Với vẻ ngoài to lớn, khỏe mạnh, bản tính hung hăng, những giống chó như Pitbull, Rottweiler, Bully, Ngao Tây Tạng… nổi tiếng nguy hiểm đối với con người.
Có tiền là mua được "chó chiến"
Tuy nhiên, không khó để tìm và sở hữu chúng với giá từ vài triệu đến vài trăm triệu đồng, tùy thuộc nguồn gốc. Đặc biệt, nhiều người nuôi các giống "chó chiến" này cho sinh sản và bán kiếm lời như một mặt hàng kinh doanh mà không bị sự ràng buộc pháp lý nào đối với việc nuôi nhốt.
Không cần đến các trại chó chuyên nghiệp, trên các trang mạng xã hội của những người yêu quý và đam mê nuôi "chó chiến", những dòng chó này được rao bán rộng rãi. Từ những con vài tháng tuổi đến chó trưởng thành.
Nhiều người đam mê nuôi “chó chiến” nhưng không phải ai cũng có kỹ năng kiểm soát chúng. (Ảnh chỉ có tính minh họa) Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Đáng nói, những người tìm mua "chó chiến" thường đặt yêu cầu phải là chó "ham đồ, máu chiến". Theo anh Nguyễn Hoàng Đăng (người có kinh nghiệm nuôi Pitbull chuyên nghiệp hơn 10 năm, ngụ quận 12, TP HCM), người mua "chó chiến" có nhiều mục đích, trong đó phần lớn là để thể hiện… bản lĩnh. "Bản lĩnh ở đây được hiểu là cách thể hiện khả năng chinh phục, huấn luyện được những chú chó lực lưỡng, nguy hiểm mà không phải ai cũng dám nuôi" - anh Đăng nói.
Anh Đăng cũng lưu ý Pitbull là giống chó thiện chiến nhất, nhì trong các dòng "chó chiến", người nuôi phải có kinh nghiệm nhất định về việc chăm sóc và huấn luyện chúng. "Pitbull là loài trung thành, được nuôi dưỡng tốt chúng sẽ rất thân thiện. Nhưng chúng lại có tính khí thất thường, một khi bản tính hoang dã trỗi dậy có thể tấn công người nuôi. Khả năng này càng tăng cao nếu người nuôi không biết cách huấn luyện, hoặc nuôi những Pitbull đã trưởng thành" - anh Đăng cho biết.
Còn theo bác sĩ thú y Trần Trọng Nghĩa (ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM), nguy hiểm nhất ở giống "chó chiến" là bộ hàm khỏe. "Chỉ cần một cú đớp, nó có thể lấy mạng một con chó 15-25 kg khác, thậm chí làm gãy xương chân một con bò. Mức độ sát thương này gần bằng cú táp của một con cá mập trắng. Một đặc tính nữa của Pitbull là hiếu chiến, cắn chặt, nhai nghiến đến khi kẻ thù tử vong, chúng mới buông tha" - bác sĩ Trần Trọng Nghĩa cảnh báo.
Nuôi chó dữ như cầm súng trong tay
Vụ việc chó cắn chết người ở Long An, theo anh Đăng nhận định, một phần do người nuôi thiếu kỹ năng kiểm soát "chó chiến" khi xảy ra sự cố. Con chó gây ra vụ tai nạn thương tâm trên thuộc dòng "chó chiến" Bandog, một dòng chó lai của Pitbull nhưng có trọng lượng và ngoại hình ấn tượng hơn hẳn Pitbull, sức sát thương cao hơn nhiều so với Pitbull.
"Thực tế, giống chó nào cũng có thể sát thương, thậm chí là chó cảnh chỉ vài ký như Poodle, Phốc Sóc… Chó có trọng lượng "khủng", sức sát thương của chúng sẽ lớn hơn. Nuôi giống chó dữ không khác nào cầm súng trong tay" - anh Đăng chia sẻ.
Theo bác sĩ Trần Trọng Nghĩa, để không còn xảy ra những vụ việc đáng tiếc, phải cấm nuôi dòng "chó chiến" này. Nếu cho phép nuôi, phải quy định chặt chẽ đối tượng nào mới được nuôi.
"Hiện việc nuôi chó dữ chưa được kiểm soát chặt ở Việt Nam. Nói đúng hơn, chỉ cần có tiền là mua được, đến khi xảy ra sự cố như cắn người, chủ nuôi còn không có kỹ năng gỡ hàm của chó. Thực tế không phải ai cũng có thể huấn luyện chó dữ có bản tính hoang dã, cũng vì vậy không phải đối tượng nào cũng được phép nuôi chúng. Muốn nuôi, phải có giấy phép chứng minh người nuôi có kỹ năng huấn luyện những dòng chó này. Giấy phép này đã được nhiều nước như Mỹ, Canada quy định" - bác sĩ Trần Trọng Nghĩa nói.
Quy định đang bị thả nổi
Theo luật sư Nguyễn Thị Bạch Tuyết (Đoàn Luật sư TP HCM), người nuôi có thể nuôi chó dữ với nhiều mục đích như trông nhà, làm cảnh hay kinh doanh... nhưng phải tuân thủ các quy định của pháp luật để bảo đảm an toàn cho người xung quanh (Nghị định số 90/2017/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, Bộ Luật Dân sự năm 2015, Bộ Luật Hình sự).
"Triển khai Nghị định 90/2017/NĐ-CP, TP HCM có thời gian đã đi đầu, quyết liệt thành lập các đội săn bắt chó thả rông nên tình trạng chó, mèo thả rông, không rọ mõm giảm đáng kể. Tuy nhiên, khi trách nhiệm quản lý đưa về các quận, huyện, do thiếu sự đồng bộ nên tình trạng thả rông chó, mèo không rọ mõm tiếp tục diễn ra, gây ô nhiễm môi trường (phóng uế bừa bãi), đe dọa trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của người dân. Mong rằng thời gian tới đây, các cơ quan chức năng siết chặt quy định nuôi chó, mèo, đặc biệt là những giống chó dữ, xử lý nghiêm những chủ nuôi thiếu ý thức, vi phạm quy định pháp luật" - luật sư Nguyễn Thị Bạch Tuyết đề xuất.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 25-5
Bình luận (0)