Vừa qua, sân bay Tân Sơn Nhất yêu cầu các hãng vận chuyển không được từ chối hành khách đi đoạn đường ngắn. Đây là sự chỉ đạo kịp thời, mang tính nhân văn nhưng để thực hiện được trong thực tế thật không dễ với câu hỏi muôn thuở: Ai sẽ kiểm tra, kiểm soát, xử phạt?
Ở TP HCM có nhiều doanh nghiệp tham gia kinh doanh vận tải hành khách, đặc biệt là địa bàn sân bay Tân Sơn Nhất. Do đó, sự cạnh tranh là khá gay gắt, nên một ngày có được vài cuốc xe đã là tốt. Bởi muốn vào trong đón khách, tài xế phải đợi rất lâu, nếu khách chỉ đi một vài cây số, kiếm được vài chục ngàn, xem như lỗ do chi phí đầu vào chỉ có tăng: giá xăng tăng nhanh cùng với lệ phí bến bãi, khấu hao phương tiện... và những chi phí không tên khác.
Vậy nên, muốn đem lại sự thuận lợi cho hành khách, chấm dứt tình trạng từ chối chở khách đi gần hoặc cho lên xe nhưng làm giá, chạy lòng vòng (người không rành đường), cò kè xin thêm..., về lâu dài tốt nhất vẫn là kết nối xe buýt với sân bay.
Một sân bay có lưu lượng mấy chục triệu lượt hành khách một năm mà xe buýt không chuyên chở được bao nhiêu là rất đáng tiếc. Khi có xe buýt, hành khách sẽ có thêm sự lựa chọn phù hợp với cự ly di chuyển, sở thích, túi tiền..., đặc biệt xóa bỏ những hình ảnh không đẹp mắt ở nơi cửa ngõ thành phố.
Với những trường hợp đi cự ly gần, có thể chờ và chọn những xe vừa cho khách xuống thì khách mới bước lên, như vậy có lợi cho tài xế có khách hai chiều. Để làm được việc này, rất cần sự hợp tác điều tiết của lực lượng trật tự ở khu vực đón trả khách sân bay.
Nhìn rộng ra cả nước với cùng hệ thống sân bay nhưng phương tiện giao thông ở Nội Bài khá phong phú, đáp ứng được nhu cầu cho cả hành khách đi gần hay đi xa, sân bay Tân Sơn Nhất cũng nên tham khảo. Việc đề ra những quy định hành chính bắt buộc phải tuân thủ là cần thiết nhưng nếu có biện pháp khác nhẹ nhàng mà hiệu quả thì cũng nên xem xét trước. Bởi cách làm như thế nào, hiệu quả ra sao sẽ thể hiện rất rõ cái tâm, cái tầm và sự sáng suốt của người quản lý điều hành công việc.
Bình luận (0)