Trừ 3 ngày Tết, còn lại cứ sáng sớm là vỉa hè gần nhà tôi nhộn nhịp hẳn với nền "kinh tế vỉa hè". Vỉa hè bên phải có quán cà phê cóc kê 3-4 bàn cho khách; vỉa hè bên trái là của những "doanh nghiệp cá thể" bán đồ ăn sáng... Rất đông người dân quanh đó, CB-CNV tấp vào mua hoặc ngồi nhâm nhi cà phê trước khi bắt đầu làm việc. Giờ cao điểm có khi khách hàng đậu xe dưới cả lòng đường dẫn đến ùn tắc cục bộ.
Rời khỏi nhà chạy xe lên cơ quan, ghi nhận chỉ một đoạn ngắn từ ngã ba Võ Thị Sáu - Phạm Ngọc Thạch (quận 3) cũng đã thấy sự sôi động của "kinh tế vỉa hè". Ngay ngã ba trên lề đường Phạm Ngọc Thạch có một xe đẩy cà phê, từ đó chạy đến hồ Con Rùa, chỉ tính phần vỉa hè bên này có gần chục "doanh nghiệp cá thể" đứng cách nhau chừng 10-20 m, dọc đường Phạm Ngọc Thạch là hàng loạt xe đẩy bán cà phê, bánh mì, gánh xúp cua, gánh canh bún, xôi… Thực khách ngày nào cũng vô tư dừng xe mua. Con đường Phạm Ngọc Thạch đã hẹp, buổi sáng xe đông, đụng phải những đoạn khách hàng dừng mua đồ ăn sáng ngay dưới lòng đường là lại ùn tắc.
Vì sao câu chuyện vỉa hè bị lấn chiếm dù biết rồi, nói mãi nhưng vẫn rối mù? Sao không đặt ra một góc độ giải quyết căn cơ khác? Có dịp đi du lịch ở một số nước, tôi thấy hầu như người dân địa phương không có thói quen ra đường ăn sáng. Họ ăn sáng tại nhà và đem theo thức ăn trưa. Đó là lý do hiếm thấy quán bán điểm tâm trên vỉa hè, lề đường "tưng bừng" như ở Việt Nam.
Ngoài ra, nhà ở là chỉ ở, không đưa vào kinh doanh mua bán nên không phát sinh nhu cầu để xe máy lấn chiếm lề đường, vỉa hè; phương tiện giao thông công cộng phát triển, việc di chuyển phần lớn bằng xe công cộng nên lượng xe cá nhân ít; công ăn việc làm cho người dân được "cân đối" hợp lý nên ít có chuyện mưu sinh bằng buôn bán nhỏ lẻ trên vỉa hè, lề đường.
Chỉ khi nào tái cấu trúc căn cơ hệ thống công ăn việc làm, giao thông và thói quen sinh hoạt thì mới hy vọng chấm dứt được câu chuyện giành lại vỉa hè. Việc này khó, mất thời gian nhưng vẫn phải làm, bởi các nước quanh ta làm được thì không lý gì Việt Nam lại không.
Bình luận (0)