điều hành DN hoặc tư vấn cho DN… Tất cả đều biện minh tiền lương ít, phải làm thêm để lo cho gia đình.
Việc được hưởng mức lương, thưởng xứng đáng sẽ tạo môi trường làm việc tốt hơn để CB, CC ra sức phục vụ, cống hiến. (Ảnh chỉ có tính minh họa) Ảnh: TẤN THẠNH
"Hiện nay, mức lương tối thiểu chưa bảo đảm mức sống tối thiểu, chưa phù hợp năng suất làm việc của CB, CC, VC và NLĐ nên không khuyến khích được họ phát huy hết khả năng, gắn bó, cống hiến và tận tâm với công việc. Điều này dẫn đến hệ quả tiêu cực là người hưởng lương không sống được bằng lương, tình trạng thu nhập ngoài tiền lương ở nhiều ngành nghề, vị trí công tác, chức vụ ngày càng cao, phức tạp, vượt khỏi tầm kiểm soát của nhà nước.
Nghiêm trọng hơn là các đối tượng tạo thu nhập từ các hành vi vi phạm pháp luật. Việc cải cách CSTL là vấn đề thiết yếu, phải được đặt lên hàng đầu trong giai đoạn hiện nay. Khi được hưởng mức lương, thưởng xứng đáng, CB, CC, VC, NLĐ sẽ yên tâm hơn về mặt kinh tế trước những vấn đề phát sinh trong đời sống, môi trường làm việc cũng sẽ tốt hơn. Điều này còn giúp nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập giữ được người tài, tạo được lòng tin của người làm việc đối với nhà nước, từ đó ra sức phục vụ mục tiêu phát triển chung cũng như gắn bó lâu dài với đơn vị" - LS Hậu phân tích.
LS Hậu cũng đề xuất bên cạnh việc cải cách CSTL thì vấn đề chế tài đối với những hành vi vi phạm pháp luật (tham nhũng, lạm dụng chức quyền để tư lợi…) cũng phải rõ ràng và có biện pháp xử lý đúng người đúng tội.
Trả lương tương xứng với năng lực
Nói về tiền lương CB, CC cấp xã phường hiện nay, nhất là CB không chuyên trách, ông Nguyễn Phước Bình, Phó Chủ tịch UBND phường Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân, TP HCM), thừa nhận rất thấp dù khối lượng công việc ở cơ sở rất lớn nên đã không tạo động lực để CB, CC phát huy hết năng lực... Cải cách CSTL để có thể sống được bằng lương, CB, CC sẽ toàn tâm toàn ý làm việc, tiêu cực sẽ giảm, hiệu quả công việc sẽ tốt hơn.
Còn theo bà Thi Thị Tuyết Nhung, Trưởng Ban Văn hóa Xã hội - HĐND TP HCM, bất cập về CSTL vừa qua đã làm cho đội ngũ CB, CC, NLĐ có nhiều băn khoăn, nhất là lực lượng làm việc ở ngành giáo dục, y tế. "Cải cách CSTL làm sao để đội ngũ CB, CC, VC được nâng lương theo đúng đề án việc làm, được trả lương theo đúng công việc mà họ đã bỏ công sức ra làm và bảo đảm được đời sống. Tiền lương phải nuôi được ít nhất 1 người thân trong gia đình CB, CC, VC, NLĐ. Khi đã sống được với đồng lương, họ sẽ liêm khiết trong quá trình thực hiện chức trách công việc" - bà Nhung nói.
Chật vật với đồng lương thấp
Ông Nguyễn Nguyệt Cầu, Chủ tịch Công đoàn Bệnh viện quận 1 (TP HCM), cho biết nhìn từ bên ngoài, nhiều người nghĩ rằng nhân viên y tế có thu nhập cao. Thực tế chỉ có những người trong cuộc mới hiểu. Số bác sĩ (BS) có nhà cao cửa rộng chỉ đếm được trên đầu ngón tay và đa phần có "nền tảng" sẵn của gia đình để lại, gầy dựng phát triển thêm.
"Một BS mới ra trường, lương hệ số 2,34 cộng với phụ cấp, trực gác..., gom lại hết chưa đến 5-6 triệu đồng/tháng. Tính ra thu nhập mỗi ngày chưa tới 200.000 đồng, hôm nào bị thủng bánh xe, thay ruột xe mới hết gần 100.000 đồng, xem như nhịn ăn nửa ngày. Tháng nào nhân viên y tế được mời đám cưới, xem như nhịn ăn 2 ngày. Nếu không có gia đình hỗ trợ thêm, y - BS không thể nào đủ sống. BS đã vậy, điều dưỡng, nữ hộ sinh, kỹ thuật viên, hộ lý lương còn thấp hơn, cuộc sống còn cơ cực hơn.
Thực tế hiện nay, không riêng gì ngành y, còn rất nhiều CC, VC phải sống chật vật với đồng lương của mình. Khi nhận nhiệm vụ làm chủ tịch Công đoàn bệnh viện, tháng nào lương phát chậm chừng 1 ngày thôi, tôi liền nhận được những tin nhắn hỏi thăm của anh chị em vì nợ học phí cho con hay nợ tiền thuê nhà" - ông Cầu chia sẻ.
Còn theo chị Nguyễn Thị Minh Dung, nhân viên doanh nghiệp nhà nước tại quận 1 (TP HCM), cách trả lương kiểu bình quân hiện nay đã lạc hậu so với sự phát triển của thị trường lao động. Tiền lương chưa thực sự trở thành động lực để nâng cao hiệu quả làm việc của NLĐ.
"Tôi có gần 10 năm công tác tại một DN nhà nước trên địa bàn TP với mức lương hiện tại tôi được hưởng là hệ số 3.0. Mức lương này cộng thêm các khoản phụ cấp, tổng thu nhập mỗi tháng cũng chưa đến 8 triệu đồng. Sống ở đô thị lớn, phải lo cho gia đình, con ăn học thì mức thu nhập trên rất chật vật. Lương thấp gây ra rất nhiều hệ lụy: không kích thích được NLĐ cống hiến, không kích thích khả năng sáng tạo, phấn đấu hết mình vì công việc. Là NLĐ, tôi mong muốn có thể sống được bằng lương và có thể tích lũy" - chị Dung nói.
H.ĐÀO
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 8-5
Bình luận (0)