Vừa qua, UBND quận 1 đã đề xuất UBND TP HCM phương án tổ chức, quản lý các tuyến đường nhánh giao với phố đi bộ Nguyễn Huệ, trong đó có đề xuất thí điểm cho các khách sạn, nhà hàng, cơ sở ăn uống trên đường Nguyễn Huệ được kinh doanh nước giải khát, thức ăn nhanh trên hè phố, từ ngày 15-12.
Thí điểm "Con đường nghệ thuật"
Theo UBND quận 1, trong đề án "Định hướng một số giải pháp phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn quận 1", tuyến đường Nguyễn Huệ được đề xuất thí điểm là "Con đường nghệ thuật" nhằm phục vụ người dân TP HCM, khách du lịch. Mặt khác, nhu cầu kinh doanh khai thác hè phố có thu phí cho dịch vụ ẩm thực trước các công trình nêu trên rất lớn.
Còn theo đề án "Tiếp nhận, quản lý và khai thác khu vực trung tâm" đang được TP HCM xây dựng thì tuyến đường Nguyễn Huệ được định hướng tổ chức hoạt động theo các phân vùng. Cụ thể, khu vực Công viên Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh chuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, chính trị.
Khu vực giữa Công viên Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh và tiếp giáp đường Tôn Đức Thắng chuyên tổ chức các hoạt động lễ hội, thể dục thể thao, biểu diễn nghệ thuật. Khu vực tiếp giáp đường Tôn Đức Thắng tổ chức hoạt động về quảng cáo, giải trí; tổ chức cầu đi bộ kết nối không gian đường Nguyễn Huệ và Công viên Cảng Bạch Đằng để tạo cảnh quan và giảm ùn tắc giao thông.
UBND quận 1 đang đề xuất quản lý, tổ chức tiếp nhận thí điểm 6 tuyến đường nhánh tiếp giáp đường Nguyễn Huệ, gồm: đường Nguyễn Thiệp (đoạn từ Đồng Khởi đến Nguyễn Huệ), Mạc Thị Bưởi (đoạn từ Đồng Khởi đến Nguyễn Huệ), Ngô Đức Kế (đoạn Đồng Khởi đến Nguyễn Huệ và đoạn Nguyễn Huệ đến Hồ Tùng Mậu), Hải Triều (đoạn Nguyễn Huệ đến Hồ Tùng Mậu), Huỳnh Thúc Kháng (đoạn Nguyễn Huệ đến Hồ Tùng Mậu) và đường Tôn Thất Thiệp (đoạn Nguyễn Huệ đến Hồ Tùng Mậu). Với các tuyến đường nhánh này, dự kiến thí điểm tổ chức khu vực giữ xe hai bánh trên lòng đường các tuyến Mạc Thị Bưởi, Ngô Đức Kế và Hải Triều vào thứ bảy, chủ nhật và các ngày có sự kiện lớn từ 18 đến 23 giờ. Thời gian thí điểm từ ngày 1-1-2024 cho đến khi thành lập Trung tâm Quản lý công viên và phố đi bộ quận 1.
Những khu vực còn lại phục vụ cho người đi bộ và các hộ mặt tiền đường tổ chức kinh doanh, buôn bán. Chưa tổ chức sắp xếp khu vực bán hàng lưu động tại các tuyến đường nhánh để bảo đảm an ninh trật tự, mỹ quan đô thị khu vực trung tâm.
Cần quy hoạch ở phố đi bộ Nguyễn Huệ khu vực bán buôn hợp lý, không để bát nháo, tràn lanẢnh: Ái My
Quy hoạch phải bao quát, thực tế, toàn diện
Bàn về phố đi bộ Nguyễn Huệ, kiến trúc sư Trương Nam Thuận (Công ty CP Tư vấn Đầu tư Thiên Nam Anh) cho rằng các tuyến phố đi bộ phải có hoạt động kèm theo như mua sắm, sinh hoạt cộng đồng, biểu diễn nghệ thuật, tổ chức các ngày lễ trọng đại... Thế nhưng, ngay từ đầu, chúng ta đã không tính đến những điều này để quy hoạch các tuyến đi bộ, dịch vụ phục vụ cho những người đến phố đi bộ vui chơi giải trí, bao gồm bãi đỗ xe và các không gian phụ trợ cho dịch vụ. Không có chiến lược quy hoạch bài bản, khoa học ngay từ đầu nên khi phát sinh nhu cầu thực tế thì không quản lý được.
Kiến trúc sư Trương Nam Thuận cho rằng nên cân đối lại, điều chỉnh chiến lược đi bộ trong quận trung tâm, xem đó là một hoạt động du lịch chiến lược để kích thích nhu cầu tiếp cận, tiêu dùng, mua sắm, sinh hoạt cộng đồng tại khu trung tâm.
"Phố đi bộ Nguyễn Huệ hiện tại chưa hiệu quả, chắp vá, không có chiến lược mạng lưới tổng thể quy hoạch đi bộ. Cần nhìn nhận hoạt động phố đi bộ là một hoạt động văn hóa, du lịch và trải nghiệm của toàn bộ khu trung tâm quận 1. Quy hoạch hệ thống đi bộ phải có tính tổng thể trong toàn quận chứ không phải chỉ một vài tuyến đường. Nếu chỉ quy hoạch một vài tuyến đường là quá ngắn, quá nhỏ và không tính được hiệu quả kinh tế, môi trường cũng như du lịch" - kiến trúc sư Trương Nam Thuận phân tích.
Theo kiến trúc sư Trương Nam Thuận, các nước phát triển gần chúng ta như Singapore, Nhật Bản, Trung Quốc có một tổng thể đô thị được quy hoạch bài bản, khoa học và thực thi nghiêm túc. Trong đó, gắn kết hoạt động đi bộ rất hiệu quả với các khu chức năng toàn đô thị. Chúng ta không thể học tập họ được bởi cấu trúc đô thị và quy hoạch đô thị chúng ta còn tương đối lộn xộn. Phương tiện xe máy chiếm đa số, vỉa hè nhỏ hẹp lại hay bị lấn chiếm, khí hậu khắc nghiệt vào ban ngày, mùa mưa không có mái che, không có bãi đỗ xe máy tại các vị trí trọng yếu. Cho nên về cơ bản, trước khi nghĩ đến các tuyến phố đi bộ, phải nghĩ đến cơ sở hạ tầng phục vụ cho việc đi bộ đó, mục tiêu của việc đi bộ để làm gì và việc thực hiện như vậy có thực sự hiệu quả hơn về kinh tế, môi trường hay không?
"Kinh tế phi chính thức - kinh tế vỉa hè là một điều tất yếu của các đô thị Việt Nam. Dù muốn hay không thì điều trước tiên là phải thừa nhận sự tồn tại hợp lý của lực lượng kinh tế này. Không thể cấm đoán và thực tế cũng không thể ngăn chặn sự hiện diện của lực lượng này. Vấn đề ở đây là cho tồn tại, quy hoạch khu vực bán buôn hợp lý, quản lý an ninh trật tự, giao thông, chất lượng, giá bán, an toàn vệ sinh thực phẩm. Đây là bài toán của quản lý. Muốn quản lý thì phải có quy hoạch. Quy hoạch phải bao quát, thực tế và toàn diện. Quy hoạch hướng đến việc hỗ trợ cho việc buôn bán được khoa học, thuận tiện, chất lượng và có tính thẩm mỹ trong đô thị" - kiến trúc sư Trương Nam Thuận nêu ý kiến.
Bình luận (0)