Di sản của TP HCM có vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội, tạo động lực phát triển ngành du lịch nhờ vào sự gia tăng số lượng du khách trong nước lẫn quốc tế, đem đến những lợi ích kinh tế, góp phần nâng cao vị thế thành phố.
Ghi dấu ấn từng giai đoạn phát triển
Cho đến nay, những tuyệt tác kiến trúc mang tính di sản, gắn bó với cuộc sống của người dân đô thị, ghi dấu ấn của từng giai đoạn phát triển tại TP HCM như Hội trường Thống Nhất, Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện Thành phố, chợ Bến Thành, trụ sở UBND TP HCM… vẫn còn nguyên giá trị mỹ thuật, văn hóa, lịch sử.
Bên cạnh đó, thành phố còn có nhiều công trình mang tính biểu tượng di sản cũng cần được quan tâm, chú trọng bảo tồn như khu vực từ ngã tư Đinh Tiên Hoàng - Tôn Đức Thắng đến cột cờ Thủ Ngữ; tòa nhà Hỏa xa (trụ sở của Tổng Công ty Đường sắt hiện tại), khu phố xung quanh chợ Bến Thành như đường Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh vẫn còn nguyên hình thái kiến trúc cổ xưa.
Nhiều nhà nghiên cứu về văn hóa cho rằng cần bảo tồn khu vực quận 3 vì đây được ví như "Đặc khu di sản Sài Gòn xưa" bao gồm vườn ông Thượng, chợ Đũi và các khu biệt thự xây dựng trước năm 1955, không những có giá trị về cảnh quan kiến trúc mà còn gắn với các nhân vật hoặc sự kiện lịch sử.
Thực tế có rất nhiều khuynh hướng ứng xử khác nhau trong mối quan hệ bảo tồn di sản và phát triển kinh tế - xã hội mà chúng ta phải nhìn nhận rõ ràng và thấu đáo. Trường hợp thứ nhất là bảo tồn di sản tốt nhưng không khai thác được giá trị kinh tế, dẫn đến tình trạng di sản nằm "đắp chiếu", sống trên di sản mà vẫn "đói".
Trường hợp thứ hai là khai thác giá trị kinh tế tốt nhưng bảo tồn di sản kém. Đây là khuynh hướng khai thác tối đa giá trị kinh tế của di sản, đặt mục tiêu lợi nhuận lên trên hết dẫn đến khai thác cạn kiệt di sản, xâm hại, thậm chí bóp méo di sản để thu lợi. Về lâu dài, có thể tạo ra những hệ lụy về phát triển văn hóa - xã hội, cản trở sự phát triển bền vững của cộng đồng.
Trường hợp thứ ba là cân đối hài hòa giữa bảo tồn di sản với phát triển kinh tế - xã hội. Đây là khuynh hướng ứng xử với di sản lý tưởng nhất. Tuy nhiên, trên thực tế, đây cũng là một bài toán khó không dễ gì thực hiện và hiện nay chỉ có một số di sản đạt tới.
Bưu điện TP HCM, một công trình kiến trúc tiêu biểu Ảnh: Hoàng Triều
Xây dựng hệ thống lý lịch của di tích
Chính vì vậy cần có định hướng và những giải pháp cụ thể, lâu dài và căn cơ. Hiện nay, nhận thức, sự quan tâm về bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của tầng lớp lãnh đạo ở nhiều địa phương chưa thực sự thấu đáo, đầy đủ về các mặt như thông tin, quan điểm, nguyên tắc bảo tồn và phát huy di sản, bản chất và ý nghĩa của các danh hiệu di sản…
Coi di sản chủ yếu là để phục vụ phát triển du lịch, du lịch là cứu cánh để bảo vệ di sản. Cần tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức cho "quan trí" đồng thời với nâng cao dân trí.
Tiếp theo, phải xây dựng hệ thống hành lang pháp lý đầy đủ, trong Luật Di sản cần có những sự điều chỉnh phù hợp để bảo vệ những công trình chưa được xếp hạng.
Chính quyền đô thị cũng cần xây dựng được những quy chế quản lý, quy định rõ ràng cho sự phát triển ở từng khu vực, đặc biệt ở các khu vực cần bảo tồn, những công trình được cải tạo, mở rộng phải bảo đảm cùng phong cách kiến trúc hoặc có sự tương xứng, tương hợp.
Di sản đô thị ở TP HCM có giá trị lịch sử, văn hóa, tạo dựng thương hiệu trong suốt quá trình hình thành, phát triển. Di sản ấy còn tạo ra nơi chốn, những dấu tích và cảnh quan gắn bó, ăn sâu vào tâm thức của người dân và du khách. Do đó, muốn bảo tồn di sản phải hiểu bản chất của di sản.
Vướng mắc lúc này là chưa có một danh sách và lý lịch đầy đủ về các di sản, di tích văn hóa - lịch sử - kiến trúc. Phải xây dựng được hệ thống lý lịch của di tích để không chỉ nhà khoa học mà người dân cũng hiểu, từ đó hướng tới chung tay gìn giữ, bảo tồn.
Di sản cần được coi là "vốn xã hội", có giá trị văn hóa - tinh thần, đồng thời cũng có giá trị kinh tế - vật chất. Giá trị kinh tế của di sản cần nhìn nhận trong một phạm vi rộng, tầm vĩ mô chứ không chỉ là nguồn lợi của một gia đình hay một ngành nghề.
Có chiến lược cụ thể
Hiện nay, tại TP HCM, ngoài hệ thống các di tích và bảo tàng "tồn tại như không tồn tại" thì chưa có chiến lược nhằm làm cho người dân và thế hệ trẻ hiểu biết nhiều hơn, đúng hơn về di sản văn hóa thành phố cũng như cả nước.
Một vài chương trình truyền hình, chuyên mục trên một số tờ báo... chưa đủ sức mang lại sự yêu thích và khơi dậy ý thức bảo vệ di sản văn hóa. Các chương trình xúc tiến quảng bá du lịch cũng vẫn nặng về khai thác mà chưa làm tăng thêm giá trị cho di sản văn hóa.
Chính vì vậy, ý chí và hành xử của chính quyền có ảnh hưởng rất lớn đến thái độ và ứng xử của người dân đối với di sản.
Mời gửi bài dự thi
Cuộc thi "Lắng nghe người dân hiến kế" lần 3 tập trung vào 3 chủ đề: 1. Các giải pháp nhằm duy trì, phục hồi và phát triển nền kinh tế đất nước sau đại dịch Covid-19; 2. Hiến kế để TP HCM giữ vững là đầu tàu kinh tế của cả nước; 3. Làm gì để chuyển đổi số thành công?
Tác phẩm tham dự cuộc thi gửi qua địa chỉ email: bandoc@nld.com.vn; chưa từng gửi đăng bất kỳ trên báo, tạp chí nào; không được gửi cho nơi khác, cuộc thi khác. Cuối tác phẩm ghi rõ tên tác giả, địa chỉ, số điện thoại, tài khoản ngân hàng.
Cơ cấu giải thưởng: 1 giải nhất 50 triệu đồng, 1 giải nhì 30 triệu đồng, 1 giải ba 20 triệu đồng và 2 giải khuyến khích: 10 triệu đồng/giải.
Bình luận (0)