Những ngày đầu tháng 4, đến vùng biên giới Gia Lai, chúng tôi thực sự ngỡ ngàng khi thấy trên những ngọn núi cao là đồng lúa xanh tốt của làng Tung (xã Ia Nan, huyện Ðức Cơ).
Nghèo, đói phát sinh tệ nạn
Hai bên đường vào làng nối tiếp những vườn cà phê trĩu quả, rừng cao su bạt ngàn hứa hẹn no đủ. Những ngôi nhà "biệt thự mái Thái" khang trang, hàng hóa bày bán rất nhiều... minh chứng cho sự phát triển. Hơn 70% hộ khá, giàu là con số ấn tượng tại làng biên giới này - nơi sinh sống của 170 hộ dân, 820 nhân khẩu, đều là người dân tộc Gia Rai.
Dẫn chúng tôi tham quan một vòng quanh làng, ông Siu Quý - già làng Tung - khoe: "Trước đây, dân làng gặp rất nhiều khó khăn. Cuộc sống của đồng bào phiêu dạt theo những cánh rừng. Hầu như dân cả làng đều không biết chữ. Đến giáp hạt thì đói, bà con phải chờ cứu trợ từng ngày, buồn lắm. Nghèo, đói phát sinh nhiều tệ nạn xã hội như người chết chôn chung, trộm cắp, di cư tự do, vượt biên trái phép... Rồi làng Tung được lực lượng quân đội từ Công ty 72 của Binh đoàn 15 về đây tiếp sức nên có thêm tên gọi là làng 72".
Theo trung tá Hà Trọng Bảo, Giám đốc Công ty 72, cao su và cà phê phải nhiều năm mới thu hoạch nên những năm đầu, mặc dù đơn vị nỗ lực "dốc túi" hỗ trợ đồng bào tất cả nhu cầu lương thực, thực phẩm song đời sống bà con vẫn còn nhiều khó khăn. Đơn vị phải tính đến phương án giúp bà con trồng lúa nước.
Ban đầu, nhiều người dân phản ứng vì họ chưa trồng lúa nước bao giờ. Hơn nữa, ở rừng đất đai nhiều, có thiếu đâu mà phải ngăn đập, khai hoang đất để trồng lúa. Không nản, bộ đội vẫn tiếp tục khai hoang đất, cải tạo, phục hồi đất chua phèn và đầu tư hơn 500 triệu đồng, trồng được gần 16 ha lúa nước, 3 km kênh mương thủy lợi.
Cán bộ, đảng viên, bộ đội xuống tận ruộng trực tiếp chỉ cho dân cách chăm sóc lúa nước
Hôm thông báo cho bà con đến nhận ruộng và hướng dẫn cách trồng, chăm sóc..., cả làng chỉ có ông bí thư chi bộ và mấy đảng viên, đoàn viên, thanh niên có mặt. Dân chưa tin, chưa nhận ruộng thì cán bộ, đảng viên phải làm cho dân tin. Rồi thì lúa lên nhanh, xanh tốt, được mùa, lãnh đạo công ty mời dân làng đến vừa tuyên truyền cách trồng vừa bàn giao những ruộng lúa nặng hạt.
Chưa hết, đơn vị còn phải phối hợp bộ đội biên phòng, đảng viên, đoàn viên, thanh niên địa phương đến từng nhà cấp giống, phân bón, cùng xắn quần xuống ruộng gieo cấy trước cho bà con thấy. Phải nắm tận tay từng người để hướng dẫn cày đất, sạ lúa… rồi dặm, nhổ từng bụi cỏ. Tiếp sau đó là làm thêm mô hình lúa nước hai vụ thử nghiệm với 20 ha tại hai địa điểm khác ở cùng xã là làng Chan và làng Sơn. Dần dần, người Gia Rai đã thành thạo việc trồng lúa nước. Từ cầm liềm gặt lúa, nay có người còn đầu tư cả máy gặt… Từ năm 2015 trở đi, bộ đội tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn cho bà con trồng lúa nước đại trà và đem lại kết quả ngoài sự mong đợi, năng suất đạt từ 37-40 tạ/ha, cao gấp 7 lần lúa rẫy, góp phần bảo đảm an ninh lương thực cho địa phương.
Vừa làm vừa học hỏi
Kinh tế phát triển, chuyện gây rối, vượt biên trái phép, các tệ nạn xã hội, hủ tục... đã dần thay vào đó là nếp sống văn hóa lành mạnh, là tiền đề tiến tới hoàn thành những mục tiêu xây dựng nông thôn mới.
Một trong những người tiên phong trồng lúa nước ngay từ những ngày đầu, ông Khuyên Ðông bộc bạch: "Thời gian đầu khó khăn lắm. Mọi người đòi phạt tôi vì mang cây lúa lạ về trồng nên bị Yang quở trách. Không nản chí, tôi tin cán bộ nên cứ làm, vừa làm vừa học hỏi và rút kinh nghiệm nên dần dần mỗi ha thu hoạch xong, trừ chi phí vẫn còn lãi từ 20 đến 22 triệu đồng. Tất cả hiểu biết và kinh nghiệm tôi đều san sẻ cho dân làng, mong sao bà con trồng được nhiều lúa, no đủ".
Người Gia Rai được mùa
"Ngoài sản phẩm từ cây cao su và cà phê, cây lúa nước đã giúp người Gia Rai ở vùng biên giới mình thêm no đủ. Từ chỗ không có ai biết trồng, nay trong xã đã có hơn 1.590 hộ trồng lúa nước, diện tích đã hơn 60 ha và còn lan rộng sang nhiều địa phương khác. Đấy là nhờ vào sự quan tâm sâu sát của Đảng và nhà nước" - ông Rơ Châm Tưng, Bí thư Ðảng ủy xã Ia Nan, khẳng định.
Tạo ra bước ngoặt lớn
Việc trồng lúa nước hai vụ trên núi đã tạo ra bước ngoặt lớn làm thay đổi nhận thức, tập quán sinh hoạt, lao động và phương thức sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng của người dân. Nếu trước đây đi đêm, dân sợ "con ma" nên sáng 8-9 giờ mới đi làm và 15 giờ đã về thì nay khi gà rừng chưa cất tiếng gáy, bà con đã dậy đi cạo mủ cao su. Từ thiếu ăn, đói khổ, nay có nhiều hộ thu nhập trung bình từ 200 đến 300 triệu đồng/năm. Tiêu biểu như gia đình Brao, Rơ Mah Thưng, Rơ Lan Thức, Rơ Lan Sang và già làng Siu Quý...
Bình luận (0)