Theo dõi kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV họp bàn về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính (VPHC), tôi rất tán thành ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội khi cho rằng cần phải sửa đổi, bổ sung luật theo hướng tăng nặng mức xử phạt tiền cho các hành vi VPHC như hiện nay; ngoài ra, cần có nhiều hình thức xử lý khác để răn đe, ngăn ngừa tái phạm, như bắt buộc người vi phạm đi lao động công ích.
Qua thực tế, có rất nhiều hành vi VPHC mà mức xử phạt theo quy định hiện hành chưa "theo kịp" cuộc sống, mức xử phạt còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe, phòng ngừa chung.
Dễ dàng thấy nhiều người trong nước ra nước ngoài du lịch, học tập không dám "ho he", vi phạm dù chỉ là vứt một mẩu giấy xuống đường nhưng ở trong nước lại dễ dàng vứt cả túi rác to ra nơi công cộng. Đơn giản vì pháp luật của nhiều nước có mức xử phạt rất nghiêm cho các hành vi VPHC, mức phạt tiền nhằm đánh mạnh vào "túi tiền" của người phạm luật để "cho chừa". Ngoài ra, họ còn có một lực lượng, đội ngũ những người làm nhiệm vụ rất chuyên nghiệp, bản lĩnh, công tâm và công bằng trong xử lý các hành vi VPHC.
Cũng cần nói thêm nhiều tổ chức, cá nhân khi có hành vi vi phạm pháp luật hành chính thì sẵn sàng nộp phạt vì số tiền phạt đối với họ là... chuyện nhỏ. Nhưng nếu đi kèm với hình phạt bắt buộc là lao động công ích, nhiều người sẽ có tâm lý lo sợ, xấu hổ. Do đó, ngoài tăng nặng mức xử phạt VPHC bằng các mức phạt tiền, cần có thêm nhiều hình thức xử phạt khác đi kèm như lao động công ích, bêu tên trên phương tiện thông tin đại chúng...
Bên cạnh đó, cần thiết phải có một lực lượng, đội ngũ cán bộ, công chức là những người thực thi công vụ, đại diện cho pháp luật nhà nước có bản lĩnh, trình độ, chuyên nghiệp, công tâm, công bằng trong việc xử lý đối với các hành vi phạm.
Bình luận (0)