Theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu sau 4 năm thực hiện, các quy định của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả trên tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại.
Tuy nhiên, sau quá trình tổ chức triển khai thực hiện Luật Xuất nhập cảnh quá cảnh và cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, đã tồn tại một số bất cập như:
Quy định về đơn phương miễn thị thực:
- Tại khoản 1, điều 20 của luật quy định: "Người nước ngoài nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực thì hộ chiếu phải còn thời hạn sử dụng ít nhất 6 tháng và phải cách thời điểm xuất cảnh Việt Nam lần trước ít nhất 30 ngày".
Quy định "phải cách thời điểm xuất cảnh Việt Nam lần trước ít nhất 30 ngày" nhằm hạn chế tình trạng người nước ngoài lợi dụng chính sách miễn thị thực đơn phương, nhập cảnh liên tiếp để vào Việt Nam làm việc, lao động…
Tuy nhiên, sau khi triển khai áp dụng, tại các diễn đàn doanh nghiệp, diễn đàn du lịch, hội nghị đối thoại doanh nghiệp, nhiều ý kiến cho rằng quy định trên đã gây vướng mắc đối với số khách nhập cảnh Việt Nam du lịch sau đó sang nước thứ ba rồi quay lại Việt Nam tiếp tục du lịch.
Quy định về thị thực:
- Luật quy định thị thực không được chuyển đổi mục đích (khoản 1 điều 7), trong khi pháp lệnh quy định người nước ngoài sau khi nhập cảnh nếu có nhu cầu sẽ được xét cho chuyển đổi mục đích nhập cảnh. Quy định mới này nhằm đảm bảo công tác quản lý, khắc phục tình trạng người nước ngoài xin vào Việt Nam với danh nghĩa tham quan, du lịch, sau đó xin chuyển đổi để thực hiện các mục đích khác, đặc biệt xin chuyển đổi ở lại lao động. Thực tế có nhiều lao động đang làm việc tại các dự án do Trung Quốc trúng thầu (đây là vấn đề phức tạp mà các bộ, ngành, địa phương đang phải phối hợp giải quyết).
- Luật quy định rõ ký hiệu, thời hạn thị thực phù hợp với mục đích nhập cảnh (điều 8, điều 9) nhằm đảm bảo người nước ngoài vào hoạt động đúng mục đích, giúp cho công tác quản lý chặt chẽ, ngăn chặn các trường hợp hoạt động trái mục đích xin nhập cảnh.
- Luật quy định thời hạn thị thực cấp cho người nước ngoài vào lao động có thời hạn tối đa đến 2 năm (khoản 5 điều 9) và cấp cho người nước ngoài vào đầu tư và luật sư nước ngoài vào hành nghề tại Việt Nam có thời hạn tối đa đến 5 năm nhằm đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống luật (pháp lệnh quy định thị thực Việt Nam có thời hạn không quá 12 tháng, trong khi Luật Đầu tư năm 2005 quy định thời hạn của thị thực cấp cho người nước ngoài vào đầu tư tối đa là 05 năm).
- Theo quy định tại điều 25, điều 26 của luật, trong thời gian quá cảnh, người nước ngoài có nhu cầu vào Việt Nam tham quan, du lịch theo chương trình do doanh nghiệp lữ hành quốc tế tại Việt Nam tổ chức được xét cấp thị thực phù hợp với thời gian quá cảnh.
Thực tế cho thấy, đối với khách du lịch tàu biển, thời gian đầu thực hiện cấp thị thực theo quy định của luật, một số doanh nghiệp lữ hành đón khách du lịch tàu biển phản ánh việc ùn tắc, chậm trễ, mất nhiều thời gian do không thể đăng ký cấp thị thực theo đoàn mà phải đăng ký từng người theo quy định tại khoản 2, điều 7 của luật thì "Thị thực được cấp riêng cho từng người...", "Thị thực được cấp vào hộ chiếu hoặc cấp rời".
Do đó, du khách phải khai tờ khai riêng và thực hiện việc cấp thị thực cho từng khách, trong khi mỗi tàu du lịch có số lượng khách lớn (có thể đến 6.000 khách), thời gian cập cảng thường rất ngắn (dưới 24 tiếng) nên đã ảnh hưởng đến việc đón khách của doanh nghiệp và công tác cấp thị thực của đơn vị kiểm soát xuất nhập cảnh thuộc Bộ Quốc phòng tại cửa khẩu, cảng biển.
- Mặc dù Quốc hội, Chính phủ đã ban hành các quy định liên quan đến việc cấp thị thực điện tử như Nghị quyết số 30/2016/QH14 về "Thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam" và Nghị định số 07/2017/NĐ-CP ngày 25/01/2017 quy định trình tự, thủ tục thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam" nhưng Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam vẫn chưa quy định về thị thực điện tử.
Các trường hợp được mời, bảo lãnh người nước ngoài:
- Nghị định số 11/2016/NĐ-CP ngày 03/02/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ Luật Lao động về lao động người nước ngoài tại Việt Nam quy định về người sử dụng lao động người nước ngoài, trong đó có "hộ kinh doanh, cá nhân được phép hoạt động kinh doanh theo quy định của pháp luật" và "nhà thầu nước ngoài hoặc trong nước tham dự thầu, thực hiện hợp đồng" nhưng khoản 1, điều 14 của luật chưa quy định các trường hợp trên được mời, bảo lãnh người nước ngoài.
Bình luận (0)