Khi xem lại các clip được trích từ camera hành trình của xe gây tai nạn lẫn góc quay của người chứng kiến, có thể thấy rõ rất nhiều vụ xảy ra xuất phát từ sai sót cơ bản trong việc cầm lái trên đường, thiếu hiểu biết luật giao thông, thậm chí là coi thường luật lệ, văn hóa giao thông, nhân mạng con người.
Việc siết lại quy chế sát hạch đối với người học lấy bằng lái xe đã được nhấc lên đặt xuống nhiều lần. Việc thay đổi cơ quan sát hạch và quản lý, cấp bằng lái xe cũng được tính đến. Nhiều quy chế mới nâng cao độ khó của kỳ thi sát hạch bằng lái đối với ôtô, xe tải cũng đã được ban hành. Điều này cũng làm cho chuyện "bao đậu", "gửi gắm" tại các trường dạy lái xe, trường nghề sẽ dần dần được hạn chế.
Trên mạng lưới đường sá cả nước, đặc biệt là các quốc lộ huyết mạch có lưu lượng giao thông lớn, việc giám sát giao thông bằng camera phạt nguội cũng được tăng cường cùng biện pháp giám sát thực địa. "Ba-rem" chế tài cho các vi phạm cũng được tăng lên, có tính răn đe nghiêm khắc hơn.
Nhưng vì sao những vụ vi phạm luật giao thông vẫn diễn ra một cách trắng trợn và bất chấp? Trước hiện trạng này thì trách nhiệm ổn định trở lại an ninh, an toàn giao thông thuộc về ai?
Vụ 3 xe khách nối đuôi nhau lấn làn vượt ẩu tại xã Đại Lào, TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng ngày 12-6 vừa qua đều của Công ty Vận tải Du lịch Phương Trang, doanh nghiệp vận tải lớn khai thác không chỉ tuyến TP HCM - Đà Lạt mà còn nhiều tuyến từ TP HCM đi các tỉnh, thành khác. Ba tài xế cũng lớn tuổi, có kinh nghiệm. Họ đã cùng nhận lỗi và chấp nhận bị xử phạt trước cơ quan CSGT.
Sự việc trên may mắn được camera hành trình của một xe đi ngược chiều ghi lại. Nếu không thì doanh nghiệp có biết, có chấp nhận kiểu lái xe coi thường tính mạng khách hàng, cộng đồng và có thể dẫn đến tổn hại uy tín, thiệt hại cho chính mình hay không?
Là một người thường xuyên đi lại trên tuyến đường TP HCM - Đà Lạt vừa trong vai người đi xe khách vừa là người cầm lái xe gia đình, tác giả bài viết này có thể khẳng định việc kiểm soát, thanh tra giao thông ở địa bàn Lâm Đồng và Đồng Nai khá gắt. Song, không hiểu sao những pha lấn làn, vượt tốc độ cho phép ở quãng đường này nhiều khi xảy ra một cách ngang nhiên và rất phổ biến, mà "hung thần" không ai khác là các xe khách và xe tải cỡ lớn.
Có hay không những tiêu cực đằng sau việc kiểm soát giao thông? Hy vọng đó là một phán đoán sai và hy vọng việc xử phạt không phải giơ cao đánh khẽ. Theo đó, cần những biện pháp giám sát giao thông trên tuyến đường du lịch quan trọng để doanh nghiệp vận tải phải bảo đảm các quy chế, đem lại sự an toàn, an tâm cho du khách lẫn người dân trên tuyến giao thông mà họ đang khai thác kinh doanh.
Một trong những giải pháp đáng để CSGT các địa phương tính đến nhằm hạn chế vi phạm giao thông là mở một kênh tiếp nhận bằng chứng vi phạm được trích xuất từ camera hành trình thu thập của xe cá nhân cùng tham gia giao thông. Khi đó, cả xã hội sẽ cùng đóng góp cho việc giám sát giao thông an toàn một cách hữu hiệu.
Bình luận (0)