Nhiều đô thị lớn trên thế giới cũng có kinh doanh, buôn bán trên vỉa hè, điển hình gần nhất là Bangkok (Thái Lan) hay Singapore. Cái khác là được quy hoạch bài bản từng khu vực riêng biệt và tổ chức không gian vỉa hè hài hòa để đem lại hiệu quả thiết thực, thu hút khách du lịch... Ví dụ ở Thái Lan ban hành nguyên tắc quản lý và sử dụng vỉa hè rất linh hoạt: kiên quyết tháo dỡ phần cơi nới lấn chiếm; buôn bán trên vỉa hè phải chừa ít nhất là một lối đi đủ rộng cho 2 người tránh nhau; tùy theo vỉa hè mà chỉ cho phép buôn bán vào ban đêm từ 18 giờ 30 phút đến 5 giờ hôm sau...
Tại các đô thị ở nước ta, vỉa hè không đơn giản chỉ dành cho người đi bộ mà còn liên quan đến nhiều thứ khác: văn hóa, kinh tế, xã hội, kết nối giữa nhà ở với đường phố, cuộc sống mưu sinh của nhiều người.
Vỉa hè gần nơi tôi ở có nhiều quán cóc bán đủ loại thức ăn. Đây là nơi tụ tập gánh hàng rong, quán ăn có giá cả phù hợp với giới sinh viên, công nhân... luôn đông khách mỗi tối. Người bán hầu hết là nghèo, tranh thủ kiếm thêm thu nhập, lo cho con cái ăn học. Nhiều hôm lực lượng đi kiểm tra, người này gọi người kia hối hả thu dọn, cất giữ đồ đạc. Rồi đến cảnh rượt đuổi người bán để thu giữ đồ dùng, xe đẩy, nồi, ly... Trong khi cách đó khoảng 100 m có những nhà hàng sang trọng, quán cà phê... bày bàn ghế cho khách ngồi, vô tư để xe trên vỉa hè. Có nơi còn cơi nới mái hiên, dựng bảng hiệu, thậm chí cử bảo vệ xua đuổi những ai lảng vảng gần đó.
Kể ra để thấy rằng cần nhìn nhận rõ những thực trạng trên để có giải pháp hiệu quả, hài hòa lợi ích các bên.
Họp chợ tràn lan, không còn lối đi. Trong ảnh: Chợ tự phát trên đường Hoàng Hoa Thám, thuộc địa bàn phường 5 và 6 của quận Bình Thạnh, TP HCM. Ảnh: THẠCH BÍCH NGỌC
Thứ nhất, với chủ hộ nhà mặt tiền kinh doanh hoặc cho thuê thì buộc trả lại khoảng trống cho người đi bộ. Cương quyết phạt nặng hành vi cơi nới mái hiên, lấn chiếm vỉa hè, thậm chí thu hồi giấy phép kinh doanh nếu tái phạm nhiều lần. Thứ hai, với người bán hàng rong, bán hàng di động, cần xác minh hoàn cảnh, nếu khó khăn thì tạo điều kiện bằng cách quy hoạch nơi cho họ buôn bán miễn không cản trở giao thông; đồng thời kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm, trật tự đô thị.
Ngoài ra, tùy tuyến phố mà quy hoạch các hoạt động trên vỉa hè phù hợp, hiệu quả. Ví dụ, nơi vỉa hè rộng có thể cho phép buôn bán nhưng chừa lối người đi bộ; nơi vỉa hè hẹp có thể linh động cho phép buôn bán trong khoảng thời gian nhất định từ 19 giờ đến 5 giờ hôm sau. Cần ban hành nguyên tắc sử dụng vỉa hè, trong đó nêu những quy định cụ thể, phạt nặng các trường hợp vi phạm.
Về phía chính quyền, không quy trách nhiệm chung chung mà phải cụ thể hóa cho từng tổ chức và cá nhân để thực hiện. Ràng buộc trách nhiệm người đứng đầu địa phương, nơi nào để xảy ra lấn chiếm vỉa hè và tái diễn nhiều lần thì cách chức chủ tịch và trưởng công an phường nơi đó; khen thưởng cuối năm với cán bộ có xét thành tích quản lý vỉa hè.
Tạo thói quen tôn trọng pháp luật
Việc lấn chiếm vỉa hè đang là tình trạng rất phổ biến tại các đô thị lớn trong cả nước. Vỉa hè được sử dụng để đỗ xe, để các bảng hiệu, bàn ghế hàng ăn, giải khát, thậm chí là trải các mặt hàng ra để bán một cách lộn xộn.
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do thói quen sinh hoạt tùy tiện và ý thức chấp hành các quy định về trật tự đô thị, trật tự công cộng của người dân còn hạn chế. Bên cạnh đó, việc xử lý tình trạng này tại một số địa phương chưa kiên quyết, một số nơi buông lỏng quản lý, làm qua loa lấy lệ. Xử phạt vi phạm trật tự đô thị như "ném đá ao bèo", khi lực lượng chức năng ra quân thì hết sức sạch sẽ nhưng sau đó, đâu lại vào đấy.
Thiết nghĩ, khi ý thức người dân còn hạn chế thì ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền đến từng đối tượng, việc thực thi pháp luật cần phải nghiêm. Các điều luật đã quy định cụ thể, cứ áp dụng theo đó mà xử lý, không khoan nhượng với bất kỳ ai, bất kỳ vi phạm nào. Chỉ như vậy mới tạo thành thói quen tôn trọng luật pháp cho người dân, kể cả khi không có sự hiện diện của lực lượng chức năng.
Luật sư Lưu Tấn Anh Toàn (Đoàn Luật sư TP HCM)
Đã giao trách nhiệm cho địa phương
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động về tình trạng vỉa hè bị tái lấn chiếm, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho biết sẽ giao Ban An toàn giao thông TP rà soát, kiểm tra, nhất là các tuyến đường đăng ký tuyến đường kiểu mẫu.
Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó trưởng Ban Chuyên trách Ban An toàn giao thông TP, khẳng định việc chấn chỉnh tình hình trật tự lòng, lề đường trên địa bàn hiện UBND TP đã giao trách nhiệm cụ thể cho lãnh đạo các quận, huyện, phường, xã, thị trấn... Vì vậy, tại các địa phương phải có kế hoạch tuần tra, kiểm soát, đặc biệt là những khu vực phức tạp, những phương án tổ chức, sắp xếp trật tự lòng, lề đường đều phải cụ thể. Đó là vấn đề đang làm thường xuyên và trách nhiệm cũng đã rõ ràng. Đối với các đoàn kiểm tra liên ngành, theo ông Tường, hiện đã có phân công cụ thể. Trên cơ sở kiểm tra và thông tin phản ánh từ báo chí, người dân..., các đơn vị này khi phát hiện sẽ có văn bản nhắc nhở địa phương khắc phục. Với câu hỏi hiện hàng loạt tuyến đường vẫn tái diễn nghiêm trọng tình trạng lấn chiếm, ông Tường cho biết đối với những trường hợp này, nếu vẫn không khắc phục thì sẽ đề nghị TP xử lý theo trách nhiệm của người đứng đầu.
G.Minh - P.Anh
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 25-6
Bình luận (0)