Mới đây, Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải (Bộ Giao thông Vận tải) đã có đề án đề xuất cấm xe máy vào 4 quận trung tâm TP HCM. Cụ thể, từ nay đến năm 2020: trong giờ cao điểm trên 2 tuyến đường Trường Sơn (quận Tân Bình) và Nguyễn Thị Minh Khai (quận 1); đường Pasteur và đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa hạn chế xe máy từ 7-19 giờ. Từ năm 2021 đến 2025: hạn chế xe vào quận 1; từ năm 2026-2030: hạn chế tiến đến cấm hẳn xe máy vào khu vực trung tâm. Mục đích cụ thể là nhằm giảm tình trạng ùn tắc giao thông cho thành phố, vấn đề nóng muôn thuở. Để thực hiện đề án này, ngoài việc tăng phí giữ xe, thu phí "ùn tắc giao thông", viện đề xuất tăng thêm 55-120 tuyến xe buýt.
Với tình trạng kẹt xe đang ngày trở nên trầm trọng, nhiều bạn đọc đồng tính với đề án này. Bạn Minh Nguyen bình luận: "Người dân hãy làm quen với việc phải đi bộ vào trăm mét để tới trạm xe buýt. Tôi nghĩ việc này là cần thiết. Vừa giảm kẹt xe, ô nhiễm trong nội đô, vừa giúp người dân có thói quen đị xe công cộng. Tuy nhiên, thành phố cũng cần thiết kế hệ thống xe công cộng linh hoạt, tầm phủ sóng rộng và khoảng cách tới trạm khoảng 500 mét là hợp lý. Hệ thống xe buýt phải mới, thân thiện và an toàn".
Bạn Nguyễn Đức Việt cũng hoan nghênh đề án. "Ủng hộ việc cấm xe máy...Nếu VN trải qua 30 năm quen với xe máy thì hãy bỏ thêm 30 năm để quen với việc không có xe máy... VN thuộc rất ít quốc gia trên thế giới xe máy > xe hơi"- bạn Việt bày tỏ. Độc giả tên Thắng đồng tình: "Tại sao Hà Nội làm được mà Sài Gòn không làm được, đáng lẽ Sài Gòn còn phải đi trước chứ? Tôi ủng hộ cấm xe gắn máy, thậm chí cấm tại tòan bộ khu vực nội thành".
Dù vậy, theo nhiều người, đề án này không khả thi vì nhiều lẽ. Thứ nhất, viện chỉ thấy lượng người đi xe máy đông nên cấm nhưng không nhìn xa trông rộng hơn là tình trạng tăng nhiều xe ôtô cá nhân. Nếu tăng xe buýt và vẫn nườm nượp xe con thì hãy nhìn tình trạng kẹt xe kinh khủng của Thái Lan để…học hỏi. Như bạn đoàn Văn Thạch phân tích: "Thông thường một xe máy chở được 1,5 người, chiếm diện tích 1,5 m2, 1 ôtô 4 chỗ chở được 2 người, chiếm 3m2. Như vậy tính ra 1 người đi xe máy chiếm 1 m2 nhưng 1 người đi ôtô chiếm 1,5 m2. . Người nghèo đi xe máy nhìn thấy đông, người giàu đi ôtô nhìn thấy ít. Có lẽ vì thế mà nhầm tưởng ùn tắc là do xe máy. Tóm lại, nếu cấm xe máy mà không cấm xe ô tô cá nhân, thì đồng nghĩa cấm người nghèo".
Điều gây khó nữa là mạng lưới xe buýt của ta chưa phủ đều và khắp mọi nơi như câu quảng cáo "buýt đi học, buýt đi chơi". Hiện nay mạng lưới xe buýt Việt chỉ đông và đầy khách khi tuyến đó đi qua các BV lớn, các trường ĐH lớn…còn thì chỉ có cách đi xe ôm hay taxi. Nếu ngay như các sinh viên đại học còn phải lo ngại khi đi lên xe bus với đầy bọn móc túi, trộm cắp, quấy rối thì các học sinh tiểu học sẽ đi học bằng gì, xe đưa rước học sinh chăng? Giải pháp nào cho con đi học an toàn, đến trường đúng giờ để cha mẹ được an tâm đi làm…trên buýt? Bạn motngaymottran đặt vấn đề: "Khi nào phương tiện công cộng đáp ứng được nhu cầu đi lại phục vụ việc vui chơi giải trí, mua sắm của người dân các quận nội thành đến bất cứ nơi nào, thời gian nào mong muốn.... Khi nào các cơ quan sự nghiệp trong các quận nội thành quy hoạch tập trung về một cụm .... Và khi nào các trường học từ cấp mầm non đến trung học phổ thông các quận nội thành cũng tập trung về một mối thì.... cấm xe máy sẽ khả thi".
Bạn Tuấn cũng đồng thuận với ý kiến quy hoạch trước rồi mới hạn chế xe máy sau. "Cấm xe chỉ là giải pháp tạm bợ trong bất lực. Hãy dời trường đại học, bệnh viện, nhà xưởng, khu dân cư cao tầng...ra khỏi nội thành càng sớm càng tốt. Tôi ít thấy thông tin này từ nhà nước mà thực tế thấy ngược lại. Mặt khác nhà nước cũng cần quyết đoán hơn thì TP mới tốt lên được".
Bình luận (0)