Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, lãnh đạo UBND phường Bến Nghé (quận 1) cho biết phố đi bộ Nguyễn Huệ hiện do Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP HCM quản lý và vận hành.
Thiếu người, thiếu hướng dẫn
Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP HCM có trách nhiệm bố trí lực lượng tuần tra, kiểm soát, thường xuyên nhắc nhở và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm nội quy khu vực công viên Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh và đường Nguyễn Huệ. Quận 1 phối hợp quản lý theo quy chế trong Quyết định 31/2020/QĐ-UBND.
Theo lãnh đạo này, hiện nay, lực lượng trật tự đô thị của phường Bến Nghé chỉ có 6 nhân lực chia làm 2 ca, mỗi ca 3 người để quản lý các khu vực trên địa bàn phường gồm cả công viên Bến Bạch Đằng, nhà thờ Đức Bà... Lực lượng trật tự đô thị quận có tăng cường phối hợp xử lý hằng đêm từ 17-22 giờ. Sau 22 giờ chỉ còn công an phường tuần tra xử lý (bảo đảm cả các khu vực khác trên địa bàn phường) nên hàng rong còn phát sinh nhiều.
"Phố đi bộ hiện nay thường xuyên tổ chức các sự kiện của thành phố và một số đơn vị, mật độ dày đặc nên thu hút nhiều người dân đến vui chơi. Do đó, lực lượng quản lý không đủ so với lượng người đổ về. Lực lượng bảo vệ phố đi bộ chỉ bảo đảm tài sản và phương tiện, chưa nhắc nhở, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm nội quy. Ngoài ra, một số hành vi vi phạm tại phố đi bộ chưa có hướng dẫn xử lý nên cũng khó khăn trong công tác xử lý như nhân tượng, phun lửa, ca hát tự phát, cosplay xin tiền…" - vị này cho biết.
Phố đi bộ Nguyễn Huệ cần những giải pháp khoa học, hiệu quả hơnẢnh: ÁI MY
Cần một cuộc thi
Trước những tồn tại cùng sự lãng phí tiềm năng tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, nhiều chuyên gia đã có ý kiến. KTS Nguyễn Đình Hòa, Hội Quy hoạch Phát triển đô thị TP HCM, kể ở các nước châu Âu, hàng quán có ở phố đi bộ. Tuy nhiên, những dịch vụ này bám sát công trình như nhà ở, nhà hàng đang kinh doanh hiện hữu chứ không lấn sâu vào không gian công cộng. Cái khó ở phố đi bộ Nguyễn Huệ là khó tiếp cận ở hai bên chiều dọc do đây là con đường xe chạy.
"Phố đi bộ đang hoạt động theo hình thức quảng trường, 4 mặt cho phương tiện lưu thông. Hàng rong lấn vào phần lõi nên không gian thư giãn, vui chơi bị thu hẹp đáng kể" - KTS Nguyễn Đình Hòa nhận xét.
Đưa ra giải pháp, KTS Nguyễn Đình Hòa cho rằng địa thế của phố đi bộ có đặc thù nên cũng cần giải pháp đặc thù. Để sắp xếp lại phố đi bộ, những tính toán phải "đến nơi, đến chốn". Có thể tổ chức một cuộc thi thiết kế để sắp xếp lại. Cụ thể như hàng quán hoạt động như thế nào, những sinh hoạt gì nên gắn với phố đi bộ…
"Một cuộc thi có nội dung, tiêu chí rõ ràng. Qua những góp ý chuyên sâu từ chuyên gia mà phân tích, đánh giá để có biện pháp hữu hiện, đồng thuận giữa các bên" - KTS Nguyễn Đình Hòa nêu ý kiến.
Phải thực sự là điểm hẹn văn hóa
TS Lê Hồng Phước, Phó trưởng Khoa Ngữ văn Pháp, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP HCM, khẳng định phố đi bộ không đơn thuần là con phố phương tiện cơ giới nhường người đi bộ mà phải là "một điểm hẹn văn hóa" thật sự.
Ở đó, người dân và du khách vừa có không gian đi dạo vừa dễ dàng ngắm nhìn, thưởng thức nét văn hóa đặc trưng của địa phương cũng như hoạt động vui chơi giải trí.
Theo TS Lê Hồng Phước, phố đi bộ thường có cảnh ca hát nhỏ lẻ của những nghệ sĩ đường phố và cũng tấp nập những người bán hàng rong. Đó là những nét đặc trưng không thể lẫn. Nếu trong tình trạng yên lặng thì chẳng khác gì những công viên bình thường.
Vấn đề của phố đi bộ Nguyễn Huệ là mọi thứ hình như thiếu nền nếp, đôi khi bát nháo, như hoạt động bán hàng rong hay nghệ sĩ biểu diễn đường phố có lúc nhiều và lộn xộn làm mất mỹ quan đô thị.
Có thể khẳng định rằng hàng rong vừa là một nét văn hóa đặc trưng của thành phố vừa phù hợp với nhu cầu của người nghèo phải mưu sinh theo cách ấy. Hàng rong tồn tại cũng phù hợp với tâm lý của du khách là khi đi dạo nhìn thấy, ngửi mùi thức ăn được bán thì bất chợt thèm ăn và muốn mua ngay. Bởi vậy, hàng rong cần, nhưng khi nghiên cứu các giải pháp cho hàng rong thì nên lưu ý nhiều điều, trong đó, người bán nên thường xuyên di chuyển thay vì chỉ ngồi một chỗ.
TS Lê Hồng Phước nhấn mạnh phố đi bộ và hàng rong hiện diện ở nhiều nước trên thế giới. Chúng ta có thể học hỏi kinh nghiệm từ các nước, mà "gần nhà" là Thái Lan hay Singapore. Nhà nước cần quy hoạch không gian bán hàng rong ở phố đi bộ, người buôn bán phải đăng ký với nhà nước và làm nhiệm vụ đóng phí kinh doanh. Ngay cả các hoạt động ca hát của nghệ sĩ đường phố cũng phải đăng ký với nhà quản lý.
Quy tắc "3 không"
Theo TS Lê Hồng Phước, phố đi bộ Nguyễn Huệ cần một ban quản lý thường trực để theo dõi các hoạt động và xử lý phát sinh, chẳng hạn như khi du khách đến báo về tiêu cực trong bán hàng rong.
Về lâu dài, nhà quản lý cần chiến lược chiến lược quản lý đúng đắn. Cần có quy hoạch cụ thể, bài bản, hợp tình hợp lý để làm sao hài hòa được lợi ích của người bán, người trình diễn, du khách, dân địa phương, mỹ quan đô thị và thu ngân sách của nhà nước.
"Không nên quyết bất chợt và áp dụng bất ngờ. Không nên ra quân theo từng đợt, rồi đến khi nhà chức trách rời đi thì đâu lại vào đấy. Với người bán hàng rong hay nghệ sĩ đường phố, không nên để họ hành nghề mà lúc nào cũng trong tâm trạng nơm nớp" - TS Phước nói.
Bình luận (0)