Đây là những nội dung nằm trong dự thảo Luật Phòng chống tác hại của lạm dụng rượu bia đang được Bộ Y tế xây dựng trong bối cảnh tình trạng lạm dụng bia rượu ở Việt Nam đang ở mức báo động. Dư luận đồng tình nhưng cũng nghi ngại về khả năng thực thi của dự luật.
Đóng cửa cơ sở vi phạm
Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Y tế, cho biết dự thảo Luật Phòng chống tác hại của lạm dụng rượu bia hướng đến việc xây dựng các biện pháp kiểm soát nhu cầu sử dụng rượu bia, kiểm soát nguồn cung cấp, giảm tác hại của lạm dụng rượu bia. Theo dự thảo này, sẽ cấm uống và bán rượu đối với tất cả những trường hợp dưới 18 tuổi; người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới khi tham gia giao thông. Cấm bán rượu bia tại các cơ sở y tế, giáo dục, chăm sóc dinh dưỡng, môi trường nuôi dưỡng, vui chơi cho trẻ em; nơi làm việc. Đặc biệt, không bán rượu bia sau 22 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau; cấm bán lẻ sản phẩm rượu bằng máy bán hàng tự động; cấm bán rượu qua mạng internet… Dự luật này cũng nghiêm cấm quảng cáo, khuyến mãi và giới thiệu sản phẩm dưới mọi hình thức đối với rượu từ 15 độ trở lên.
Cũng theo ông Quang, nếu thực hiện thật nghiêm thì nhận thức của mọi người về lạm dụng rượu bia sẽ thay đổi. Thanh tra y tế, thanh tra ngành kế hoạch đầu tư hoặc có thể là chủ tịch UBND các cấp sẽ chịu trách nhiệm thanh tra, kiểm tra thường xuyên các cơ sở kinh doanh rượu, bia, thậm chí rút giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh nếu cơ sở vi phạm.
Việc sử dụng đồ uống có cồn ở Việt Nam khá phổ biến, đặc biệt là ở nam giới. Ước tính có đến 90% đàn ông Việt Nam uống rượu, bia và cứ trong 4 người thì có 1 người sử dụng rượu, bia ở mức độ có hại, tương đương 6 cốc bia hơi mỗi ngày. Tỉ lệ sử dụng rượu bia ở Việt Nam là 32 lít bia/người/năm và dự kiến đến năm 2015, con số này sẽ là 45 lít bia/người/năm. Với gần 3 tỉ lít bia được tiêu thụ trong năm 2013, Việt Nam hiện là nước tiêu thụ bia cao thứ ba tại châu Á, chỉ sau Nhật Bản và Trung Quốc.
Khó khả thi
Theo ông Nguyễn Huy Quang, trước khi xây dựng dự thảo luật, ban soạn thảo đã thu thập các văn bản luật của nước ngoài để tham khảo, thu thập bằng chứng khoa học trong và ngoài nước để làm căn cứ. Đa số các nước trên thế giới đều có quy định cấm bán rượu bia sau 22 giờ. Thái Lan và Singapore chỉ cho phép bán rượu từ 17 giờ đến 22 giờ. Đại diện Bộ Công Thương cũng cho rằng hệ lụy của việc lạm dụng rượu bia rất lớn. Hiện Bộ Công Thương đang nghiên cứu đề án nâng cao quản lý với sản phẩm bia, nếu hiệu quả sẽ áp dụng cho toàn bộ các đồ uống có cồn.
Bác sĩ Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng, nhấn mạnh: Việc cấm bán rượu bia sau 22 giờ là cần thiết và đúng theo quy luật của cuộc sống. Trên thực tế, có tới 4,4% người dân Việt Nam phải gánh chịu bệnh tật do hậu quả của rượu bia. Rượu bia là nguyên nhân trực tiếp của gần 40 loại bệnh và là nguyên nhân gián tiếp của rất nhiều bệnh khác. Lạm dụng rượu bia là nguyên nhân của 60% vụ bạo lực, bao gồm bạo lực gia đình và chiếm 6%-8% các vụ tai nạn giao thông; 30% vụ mất trật tự an toàn xã hội.
Đồng tình với việc cần có những chính sách mạnh mẽ để hạn chế lạm dụng rượu bia, tuy nhiên, có ý kiến cho rằng nhiều quy định tại luật này khó khả thi. “Khách hàng đến mua rượu làm sao tôi biết được họ đã đủ 18 tuổi hay không, chẳng lẽ bắt họ trình giấy tờ tùy thân. Còn phụ nữ mua rượu bia thì làm sao biết họ đang cho con bú? Cấm bán bia rượu sau 22 giờ thì chúng tôi mất đường làm ăn” - bà Hoàng Thanh Bình, chủ một quán bia trên phố Hàng Buồm (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), bày tỏ.
Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia Rượu và Nước giải khát Việt Nam, cho rằng xây dựng luật cần căn cứ vào thực tế. Trước đây, một số nước cũng đã triển khai giải pháp này nhưng gần như không có quốc gia nào còn thực hiện.
“Siết” quảng cáo rượu, bia
Bà Hoàng Anh, Giám đốc tổ chức phi chính phủ HealthBridge tại Việt Nam, cho biết quảng cáo rượu đã bị cấm ở Việt Nam nhưng vẫn còn tồn tại nhiều hình thức quảng cáo không chính thống. Theo các nghiên cứu, việc tiếp xúc thường xuyên với quảng cáo bia rượu làm tăng gấp đôi khả năng bắt đầu sử dụng rượu bia sau 1 năm ở trẻ 12 tuổi. Mức độ tiêu thụ rượu cao gấp 2,7 lần nếu những người thường xuyên uống rượu được nhìn thấy một số quảng cáo rượu. Trong khi đó, mỗi lệnh cấm quảng cáo rượu có thể giảm từ 5%-8% mức tiêu thụ rượu.
Theo bạn, có nên cấm bán rượu bia sau 22 giờ không?
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Bình luận (0)